vĐồng tin tức tài chính 365

Bình đẳng giới bắt đầu từ... giới cần bình đẳng

2021-03-14 09:47

Bình đẳng giới bắt đầu từ... giới cần bình đẳng

Hiệu Minh

(KTSG) - Kể từ khi nước Mỹ tổ chức ngày Phụ nữ đầu tiên (28-2-1909) nhân loại trải qua 112 năm, Mỹ được coi là đi đầu trong đấu tranh bình đẳng giới nhưng năm 2021 tại Hạ viện Mỹ phụ nữ chỉ chiếm 24% và Thượng viện con số này là 23% trong khi tại Việt Nam, tỷ lệ là 27% cao hơn chút. Mãi tháng 1 vừa qua, Mỹ mới có vị Phó tổng thống nữ đầu tiên trong lịch sử hơn 300 năm. Đó là bà Kamala Haris, người da màu gốc Ấn.

Như vậy, bình đẳng giới bắt đầu từ giới cần bình đẳng, chính là phái đẹp lên tiếng mới có quyền rộng rãi như ngày nay. Đã hơn một thế kỷ đấu tranh, cuộc chiến bình quyền nam nữ vẫn còn tiếp diễn.

Giáo dục là chìa khóa cho bình đẳng giới

Ở Trung Đông rất nhiều đàn ông đa thê. Một số tổ chức giải phóng phụ nữ đòi can thiệp nhưng khi phỏng vấn các bà thì họ thản nhiên, chúng tôi chung sống hạnh phúc, sao lại thay đổi.

Theo UNESCO, bình đẳng giới là ưu tiên toàn cầu và gắn bó chặt chẽ với những nỗ lực thúc đẩy quyền giáo dục và hỗ trợ để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó mục tiêu số 5 (SDG5) nhấn mạnh cần đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Bất chấp sự tiến bộ, hai phần ba trong số gần 800 triệu phụ nữ trưởng thành không được học hành cơ bản, theo báo cáo của Viện Thống kê UNESCO và Liên hiệp quốc (UN).

Chương trình nghị sự giáo dục 2030 của UNESCO thừa nhận, bình đẳng giới đòi hỏi một cách tiếp cận để đảm bảo rằng trẻ em gái và trẻ em trai, phụ nữ và nam giới không chỉ được tiếp cận và hoàn thành các chu kỳ giáo dục, mà còn được trao quyền bình đẳng trong và thông qua giáo dục.

Nghèo đói, cô lập về địa lý, nhóm thiểu số, khuyết tật, kết hôn sớm và mang thai, bạo lực trên cơ sở giới và văn hóa truyền thống trọng nam khinh nữ, là một trong nhiều trở ngại cản trở phụ nữ và trẻ em gái thực hiện đầy đủ quyền tham gia, hoàn chỉnh và hưởng lợi từ giáo dục.

Trai hay gái chọn ai đi học lợi hơn

Theo thống kê của UN và Ngân hàng Thế giới (WB), trên thế giới cứ 100 nam giới thất học thì có tới 122 phụ nữ không học hành gì. Ở một số quốc gia, tỷ lệ này khác biệt khá lớn. Ví dụ, ở Yemen, cứ 100 bé trai không tới trường thì có 270 bé gái không học hành, con số này ở Iraq là 316, và khủng khiếp hơn là Ấn Độ có tới 426 bé gái như thế. Sự phân biệt nam nữ trong giáo dục vẫn còn dai dẳng.

Giả sử có một trai, một gái, nhưng tiền chỉ đủ cho một đứa đi học, dân châu Á thường sẽ chọn luôn đứa con trai để đứa “chống gậy” có... bằng cấp. Người thông minh sẽ xét đứa nào có khả năng cứu sống gia đình để chọn gửi đi học.
Hai con giỏi ngang nhau, nên chọn ai đây? Vì tương lai của đất nước, của dòng tộc, nếu phải chọn một, nên đầu tư cho con gái đi học, trừ phi bạn muốn người “đội nùn rơm” có bằng... tiến sĩ.

Vì sao? Đàn bà sẽ đẻ ra... nhân loại, từ tổng thống, bộ trưởng, dân thường đến người hành khất.

Người ta đã thống kê, phụ nữ được học hành thì vai trò sẽ tăng lên trong gia đình, xã hội, kể cả các vị trí lãnh đạo quan trọng. Phụ nữ có học vấn nuôi con theo khoa học, biết cách dạy dỗ, cho ăn uống, dùng thuốc với tầm hiểu biết.

Người ta đã đúc kết, gia tài của người đàn ông có ba thứ quan trọng. Đó là cô vợ hiền và đảm, cô con gái xinh và thông minh, và một... tủ sách. Người vợ có học để ý đến tủ sách của chồng, dạy được con thông minh và thành đạt. Sự học hành làm nên thương hiệu của người phụ nữ hiền và đảm. Tủ sách giúp cho tri thức của bạn, gia đình bạn và xa hơn nữa là tri thức của nhân loại.

Phái yếu hãy như phái mạnh

Thông điệp cực kỳ đơn giản, nếu phụ nữ muốn bình đẳng với nam giới, thì không nên tổ chức ngày 8-3 linh đình. Các bà thích 8-3 nghĩa là các bà tự cho mình là phái yếu, phái đẹp, phái không được đối xử công bằng và cần ngày này để chứng tỏ bình quyền.

Những lần đi Vietnam Airlines, thấy các cô đẹp như trong mộng, tay xách nách mang, chả hiểu sao phải mang nhiều đồ thế. Họ nhìn các anh như cầu cứu “tôi là phụ nữ, chân yếu tay mềm, giúp tôi chút đi”. Có người giúp, có người không, nhưng không ai giúp vì bình đẳng giới.

Nhớ khi học tiếng Anh, ông thầy bảo từ “American Lady - me Mỹ” tóc vàng mắt xanh là ghê răng đấy, các bà tự lập và luôn tỏ ra ngang hàng với nam giới.

Nhớ hồi sang Washington DC lần đầu đi metro, thấy một bà luống tuổi đang đẩy cái vali khá nặng, tôi ngỏ ý giúp. Bà nhìn tôi từ đầu đến chân, cảm ơn rồi lắc đầu. Bà bảo bà tự làm được. Vào toa tàu thấy một bà đang đứng, mình muốn nhường chỗ, bà lại lắc đầu, ý bảo, anh nghĩ tôi già và yếu lắm sao?

Một lần tuyển nhân viên IT mới cho khu vực, còn lại hai ứng viên lọt vào chung kết. Bên nhân sự cho tôi được ưu tiên chọn vì tôi phụ trách người mới. Mình vác luôn lý luận “Á Đông” ra chọn anh chàng trẻ khỏe vì làm cái nghề IT chui gầm bàn, phải bưng bê, đi sớm về muộn, không hợp với phụ nữ.

Cô bên phòng nhân sự nhìn tôi như từ hành tinh khác tới và bảo, anh nói thế nghĩa là phụ nữ không thể bưng bê hay sao. Tôi đã vi phạm điều mà người Mỹ luôn tránh, đó là phân biệt đối xử với phụ nữ, thường ăn vào máu đàn ông Á Đông.

Một lần khác bên Mông Cổ có cô IT nghỉ thai sản và cần người thay tạm một thời gian. Bà sếp ời ời gọi cho tôi và hỏi nên thuê bao lâu. Mình đoán kiểu cua trong lỗ rằng, các bà đẻ có con nhỏ hay nghỉ vặt, tôi bảo bà nên thuê tay IT mới tạm thời hai năm khi con đi nhà trẻ. Dù qua điện thoại nhưng tôi cũng biết bà ta trợn ngược mắt.

Bà bảo, phụ nữ Mỹ chúng tôi (bà là người Mỹ mà) chuyên nghiệp, nghỉ đẻ hai tuần rồi đi làm bình thường, sao có chuyện đàn bà đẻ nghỉ lặt vặt thế được. Tôi lại phạm lỗi phân biệt giới.

Ồ thì thuê hai tháng. Hết hai tháng bà lại ời ời, anh ơi, có tiền thuê tạm thêm vài tháng nữa không. Mình bảo, tưởng hai tuần là đi làm bình thường mà. Ôi dà, phụ nữ Á Đông chăm con kiểu khác, toàn nghỉ vặt với lý do vặt, mà không thể đuổi việc. Thế rồi người IT đó làm những hai năm tạm thời cho tới khi cháu bé kia hết ốm vặt và mẹ IT muốn chuyển sang nước khác làm việc.

Hiện đại quá tới mức sòng phẳng như phương Tây, đòi khỏe như nhau, đôi lứa chia nhau hóa đơn tiền điện, tiền đi ăn nhà hàng hay mua quần áo cho con, thì khó mà nói tới sự thiêng liêng của hạnh phúc. Để cho sòng phẳng thì ta nên bắt đầu bằng cách bỏ ngày lễ 8-3 hoặc thêm ngày đàn ông. Rồi bàn chuyện tiếp, đàn ông làm gì, đàn bà đi chơi ra sao, ai chửa, ai đẻ, ai thức trông con, ai cho con bú.

Càng tổ chức linh đình, càng ăn uống, càng mua nhiều hoa ngày này, càng chứng tỏ nam nữ bất bình đẳng, đôi khi các bà còn tỏ ra lạm quyền. Một khi còn ngày 8-3, còn ánh mắt của người đẹp cầu cứu khuân hàng trên máy bay, mà lẽ ra phải mạnh mẽ như American Lady trong metro, thì đừng nói chuyện bình đẳng giới.

Viết vui thế thôi nhưng tôi vẫn vào các trang bán hoa trực tuyến để xem giá và liệu nhuận bút bài báo này có đủ cho sự kiện ngày 8-3 đang tới vì giới cần bình đẳng đang thích... hoa. 

Xem thêm: lmth.gnad-hnib-nac-ioig-ut-uad-tab-ioig-gnad-hnib/334413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bình đẳng giới bắt đầu từ... giới cần bình đẳng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools