Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, GDP 2 năm 2018, 2019 đều đạt ở mức cao khoảng 7,3%; nhiều mô hình sinh kế được ra đời, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, giảm được hơn 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Nghị quyết 120 còn cho thấy tầm nhìn chiến lược, giúp giải quyết các vấn đề không chỉ dưới góc độ kinh tế, được thể hiện ở bản quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, dựa trên lợi thế của các vùng tự nhiên, quán triệt quan điểm "thuận thiên".
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá, bản quy hoạch đã khắc phục được những hạn chế trong phát triển vùng ĐBSCL nhiều năm qua.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đã có những cải thiện tích cực, từ ưu tiên sản xuất lúa gạo, nay đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây. Tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, các mô hình "Lúa thơm - tôm sạch" xuất hiện trên cánh đồng chuyển đổi tôm - lúa.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đã có những cải thiện tích cực. (Ảnh: NLĐ)
Kết quả có được là nhờ việc quy hoạch phân vùng sinh thái nông nghiệp xác định ranh giới ngọt - mặn - lợ theo hướng thuận thiên có kiểm soát.
"Đây là một cục diện chuyển động rất tốt, rất đúng tinh thần chỉ đạo 120. Một câu hỏi đặt ra là: Liệu chuyển thế có hiệu quả không? Năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn đồng bằng là 7 tỷ USD, năm 2020 con số xuất khẩu toàn đồng bằng là 8,8 tỷ. Đây là con số chứng minh chuyển "thuận thiên" không những đúng hướng, mà còn có hiệu quả", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
"Quy hoạch cụ thể chưa triển khai nhưng tinh thần đã thấm dần dần, người dân đã có những mô hình chuyển đổi, mang lại hiệu quả thiết thực. Ví dụ như ở vùng lũ, mình thấy có những mô hình thay vì trồng lúa vụ 3 trong đê bao khép kín thì người dân đã tiến hành sinh kế dựa vào mùa lũ. Còn vùng ven biển, người dân cũng đã chủ động chuyển theo thuận thiên, thuận theo mùa", ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, nhận định.
Về liên kết vùng, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, việc liên kết vùng thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế, một số địa phương gặp vấn đề "xung đột lợi ích", địa phương nào cũng muốn bứt phá nên xảy ra tình trạng cạnh tranh với nhau. Do đó, việc có một bản quy hoạch tổng thể, để phát huy lợi thế nhưng nhìn chung một hướng là rất cần thiết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quan điểm lập quy hoạch lấy yếu tố "con người" làm trung tâm để phát triển ĐBSCL thành nơi có chất lượng cuộc sống tốt khi nhìn từ bên trong và là nơi đáng đến khi nhìn từ ngoài; lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu tất yếu; coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi.
Tạo cơ chế để tập trung nguồn lực phát triển bền vững ĐBSCL
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều khó khăn vẫn còn tồn tại, như hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế. Để tháo gỡ những khó khăn, từng bước góp phần thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển đúng như tinh thần của Nghị quyết 120, cần phải có nguồn lực để thực hiện.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư TP Cần Thơ đề xuất, cần cơ chế đặc thù để bổ sung nguồn vốn tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất mà vùng ĐBSCL đang phải đối mặt.
Hạ tầng giao thông kết nối tại vùng ĐBSCL còn hạn chế. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Mặc dù khối lượng hàng hóa của vùng rất lớn, ĐBSCL đóng góp 90% gạo xuất khẩu của cả nước, 70% trái cây, 60% thủy sản nuôi trồng xuất khẩu từ vùng, nhưng tất cả lượng hàng hóa này đều đi qua hàng trăm km để về khu vực miền Đông Nam Bộ, rất quá tải", ông Lê Quang Mạnh, Bí Thư Thành ủy Cần Thơ, chia sẻ.
"Đầu tư về cơ sở han tầng phải là đầu tư quan trọng nhất, có tính chất khai phá những khó khăn hiện nay, đồng thời tạo ra được sự kết nối giữa địa phương trong đồng bằng, quan trọng là kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ", TS. Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khẳng định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý là khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn trước.
Ngoài ra, riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung thêm 2 tỷ USD cho ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị này đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đưa ngân sách chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu thành mục chi chính của ngân sách địa phương trong tổng thu ngân sách hàng năm; yêu cầu không chỉ lập dự toán để dự phòng cho thiên tai như cách làm hiện nay mà cần phải có chương trình và nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách chủ động.
Ngoài ra trong thời gian tới, Thủ tướng cũng đề xuất Chương trình đối thoại 2045 cho ĐBSCL để tìm ra giải pháp đưa đồng bằng phát triển thịnh vượng cùng đất nước.
VTV.vn - Sau hơn 3 năm triển khai, Nghị quyết 120 đã tạo ra chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy, hành động để phát triển tổng thể vùng ĐBSCL.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.5080140061301202-neiht-nauht-teyuq-ihgn-auc-gnas-meid-poh-hcit-hcaoh-yuq/et-hnik/nv.vtv