Châu Âu đang bị kẹt trong vòng luẩn quẩn phong tỏa - dỡ phong tỏa quá sớm - Ảnh: CEPS.EU
Theo báo The Guardian, tỉ lệ nhiễm COVID-19 ở châu Âu hiện đang ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 2-2021, buộc nhiều quốc gia phải chuẩn bị quay lại tình trạng phong tỏa trong vài ngày tới.
Đức, Ý, Ba Lan và Hungary là những nước ghi nhận ca nhiễm tăng rất mạnh, trong khi CH Czech và Slovakia báo cáo tỉ lệ tử vong thuộc hàng cao nhất thế giới.
Các chuyên gia nhận định đợt bùng phát mới xuất phát từ hai nguyên nhân: sự xuất hiện của các biến thể virus mới và việc châu Âu nới lỏng các biện pháp an toàn quá sớm.
Châu Âu miễn cưỡng quay lại giới nghiêm
Ở Ý, chính quyền ghi nhận hơn 27.000 ca nhiễm và 380 người chết vì COVID-19 hôm thứ sáu tuần trước (12-3). Tình hình buộc Thủ tướng Mario Draghi phải ban bố lệnh phong tỏa phần lớn cả nước trong dịp lễ Phục sinh sắp tới (4-4).
"Hơn một năm sau ngày nổ ra cuộc khủng hoảng sức khỏe, không may là chúng ta đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới. Ký ức về những gì xảy ra mùa xuân năm ngoái vẫn còn đây, chúng ta sẽ làm mọi cách để ngăn nó lặp lại" - Thủ tướng Mario Draghi chia sẻ.
Từ hôm nay (15-3), nhiều khu vực ở Ý sẽ bị đặt dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn. Người dân chỉ được ra khỏi nhà khi thật cần thiết, trong khi hầu hết cửa hàng phải đóng cửa, bao gồm những nơi dễ tụ tập đông người như nhà hàng, quán bar...
Ở Pháp, bức tranh cũng ảm đạm tương tự. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran mô tả tình hình ở khu vực Paris "căng thẳng và đáng lo ngại". "Cứ mỗi 12 phút, bất kể ngày đêm, lại có một người dân Paris phải nằm giường chăm sóc đặc biệt" - ông tiết lộ.
Tổng thống Pháp Macron đã ban lệnh giới nghiêm và các biện pháp hạn chế xã hội ở vài khu vực, ấy vậy nhiều bác sĩ vẫn đang gây áp lực kêu gọi ông phải phong tỏa trên toàn quốc vì tình hình đang rất nguy cấp.
Ở Đức, chính quyền báo cáo 12.674 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 13-3, tăng 3.117 ca so với tuần trước đó. CDC Đức thừa nhận nền kinh tế hàng đầu EU đang bị tấn công bởi làn sóng dịch thứ ba.
Ở Ba Lan cũng không ngoại trừ, 17.260 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận hôm thứ tư tuần trước - mức cao nhất kể từ tháng 11-2020. Mặc dù đã giãn cách xã hội nhưng nước này buộc phải áp thêm các biện pháp cứng rắn hơn trong tuần này.
Hungary và CH Czech cũng báo cáo tỉ lệ nhiễm bệnh và tử vong ở mức rất cao, các quan chức y tế cảnh báo mọi thứ sẽ còn tệ hơn trong những tuần sắp tới.
Bác sĩ Ý chăm sóc cho một bệnh nhân nặng phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt - Ảnh: EPA
Mỹ báo động trước tình hình châu Âu
Xuất hiện trên Đài Fox News ngày 14-3, bác sĩ Anthony Fauci - trưởng cố vấn y khoa Nhà Trắng - cảnh báo cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa kết thúc và Mỹ có thể đi theo vết xe đổ của châu Âu nếu chủ quan, ý rằng đã có vắc xin.
Ông Fauci nhận định đợt bùng phát dịch lần này ở châu Âu một phần do việc nới lỏng các biện pháp an toàn quá sớm.
"Khi anh thấy dịch có dấu hiệu chững lại ở mức còn cao, nó luôn có thể tăng vọt bất cứ lúc nào. Rất tiếc đó chính xác là điều đang xảy ra ở châu Âu. Người châu Âu cứ nghĩ thế là khỏe rồi, nhưng sự thật không phải, hậu quả là họ đương đầu đợt dịch mới.
Nếu chờ thêm một chút để chương trình vắc xin có cơ hội tăng mức miễn dịch cộng đồng, việc mở cửa sẽ bớt rủi ro hơn" - bác sĩ Fauci nói.
Đợt dịch mới xảy ra vào thời điểm không thể tệ hơn khi châu Âu vẫn đang chật vật tìm nguồn cung vắc xin COVID-19 cho dân, đã vậy nhiều nước phải tạm ngưng dùng vắc xin AstraZeneca để điều tra sau các sự cố biến chứng và tử vong.
"Đông Âu hiện trông rất tệ, Ý cũng thế. Nhưng tôi nghĩ Mỹ có lợi thế hơn nhờ chương trình tiêm chủng đang diễn ra" - bác sĩ Scott Gottlieb, cựu giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), bình luận trên Đài CBS.
Tính đến trưa 14-3, Mỹ đã tiêm được 107 triệu liều vắc xin, theo số liệu của CDC Mỹ. Khoảng 27% người lớn đã tiêm được ít nhất 1 liều.
Theo phân tích của Đài CNBC, dù ca nhiễm COVID mới ở Mỹ đang giảm dần nhưng con số vẫn còn neo ở mức rất cao - trung bình hơn 50.000 ca mới và hơn 1.400 người thiệt mạng mỗi ngày.
TTO - Hãng dược AstraZeneca của Anh ngày 13-3 thông báo không cung ứng kịp các lô hàng vắc xin theo kế hoạch tới các nước trong Liên minh châu Âu (EU), gây khó khăn cho nỗ lực tiêm chủng của toàn khối EU.
Xem thêm: mth.89434542151301202-gnaoh-hnik-am-ua-uahc-nihn-ym-ua-uahc-mihc-nahn-cut-peit-91-divoc/nv.ertiout