Trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 132/2015 của Bộ GTVT có nhiều đề xuất mới. Đáng chú ý là đề xuất tăng mức phạt đối với người lái tàu thuyền sử dụng rượu bia với mức phạt tối thiểu là 3 triệu đồng và tối đa lên đến 40 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp, người dân ủng hộ tăng mức phạt khi uống rượu bia
lái tàu thuyền. Ảnh: ĐT
Đề xuất trên đã nhận được sự đồng tình từ nhiều người dân, doanh nghiệp đầu tư giao thông vận tải đường thủy.
Độ nhạy bén của người lái rất quan trọng
Anh Trần Viết Giang (người dân TP Thủ Đức) cho rằng: Trước nay hầu như giao thông đường thủy ít được chú ý hơn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy và hậu quả thực sự nghiêm trọng.
“Tai nạn đường thủy rất nguy hiểm, nhẹ thì tông vào dầm cầu, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, nặng thì liên quan tới mạng người. Tôi nghĩ phạt thật nặng đối với người uống rượu bia rồi lái tàu thuyền sẽ mang tính răn đe hơn. Điều này góp phần hạn chế các sự cố có thể xảy ra trong suốt quá trình lưu thông” - anh Giang chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Trà chia sẻ: “Đã sử dụng rượu bia thì không nên điều khiển phương tiện giao thông, dù đó là đường thủy hay đường bộ. Độ nhạy bén, tỉnh táo của người lái là rất quan trọng. Say xỉn thì làm gì còn tỉnh táo, nhạy bén, đến đi bộ còn không an toàn huống gì lái tàu chở rất nhiều người”.
Một thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị và lực lượng CSGT thường xuyên phối hợp để kiểm tra về hoạt động vận tải giao thông thủy. Cũng không ít trường hợp sử dụng rượu bia rồi lái tàu thuyền. Việc này có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được chỉnh đốn kịp thời.
“Theo đó, tôi cho rằng việc đề xuất tăng mức phạt đối với lái tàu thuyền sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là rất hợp lý. Đây là một trong những biện pháp xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc” - vị thanh tra nói.
Nên thực hiện sớm
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), cho biết: “Bộ GTVT đề xuất tăng mức phạt tiền đối với người lái tàu thuyền sử dụng rượu bia với mức phạt từ 3 triệu đến 40 triệu đồng là rất đúng và nên thực hiện sớm”.
Ông Toản lý giải dù là hàng không, đường bộ, đường thủy thì người điều khiển phương tiện đều không được phép sử dụng rượu bia. “Thậm chí, tôi cho rằng cơ quan nhà nước phải phạt thật nặng, bởi người có nồng độ cồn rất khó có thể điều khiển hành vi của mình” - ông Toản đề xuất .
Theo ông Toản, hành khách tin tưởng và giao phó sự an toàn của mình cho người lái thì người lái cũng phải thật nghiêm túc và đáp ứng kỳ vọng của hành khách. Nếu quy định chưa có thì chúng ta cần bổ sung và mức phạt chưa cao thì chúng ta cần điều chỉnh mới đủ sức răn đe.
“Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao thông thủy, Công ty Thường Nhật nghiêm cấm tình trạng thuyền viên, lái tàu, tổ lái, vận hành… sử dụng rượu bia khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công ty cũng quyết tâm từ chối khách hàng có sử dụng rượu bia, chất kích thích khi đi lại bằng buýt sông” - ông Toản nói.
Ông Toản cũng cho rằng việc quản lý thuyền viên, lái tàu là công việc của doanh nghiệp và bản thân họ phải ý thức được sự sống còn của chính doanh nghiệp mình. Bởi khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra thì chính doanh nghiệp đó bị ảnh hưởng đầu tiên, còn chế tài chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Chánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh, chủ đầu tư tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, cho biết: Ngoài các nghị định về xử phạt hành chính, công ty còn yêu cầu nhân viên, thuyền viên và lái tàu tuân thủ các quy định chung. Trong đó quy định lái tàu, thuyền viên tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi lái tàu, phà, thuyền. Trường hợp người nào cố tình vi phạm, công ty sẽ tiến hành kỷ luật và sa thải.
Ông Chánh lý giải, hiện nay theo Nghị định 132/2015 quy định thuyền viên, người lái sử dụng rượu bia thì chỉ bị mức phạt cao nhất là 1 triệu đồng. Có thể thấy mức phạt này chưa cao, chưa mang tính răn đe.
“Chính vì vậy, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thủy, Công ty Quốc Chánh hoàn toàn ủng hộ đề xuất này của Bộ GTVT” - ông Chánh khẳng định.
Đề xuất có nồng độ cồn là phạt Trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 132/2015 của Bộ GTVT đề xuất: Thuyền viên, người lái đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc Thuyền viên, người lái đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở thì bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Đặc biệt, dự thảo quy định phạt tiền ở mức 20-40 triệu đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Cạnh đó, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện 2-4 tháng. |