Những phút giây hạnh phúc hai cha con trêu đùa nhau ở nhà Ảnh: TÂM LÊ
24 lần phẫu thuật và 3 lần chết hụt
Căn chung cư nhỏ ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội của thượng úy Dương luôn đầy ắp tiếng cười mỗi chiều.
Anh Dương ngồi gọn trên chiếc xe lăn đang cố gắng tự phục vụ mình để bớt phụ thuộc mẹ và vợ. Cậu con trai 7 tuổi đi học về liến thoắng khoe tiếng Anh được điểm 10, miệng nhai xúc xích được thưởng và khẳng định: "Miệng con giống miệng bố nhất".
Trong lúc hai bố con đang ứng khẩu thì mẹ và vợ anh cùng chuẩn bị bữa cơm chiều. Hai người phụ nữ tần tảo và đầy yêu thương này giờ có thể nở nụ cười góp chuyện vui.
Không khí gia đình bình yên ngược hẳn với khoảng thời gian gần 10 năm trước, ngày họ héo úa giành lại sự sống cho người đàn ông duy nhất của đời mình.
"Dương phải trải qua tất cả 24 lần phẫu thuật, 3 lần chết đi sống lại, hơn 1.000 ngày nằm trên giường bệnh. Sống được đến giờ chắc là phép mầu trời Phật ban cho đấy!" - bà Trịnh Thị Đông, mẹ thượng úy Dương, nhìn con trai như báu vật giành được từ tay thần chết.
Anh Dương tếu hài: "Về sau mổ thẩm mỹ quá nhiều, bác sĩ làm hết cách không thể đẹp hơn nữa nên dừng". Thực tế da bên trong người của anh đã được lấy để ghép lên da mặt, da tay, những chỗ bị bỏng cháy hết.
Đấy là hậu quả vụ tai nạn khủng khiếp xảy ra đầu tháng 7-2014, khi chiếc trực thăng quân sự đang chở đội nhảy dù thì gặp sự cố. Chiếc máy bay phát nổ khiến toàn bộ lính dù thương vong, và cuối cùng chỉ còn lại thượng úy Dương với thương tật 99%.
Anh Dương bị bỏng toàn thân, hai chân phải cắt cụt vì hoại tử, hai tay không còn chức năng hoạt động. Khuôn mặt anh cũng bị ngọn lửa hủy hoại, phía sau đầu bị một vết thương nặng nhưng may mắn không ảnh hưởng nhiều đến não bộ.
"Hôm đó cũng bay bình thường như mọi lần, máy bay lượn đến vòng thứ hai thì động cơ lạch cạch. Anh em nghĩ do bay vào sương mù chứ không nghĩ nó phát nổ, tất cả xảy ra chỉ trong vài giây. Khi tôi mở mắt ra thì ngọn lửa đã bao trùm toàn bộ..." - Dương nhớ lại. Anh được người dân chở vào viện cấp cứu ngay, sau đó là những chuỗi ngày đấu tranh giành giật với tử thần trong hôn mê sâu.
Ở Viện Bỏng quốc gia, êkip bác sĩ đón nhận và chữa trị cho anh bước đầu xác định tình trạng bỏng sâu, hội chứng bỏng nổ, bỏng phổi, đa chấn thương. Tim ngừng đập, tính mạng của thượng úy Dương khi đó như ngàn cân treo sợi tóc.
Cấp cứu lấy được nhịp thở thì anh chìm vào hôn mê sâu, bác sĩ thay nhau túc trực xử lý vết thương cho anh. Hai ngày sau vụ tai nạn, vợ Dương sinh con thứ hai là con trai.
Mỗi sáng, điều dưỡng Phan Trường Tuệ lại thì thầm vào tai anh tin vui này: "Dương cố lên nhé, vợ sinh con trai rồi, một tháng nữa thôi Dương sẽ được về với vợ con".
Có thể anh đã nghe thấy và có tín hiệu tích cực nhưng vết thương quá nặng dần bị hoại tử. Những bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện lớn đều được huy động để chữa trị cho anh. Liên tục mê man bất tỉnh, có lúc ngừng thở, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hai chân của anh để giữ tính mạng.
77 ngày sau anh lại hôn mê sâu, tim ngừng thở lần nữa và lần này lâu nhất từ trước tới nay. Các bác sĩ tiên đoán anh khó qua khỏi, mẹ anh đã chuẩn bị tinh thần lo hậu sự. Bà nuốt nước mắt, chuẩn bị áo quan, bát cơm, quả trứng. Vợ Dương cũng đã đau khổ nghĩ phải chia tay chồng vĩnh viễn. Nhưng bất ngờ sự sống lại trở về với anh như phép mầu.
"Đợt đó tôi suy đa tạng. Suy hô hấp, suy thận, niêm mạc phổi bong ra từng mảng lớn, huyết áp tụt, rối loạn chức năng đông máu, ho ra máu, không có nước tiểu" - anh Dương nhớ lời bác sĩ kể lại.
Bà Đông xúc động nhớ lại: "Các bác sĩ phải hội chẩn khẩn cấp đưa ra biện pháp chữa trị tốt nhất, cuối cùng Dương mới qua được cơn nguy kịch". Sức khỏe của Dương hồi phục dần và không còn lần nào nguy kịch nữa.
Anh được chuyển đến phòng hồi phục chức năng, sau đó đến viện thẩm mỹ để ghép da. Từ biệt giường bệnh, anh đã trở về trong niềm vui nghẹn ngào của gia đình và đồng đội.
Đồng đội đến thăm thượng úy Dương tháng 7-2020 - Ảnh: NVCC
Sống cho con mình và con đồng đội
Bỡ ngỡ với mất mát trên cơ thể, có lúc khiến anh nóng giận muốn buông xuôi. Nhưng hai thiên thần nhỏ lúc nào cũng líu lo gọi bố và hai người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó là mẹ và vợ anh chỉ hi vọng được nhìn thấy anh mỗi ngày.
"Ngày tôi nhận ra mình mất cả đôi chân, hai bàn tay, chưa hụt hẫng bằng ngày tập luyện hồi phục chức năng. Tôi nghĩ mình thật vô dụng, không làm nổi trò trống gì, cái nhỏ cũng không làm nổi thì cả đời mẹ và vợ con phải phục vụ mình" - Dương trải lòng.
Anh mất hai chân không còn trụ đứng, hai bàn tay cũng không hoạt động được để bám víu vào đâu. Anh như sống một cuộc đời thứ hai, bắt đầu từ đứa trẻ tập ăn, tập bò, tập đi.
"Nhưng cái gì cũng khó hơn đứa trẻ gấp nhiều lần. Thời gian để tập đứng, tập đi, tập ăn cũng kéo dài gấp 3-4 lần đứa trẻ bình thường mới lớn" - anh Dương cười như muốn khóc.
"Có lúc Dương nổi nóng bỏ ăn, bỏ tập, ai nói gì cũng giận. Nhìn con phải treo người để tập luyện lòng tôi như xát muối. Nhưng cả nhà luôn động viên, cổ vũ, mỗi ngày gắng một chút. Dương vui vẻ trở lại, thi thoảng còn hài hước nữa, nó là một đứa rất nghị lực" - bà Đông nhớ lại.
Trở về nhà, anh Dương một lần nữa tập làm quen với môi trường sống trong nhà và ngoài xã hội. Vợ chồng anh được Nhà nước tặng căn hộ nhỏ ở chung cư của Bộ Quốc phòng. Một số tổ chức thiện nguyện tặng anh cánh tay điện tử và chiếc xe lăn điện. Chiếc xe lăn rất hữu dụng, anh có thể điều khiển vào thang máy để lên xuống chung cư.
Niềm vui mỗi ngày của anh là đợi các con về cùng nhau chơi đùa, học hành. Anh từng ấp ủ làm một việc gì đó cho khuây khỏa như viết nhật ký, nhưng điều kiện viết lách, thị lực, trí nhớ giảm cũng gây cản trở. Vết thương những ngày trở trời đều gây đau đớn, anh phải dùng thuốc giảm đau để vượt qua.
Nhưng anh thừa nhận cuộc sống chưa bao giờ bình yên như lúc này. Bà nội hằng ngày đưa đón cháu đi học rồi đi tập thể dục, vợ anh đi làm công việc hành chính ở bệnh viện.
Công việc của vợ cũng được đơn vị sắp xếp vào chính quy sau khi anh gặp nạn. Anh cũng làm thủ tục ra quân từ khi còn nằm trên giường bệnh, hưởng lương thượng úy.
Với mức lương công chức của hai vợ chồng, theo anh, 5 người trong gia đình sống giản dị mà vui vẻ. Bố anh mất sớm, nhà chỉ có hai người con, một trai một gái. Em gái đi lấy chồng, mẹ luôn bên chăm sóc và ở cùng anh để mẹ con sớm tối có nhau.
Trở về với cuộc sống sau những chuỗi ngày gắn với giường bệnh, tết năm nay và năm trước gia đình anh đã dành thời gian cho bên nội và bên ngoại. Điều khó quên nhất với anh là cả gia đình anh đã đến thăm những gia đình người đồng đội đã hi sinh.
Cảm xúc khó tả là những người vợ, người con mong muốn anh hãy sống khỏe mạnh, vui vẻ. Sống cho cả phần chồng và bố của các con họ.
"Tôi nghĩ ý nghĩa của sự sống là được sống cái đã. Mình cảm nhận được niềm vui của mọi người khi mình tồn tại, vì thế mà thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa" - anh Dương tỏ bày.
Thượng úy Dương tâm sự anh còn một nghĩa vụ phải sống lớn lao. "Anh phải sống cho cả chồng và bố những đứa con của đồng đội đã hi sinh trong tai nạn nữa"- vợ một người lính đã hi sinh nhắn nhủ. Đó là động lực để Dương tiếp tục cuộc sống ý nghĩa này.
------------------------------------
5 ngày bị kẹt trong kho lạnh ở nhiệt độ âm, người công nhân chỉ nghĩ mình phải sống, phải sống để về với vợ con.
Kỳ tới: Sống sót thần kỳ sau 103 giờ kẹt trong kho lạnh
TTO - Có người bị sét đánh 3 lần, có người ngã từ vách đá cao 30m, có người bị cưa máy cắt gần như lìa bụng, có người bị nhốt trong kho đông lạnh suốt 3 ngày… Nhưng thật kỳ lạ là họ vẫn sống. Những câu chuyện vượt qua tử thần vô cùng hi hữu.
Xem thêm: mth.65355610231301202-tehc-naht-iov-uad-neihc-yagn-0001-2-yk-ut-hnis-hnar-nal/nv.ertiout