Phó Đại sứ thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Dmitry Polyansky tuyên bố dù phương Tây có trừng phạt Moscow thì cũng không thay đổi được thực tế rằng bán đảo Crimea đã về với nước Nga, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Trong phiên họp không chính thức theo định dạng Arria của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) hôm 12-3, ông Polyansky cho rằng vấn đề Crimea “đã kết thúc” khi người dân trên bán đảo này đã đưa ra quyết định trở về với nước Nga một cách “tự do và tự nguyện, hoàn toàn phù hợp với Hiến chương LHQ”.
Do đó, “cho dù bạn (tiếp tục) áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào hay hậu thuẫn cho bất kỳ hành động khiêu khích nào, không điều gì thay đổi được thực tế trên” - ông Polyansky nói với các đồng nghiệp phương Tây.
Phó Đại sứ thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Dmitry Polyansky. Ảnh: AP
“Chúng tôi nhớ về những người láng giềng tử tế (ám chỉ người Ukraine - PV) và sẽ rất vui được đón tiếp họ và tất cả các bạn (các đồng nghiệp phương Tây - PV) ở một Crimea thịnh vượng” - ông Polyansky nói.
Riêng đối với các nhà ngoại giao Ukraine, ông Polyansky đưa ra “lời khuyên” rằng “hãy sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và ngừng tham gia các hoạt động chống Nga”.
Ngày 18-3-2014, sau cuộc đảo chính ở Kiev và cuộc trưng cầu dân ý của người dân Crimea, Nga đã chính thức sáp nhập bán đảo này, coi Crimea và TP Sevastopol (nằm ở tây nam bán đảo Crimea) là hai thực thể liên bang.
Ukraine và phương Tây luôn từ chối công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, cáo buộc Moscow gây bất ổn và xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Vì vấn đề này, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt kéo dài chống lại Nga.
Hằng năm, khi tới gần thời gian kỷ niệm ngày Nga sáp nhập bán đảo Crimea, các nước phương Tây thường triệu tập các cuộc họp không chính thức của HĐBA. Năm nay, Estonia là nước kêu gọi các nước họp lại.
Ban đầu, Estonia muốn tổ chức cuộc họp ở cấp bộ trưởng ngoại giao, song chỉ có Canada hướng ứng lời kêu gọi. Các nước khác, nếu tham gia, chỉ cử đại diện là thành viên phái đoàn thường trực tại LHQ.
Một cuộc họp Arria khác sẽ diễn ra vào ngày 17-3 do Nga tổ chức. Lần này, đại diện của người Tatar Crimea - sắc tộc bản địa ở bán đảo này - sẽ tham gia và chia sẻ về tình hình Crimea.
Bất kỳ nước thành viên nào của HĐBA đều có quyền triệu tập các cuộc họp Arria - định dạng được lấy theo tên người khởi xướng đầu tiên vào năm 1992, ngoại trưởng lúc bấy giờ của Venezuela, ông Diego Arria. Các nước thành viên còn lại không có quyền cấm tổ chức các cuộc họp Arria nhưng có quyền từ chối dự họp.