Sau 'giải cứu' nông sản, sàn trực tuyến tính chuyện làm kênh tiêu thụ lâu dài
Chánh Trung
(KTSG Online) – Sau chương trình đầu tiên về xúc tiến hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), khoảng 25 tấn nông sản Hải Dương đã được tiêu thụ hết qua sàn Sendo. Sự thuận lợi ban đầu cho thấy sàn TMĐT có thể trở thành kênh tiêu thụ hữu hiệu cho hàng nông sản khi vào mùa thu hoạch.
Các loại su hào, bắp cải và cà chua đã được tiêu thụ nhanh chóng qua sàn Sendo. Ảnh: ĐVCC |
Góp sức “giải cứu” hàng chục tấn nông sản
Chương trình “Chỉ 1.000 đồng cho một kilogram nông sản, không giới hạn số lượng mua” do Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương và sàn TMĐT Sendo (sendo.vn) khởi động từ ngày 9-3 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 3, tập trung ở địa bàn Hà Nội. Chương trình triển khai để giúp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Hải Dương, như cà chua, su hào và bắp cải, được bán với giá chỉ 1.000 đồng/kg và hỗ trợ phí vận chuyển đồng giá chỉ 9.000 đồng/đơn hàng trên toàn khu vực Hà Nội.
Sàn TMĐT Sendo cho biết chỉ sau sáu ngày thực hiện chương trình đã có 25 tấn nông sản Hải Dương được bán ra thị trường. Kết quả này một phần nhờ sự góp sức của Cục Xúc tiến thương mại giúp kết nối Sendo với các điểm cung ứng sản phẩm tại Hải Dương – nơi các cấp có thẩm quyền ở địa phương có mặt kịp thời để kiểm tra cấp giấy phép về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy trình khử khuẩn, thực hiện thông điệp “5K” do Bộ Y tế ban hành.
Trước đó từ ngày 2-3, Bưu điện tỉnh Hải Dương đã kết nối thu mua nông sản của người dân thông qua sàn TMĐT Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post) và hướng dẫn cách đưa thông tin sản phẩm lên sàn Posrmart.vn với những hộ sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh này. Những sản phẩm được đưa lên sàn đều được chứng nhận đủ tiêu chuẩn OCOP như bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, hành tỏi, ổi, trứng gà, gà thịt, củ đậu… Tới thời điểm ngày 7-3 số lượng đơn hàng nông sản thông qua sàn Postmart.vn đã đạt trên 100 đơn hàng với tổng khối lượng gần 8 tấn. Nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân Hải Dương trong thời gian dịch bệnh này, Bưu điện Việt Nam miễn mọi chi phí vận chuyển cho toàn bộ hàng nông sản của Hải Dương trên sàn Postmart.vn.
Còn vào ngày 4-3, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai tính năng “Mua chung giá rẻ” trên sàn TMĐT Vỏ Sò (voso.vn). Theo đó, Viettel Post Hải Dương mở gian hàng, tổ chức thu gom và phân phối nông sản cho người dân Hải Dương. Cả sáu gian hàng “giải cứu” nông sản Hải Dương trên sàn TMĐT Vỏ Sò hiện đều tập trung cung cấp 5 loại nông sản gồm: trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, bắp cải, su hào. Theo thống kê, chỉ sau hai ngày đã có hai chuyến hàng nông sản Hải Dương được sàn TMĐT tập kết về kho tại Hà Nội, bao gồm 80.000 quả trứng gà sạch Cẩm Đông và 5 tấn rau quả (su hào, bắp cải, ổi Thanh Hà…). Và tính đến hết ngày 7-3, sàn TMĐT Vỏ Sò đã hỗ trợ các hộ nông dân Hải Dương tiêu thụ được hơn 7 tấn rau củ (su hào, bắp cải) và 80.000 trứng gà, hơn 850 con gà.
Đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn trực tuyến
Cục Xúc tiến thương mại cho biết đã thiết lập gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại” đầu tiên trên sàn TMĐT Sendo và một số sàn TMĐT khác nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm của Hải Dương và sản phẩm tiềm năng của các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc. Trước mắt, gian hàng tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các sản phẩm nông sản trong và sau thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên các địa phương khác có nhu cầu có thể đăng ký với Cục Xúc tiến thương mại để được hỗ trợ thông tin và đồng hành triển khai hoạt động.
Đại diện Vietnam Post cho biết mục tiêu trước mắt là để tiêu thụ nông sản đang bị ùn ứ, sau đó sẽ giải quyết triệt để bài toán tiêu thụ nông sản, hướng tới phát triển bền vững và xa hơn nữa là chuyển đổi số nông nghiệp cùng bà con nông dân. Việc mua hàng theo cách “giải cứu” chỉ là hành động hỗ trợ nhất thời, không mang tính chất lâu dài.
Chuyên trang “Nông sản Hải Dương” trên sàn TMĐT Postmart.vn nhằm ứng dụng công nghệ số vào việc giúp các hộ nông dân tiêu thụ nông sản theo cách mới, hiệu quả và bền vững hơn. Bằng cách này, người dân có thêm một cách bán hàng mới, có tính ổn định cao hơn. Khi dịch đã lắng xuống, sàn Postmart vẫn sẽ là công cụ hữu hiệu để kết nối các hộ sản xuất với người tiêu dùng, tạo uy tín, thương hiệu cho nông sản và xa hơn nữa là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh “giải cứu” không chỉ diễn ra trong mùa dịch. Chúng tôi xác định rõ quan điểm đây không chỉ là giải pháp giúp tiêu thụ nông sản ngắn ngày của bà con nông dân Hải Dương. Mà sẽ còn tiếp tục triển khai, đồng hành, hỗ trợ người nông dân áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu sản xuất kinh doanh nông nghiệp bền vững, Viettel Post cho biết.
Đại diện Sendo cho hay sẽ tiếp tục mở rộng chương trình “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại” đến nhiều tỉnh thành khác trên cả nước để hỗ trợ các tỉnh chịu thiệt hại do dịch Covid-19 nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó với lợi thế về công nghệ của sàn TMĐT, Sendo có thể cùng với Cục Xúc tiến thương mại, các đối tác kho vận và người nông dân xây dựng một nền nông nghiệp số bền vững. Đây sẽ là nơi kết nối trực tiếp các doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân với hàng chục triệu khách hàng trên khắp cả nước, giúp xây dựng kênh tiêu thụ mới thông qua TMĐT cho nông sản Việt Nam.
Ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản tại Hải Dương, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối kết hợp với Sở công thương và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một số địa phương xúc tiến tiêu thụ sản phẩm theo các hình thức như: kết nối trực tiếp trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy TMĐT thông qua các sàn TMĐT trong nước và quốc tế; huấn luyện và đào tạo trong chuỗi cung ứng về truy xuất nguồn gốc, xúc tiến bán hàng, TMĐT, xây dựng hình ảnh sản phẩm. Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, bảo đảm sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng. |