Một buổi diễu hành của người Huế trong trang phục áo dài truyền thống - Ảnh: NHẬT LINH
Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đang cùng Trường THPT Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa) xây dựng chương trình để đưa môn học nữ công gia chánh vào giảng dạy chính khóa, nhằm xây dựng một thế hệ học sinh mang "cốt cách Huế", "xây dựng xứ Huế hạnh phúc".
Tại buổi làm việc với Trường THPT Hai Bà Trưng, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đã thống nhất cho trường này triển khai khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021 - 2022.
Học từ tiếng "dạ", tiếng "thưa"
Nữ công gia chánh là một môn học chính khóa trong các trường nữ sinh ở Huế cũng như ở miền Nam xưa. Tuy nhiên, sau nhiều lần đổi mới giáo dục, hệ thống các trường nữ sinh đã không còn nữa và môn học này dần dần cũng không còn được dạy ở bậc phổ thông.
Nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà, cựu nữ sinh Đồng Khánh và là cựu giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng, cho hay đây từng là môn học được nữ sinh rất yêu thích.
Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền - nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng - cho biết ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, tại các tiết học này còn dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của phụ nữ Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng.
Chính vì điều đó mà nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng được xem là thương hiệu đầy tự hào của phụ nữ Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh, từng là giáo viên Trường nữ sinh Đồng Khánh, cho biết Huế xưa có 2 trường nữ sinh là Trường nữ sinh Đồng Khánh và Trường nữ sinh Thành Nội (nay là Trường THPT Nguyễn Huệ). Chỉ học sinh hai trường này mới được học môn nữ công gia chánh.
Lúc đó, môn nữ công gia chánh được chia làm 4 phần học gồm: quản trị gia đình (dạy cách chi tiêu trong nhà, lập sổ sách, dự chi, thu chi, chăm lo người thân đau ốm...), dưỡng nhi (dạy cách sinh nở, chăm sóc sức khỏe con cái ra sao), nữ công (may vá, thêu thùa, lời ăn tiếng nói...) và nấu ăn.
Tránh lẫn lộn dạy kỹ năng sống thành dạy nghề
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoa, đây là bộ môn "dạy cốt cách của người Huế" và cần tránh lẫn lộn thành dạy nghề.
"Cốt cách của người xứ Huế xưa được hun đúc từ nhiều yếu tố như lịch sử, truyền thống gia đình, nhà trường. Nữ sinh Trường Đồng Khánh xưa được giáo dục cốt cách này không chỉ từ bộ môn nữ công gia chánh mà cả những môn học khác như mỹ thuật, âm nhạc, kỹ năng sống theo giới tính" - ông Hoa kể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết ngoài việc triển khai thí điểm môn nữ công gia chánh tại Trường THPT Hai Bà Trưng, sắp tới sở sẽ nghiên cứu, triển khai môn học này ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương.
Sở cũng sẽ rà soát chương trình dạy nghề phổ thông và chương trình hoạt động ngoại khóa để xây dựng chương trình học sát với thực tế ở nhà trường, gắn liền với văn hóa Huế.
Dự kiến các trường dạy thí điểm sẽ phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế để đưa học sinh đến thực tập, trải nghiệm nghề nấu ăn. Nhà trường cũng sẽ mời những nghệ nhân Huế từng là học sinh của Trường nữ sinh Đồng Khánh đến lớp giảng dạy.
Nam sinh cũng cần học
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết việc thống nhất cho Trường THPT Hai Bà Trưng dạy thí điểm môn nữ công gia chánh nằm trong kế hoạch xây dựng "cốt cách Huế, xứ Huế hạnh phúc".
Ông Thọ nhấn mạnh rằng nữ công gia chánh chỉ là tên gọi của một môn học kỹ năng sống nên nam sinh cũng phải biết.
"Trong xã hội bình đẳng giới, nam sinh cũng cần biết nấu ăn, biết chăm sóc con cái và đặc biệt là phải biết ăn nói chuẩn mực, giữ cốt cách của người Huế, chứ không riêng gì nữ sinh" - ông Thọ nói.
TTO - Trường THPT Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa) được chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất thí điểm khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021-2022.
Xem thêm: mth.31073838051301202-euh-hcac-toc-ial-mit/nv.ertiout