Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kyaw Moe Tun tuyên bố sẽ tiếp tục chống lại chế độ quân sự Myanmar đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực lên lực lượng quân đội nước này, kênh Channel News Asia đưa tin hôm 14-3.
Thúc giục các nước tăng sức ép lên quân đội
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CNA tại New York vào hôm 12-3, Đại sứ Kyaw Moe Tun cảm ơn Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ đã đưa ra Tuyên bố Chủ tịch về tình hình ở Myanmar nhằm lên án hành động bạo lực chống lại những người biểu tình. Tuyên bố này đã được 15 thành viên của hội đồng nhất trí thông qua vào ngày 10-3.
Tuy nhiên, ông Kyaw Moe Tun cho biết những điểm trong tuyên bố “chưa đáp ứng được những kỳ vọng” của người dân Myanmar. Vì vậy, ông và người dân Myanmar muốn có một “tuyên bố cứng rắn hơn” và “hành động mạnh mẽ hơn” từ HĐBA.
Ông còn nói thêm rằng người dân Myanmar, đặc biệt là những người trẻ Myanmar “cần sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế”.
Trước đó, vào ngày 26-2, ông Kyaw Moe Tun đã kêu gọi LHQ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt cuộc đảo chính quân sự. Ngay sau đó, ông đã bị chính quyền quân đội cách chức vào hôm 27-2 vì “phản bội tổ quốc”.
Chính phủ đã bổ nhiệm cấp phó của ông là ông Tin Maung Naing làm đại diện thường trực của Myanmar tại LHQ. Tuy nhiên, sau đó, ông Tin Maung Naing đã nộp đơn từ chức và ông Kyaw Moe Tun trở lại giữ vị trí này.
Các nhà ngoại giao cấp cao khác của Myanmar, bao gồm những quan chức đang làm việc tại thủ đô Washington DC (Mỹ) và thủ đô London (Anh) cũng đã lên tiếng phản đối lực lượng quân đội.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun. Ảnh: REUTERS
Hiện tại, LHQ không chính thức công nhận lực lượng quân đội là lãnh đạo chính quyền mới của Myanmar. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc nào liên quan đến những thay đổi về cơ quan đại diện của Myanmar tại LHQ ở New York."
Ông Kyaw Moe Tun cho biết nếu không có nghị quyết từ HĐBA, giải pháp thay thế là thành lập một liên minh các quốc gia nhằm cắt giảm dòng tài chính “bơm” cho quân đội Myanmar. Điều này sẽ đẩy quân đội vào "thế khó" .
Ngoài ra, ông nói rằng: “Cần có những công cụ khác để gây áp lực lên chế độ quân sự, nhằm trả lại quyền lực nhà nước cho người dân Myanmar”.
“Tôi sẽ chống lại quân đội đến cùng”
Trong cuộc phỏng vấn, đại sứ nói rằng ông biết rằng quân đội sẽ hành động đáp trả ông sau bài phát biểu ngày 26-2 tại LHQ.
Ông nói: “Ngay từ đầu, tôi đã quyết định rằng tôi sẽ chống lại chế độ quân sự đến chừng nào tôi có thể và cho đến khi kết thúc cuộc chính biến. Đây là giải pháp của tôi, đây là mong muốn của tôi cho người dân Myanmar. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục làm điều đó với tư cách là đại diện thường trực của Myanmar tại New York.”
Khi được hỏi rằng có biến động gì trong phái bộ Myanmar tại LHQ sau bài phát biểu của mình không, ông Kyaw Moe Tun nói rằng mặc dù các đồng nghiệp của ông ấy hoan nghênh bài phát biểu nhưng họ cũng lo lắng về bản thân và các thành viên gia đình ở Myanmar.
Đại sứ cho biết ông cũng lo ngại rằng hành động của mình sẽ gây ra những nguy cơ cho cha mẹ và các thành viên trong gia đình mình. Tuy nhiên, ông nói rằng sau khi ông phát biểu, ông đã nhận được lời khen từ cha mẹ rằng họ tự hào về ông, điều đó khiến ông cảm thấy hạnh phúc.
Ngoài ra, đại sứ mong muốn cuộc chính biến này kết thúc càng nhanh càng tốt vì đó là mong muốn của người dân.
Giới hạn của “Phương thức ASEAN”
Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi liệu ông có đồng ý với nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể giúp tạo điều kiện để Myanmar trở lại bình thường hay không, đại sứ trả lời rằng chắc chắn các nước thành viên muốn giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề một cách hòa bình và thân thiện.
Tuy nhiên, đại sứ này nhấn mạnh có “những hạn chế trong cách thức hoạt động của ASEAN”. Cụ thể, nguyên tắc của ASEAN là đồng thuận, cho nên mọi quyết định của tổ chức này đều phải được tất cả các nước thành viên thống nhất thông qua. Ông nhận định rằng “đôi khi, sự đồng thuận đó khiến mọi thứ hơi khó khăn”.
Lực lượng cảnh sát được triển khai tại thành phố Yangon để chống người biểu tình. Ảnh: GETTY IMAGES
Bên cạnh đó, ông mong đợi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước ASEAN có những hành động mang tính xây dựng để bảo vệ người dân Myanmar.
Trước đó, vào ngày 2-3, các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN đã tổ chức một cuộc họp không chính thức. Sau đó, các nước kêu gọi chấm dứt bạo lực và kêu gọi những cuộc đàm phán về giải pháp hoà bình giữa các bên ở Myanmar.
Bình luận về việc liệu các quốc gia thành viên ASEAN có thể tác động trực tiếp lên lực lượng quân đội và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại hay không, ông Kyaw Moe Tun nói rằng ông đã yêu cầu LHQ không công nhận chế độ quân sự.
Ông nói: “Chúng tôi (người dân Myanmar - PV) muốn có cuộc đối thoại đó” và khẳng định rằng điều tối cần thiết là trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint, các nhà lãnh đạo chính phủ khác và những người bị bắt giữ trái pháp luật.
Ông coi trọng việc thả tự do cho những người bị lực lượng quân đội bắt giữ vì nếu không thì sẽ “chẳng có được một cuộc đối thoại có ý nghĩa”.
Trước đó, vào ngày 1-2, Myanmar đã rơi vào khủng hoảng khi lực lượng quân đội tiến hành chính biến, lật đổ chính quyền dân sự và lên nắm quyền điều hành đất nước. Lực lượng quân đội cũng đã bắt giữ những quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi vì cho rằng chính quyền đã không giải quyết những cáo buộc về gian lận bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Sau đó, biểu tình đã nổ ra ở khắp nơi tại Myanmar để phản đối chính biến. Theo LHQ, tính đến nay, đã có ít nhất 80 người biểu tình thiệt mạng do bị quân đội trấn áp.