Đường liên vùng càng khó làm
Đường vành đai 3 Hà Nội đã hoàn thành nhưng hiện cũng quá tải - Ảnh: NAM TRẦN
Sau nhiều năm kết hợp cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cũ và xây mới nhiều đoạn, Hà Nội có 3 tuyến đường vành đai đã cơ bản hoàn thành là vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3.
Tuy nhiên, dự án đường vành đai 4 (quy hoạch năm 2011), vành đai 5 (quy hoạch năm 2014) là tuyến giao thông kết nối thủ đô với các vùng lân cận nhưng đến nay ngoài các đoạn đường có sẵn, những con đường mới chưa được đầu tư.
3 đường vành đai nội ô đã xong
Đường vành đai 1 của Hà Nội được hình thành từ thời Pháp thuộc. Con đường có hình vòng tròn từ Nhật Tân theo đê sông Hồng đến đường Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - La Thành - Bưởi, đường Lạc Long Quân thuộc địa bàn 5 quận nội thành.
Trong nhiều năm qua, TP Hà Nội chủ yếu dùng ngân sách của TP để cải tạo, nâng cấp những tuyến đường đã có, kết hợp xây dựng các đoạn đường mới để khép kín đường vành đai 1. Thế nhưng hiện vẫn còn 2,27km đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục chưa hoàn thành. Đoạn này dự kiến được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức vốn ước khoảng 7.200 tỉ đồng.
Còn đường vành đai 2 cũng là tuyến giao thông nội ô khép kín của Hà Nội với tổng chiều dài 43,6km từ cầu Vĩnh Tuy - đường Minh Khai - đường Đại La - ngã tư Vọng - đường Trường Chinh - ngã tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - đường Bưởi - đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Võ Nguyên Giáp - đường Trường Sa - cầu Đông Trù - đường Lý Sơn - cầu chui Gia Lâm - đường Nguyễn Văn Linh - đường Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.
Phần lớn đường vành đai 2 được mở rộng, nâng cấp từ những tuyến đường có sẵn trước đây kết hợp với một số đoạn làm mới từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội, vốn vay nước ngoài và đầu tư BT. Sau khi đầu tư khép kín, hiện nay đường vành đai 2 đang xây dựng phần trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy - ngã tư Sở, cầu Vĩnh Tuy 2 và chuẩn bị đầu tư đoạn ngã tư Sở - Cầu Giấy để nâng năng lực của tuyến đường.
Riêng đường vành đai 3 Hà Nội dài khoảng 65km được hình thành trên cơ sở kết nối các tuyến đường cũ và xây mới. Đây là tuyến đường qua các quận và huyện Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm từ đường Võ Văn Kiệt qua cầu Thăng Long về Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển - Pháp Vân - cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đông Anh.
Trải qua nhiều năm xây dựng, mở rộng bắt đầu từ đoạn cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài từ những năm 1990. Nguồn vốn đầu tư dự án từ ngân sách của Hà Nội, trung ương (ngân sách, vốn vay ODA). Đến năm 2010 đường vành đai 3 cơ bản khép kín theo quy mô được phê duyệt (còn đoạn từ Ninh Hiệp - Đông Anh kết nối với đường Võ Văn Kiệt vẫn sử dụng các tuyến đường cũ có mặt cắt nhỏ).
Đường vành đai 4, 5 chưa đầu tư
Từ năm 2011, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đường vành đai 4 Hà Nội có chiều dài 98km, quy mô cao tốc 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỉ đồng, đi qua 14 quận huyện, TP thuộc Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Theo phê duyệt, đoạn đường vành đai 4 qua Hà Nội phải hoàn thành trước năm 2018. Riêng các đoạn đường qua Hưng Yên, Bắc Ninh phải hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT nhưng chưa phê duyệt (dài 53,52km). Còn 19km qua Hưng Yên và 21km qua Bắc Ninh chưa lập đề xuất đầu tư dự án.
Còn đường vành đai 5 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2014 với chiều dài khoảng 348km, đoạn từ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đến Hà Nội - Lạng Sơn quy mô cao tốc 4-6 làn xe. Riêng các đoạn còn lại là đường cấp II có 4-6 làn xe. Dự kiến đến năm 2030 hoàn thành thông tuyến đạt quy mô 4 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 59.000 tỉ đồng.
Đây là tuyến đường vành đai có tính chất liên vùng đi qua 8 tỉnh, TP (Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) kết nối nhiều tuyến đường đã có kết hợp xây đường mới. Phần do Bộ GTVT đầu tư là 127,9km gồm các đoạn đi trùng đường quốc lộ, cao tốc. Đến nay đã đưa vào khai thác 25km đi trùng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai. Còn lại 102,9km đi trùng quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 2 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 2 cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng) nhưng chưa được đầu tư quy mô 4 làn xe theo quy hoạch.
Riêng 183,2km đường vành đai 5 còn lại chưa được đầu tư. Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, TP tổ chức rà soát quy hoạch nghiên cứu phương án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác. Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm, cùng đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với các đơn vị chuyên ngành của địa phương giải quyết nếu có vướng mắc về quy hoạch.
TUẤN PHÙNG
Xem thêm: mth.95025728041301202-hnis-ioh-oan-ihk-ion-ah-mch-pt-o-iad-hnav-gnoud-na-ud/nv.ertiout