Hôm 14-3 (giờ địa phương), biểu tình phản đối chính quyền quân sự tiếp tục diễn ra ở TP Yangon của Myanmar, đánh dấu ngày thứ 40 liên tiếp quốc gia này chìm trong bất ổn. Hãng tin AFP dẫn nguồn tổ chức Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Myanmar cho biết ít nhất 18 người biểu tình bị cảnh sát bắn chết trên đường phố cùng hàng chục người khác trúng đạn bị thương. Hai huyện của Yangon cũng bị ban bố thiết quân luật, lực lượng an ninh liên tục truy lùng thành phần lãnh đạo biểu tình.
Người biểu tình Myanmar dùng ná tự chế chống trả lực lượng cảnh sát
trên đường phố TP Yangon ngày 14-3. Ảnh: REUTERS
Các diễn biến bạo lực trên cho thấy kịch bản để phe dân sự và phe quân đội Myanmar đối thoại hòa bình vẫn còn rất xa, trong khi càng để lâu thì mâu thuẫn hai bên sẽ càng khó hòa giải. Điều này đòi hỏi sự can thiệp hoặc ít nhất là hỗ trợ từ phía ngoài. ASEAN hiện đang là tổ chức duy nhất trong khu vực dẫn đầu nỗ lực giải quyết khủng hoảng Myanmar.
Những việc ASEAN đã làm được
Tuần trước, một số nước thành viên ASEAN như Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan đã lần lượt ra tuyên bố riêng chính thức về tình hình Myanmar. Nội dung hầu hết đều kêu gọi các bên liên quan xuống thang căng thẳng và giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình. The Nikkei dẫn lời một quan chức Thái Lan giấu tên khẳng định việc người biểu tình và cảnh sát liên tục đụng độ đẫm máu với mức thương vong cao đã khiến giới lãnh đạo các nước này “chấn động và buộc phải ra thông điệp ngoại giao phản ứng”.
Chính biến Myanmar là bài thuốc thử cho ASEAN trong phản ứng trước các khủng hoảng quy mô toàn khu vực. Nếu không thể giải quyết dứt điểm tình hình ở đây thì có lẽ khối này nên cân nhắc cải cách cơ chế hoạt động hoặc ít nhất là bổ sung các quy tắc cần thiết nhằm ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn trong tương lai. Chuyên gia MOE THUZAR, |
Trước đó, vào ngày 2-3, sau khi kết thúc phiên họp đặc biệt cấp bộ trưởng ngoại giao ASEAN về khủng hoảng Myanmar, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên là Brunei cũng đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước tình hình bất ổn ở Myanmar và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh bạo lực đổ máu, tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại tích cực và tôn trọng Hiến chương ASEAN. Trong khi đó, thông điệp của bộ ba Singapore - Malaysia - Indonesia lại có phần gay gắt khi công khai lên án chính quyền quân sự quá mạnh tay với người biểu tình và kêu gọi ASEAN phải chủ động hơn trong vấn đề này.
Cộng thêm một số cuộc gặp không chính thức giữa quan chức ngoại giao chính quyền quân sự và quan chức ngoại giao Thái Lan và Indonesia hồi cuối tháng 2 thì đây gần như là tất cả động thái của ASEAN liên quan tới vấn đề Myanmar trong thời gian qua. Có thể thấy ASEAN tuân thủ rất nghiêm túc nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước thành viên và đã cố gắng hỗ trợ Myanmar hết sức có thể trong phạm vi giới hạn của nguyên tắc này. Dù vậy, kết quả thu được hiện nay nhìn chung khá hạn chế khi chính quyền quân sự Myanmar đến nay không hề đưa ra phản hồi chính thức nào về các đề nghị của ASEAN, vẫn dùng vũ lực đối với người biểu tình và vẫn chưa trả tự do cho các thành viên chính quyền dân sự.
ASEAN cần cách tiếp cận mới
Trả lời phỏng vấn của tờ The Straits Times, chuyên gia Moe Thuzar thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho rằng những gì ASEAN đã làm được là rất đáng ghi nhận, song để đạt mục tiêu quan trọng nhất là vận động được hai bên quân đội và dân sự ngồi xuống đối thoại đòi hỏi ASEAN phải có một cách tiếp cận “mới và sáng tạo hơn”. Thay vì đứng bên ngoài như hiện tại thì ASEAN có thể chủ động liên lạc và làm việc với Liên Hợp Quốc (LHQ) với tư cách là một nhóm cố vấn.
Ngoài việc là tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới hiện tại, bà Thuzar cho rằng LHQ về cơ bản có nhiều cơ chế pháp lý giúp giải quyết các xung đột dễ dàng hơn ASEAN. Dù vậy, cái mà tổ chức này thiếu là một góc nhìn khu vực sâu sát để có thể đưa ra các hướng giải quyết phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của quốc gia mục tiêu, ở đây là Myanmar, mà còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các cường quốc phương Tây như Mỹ. Do đó, đây là khoảng trống mà ASEAN nên nhanh chóng tiến vào khỏa lấp, tận dụng lợi thế về địa chính trị và lịch sử quan hệ lâu năm với Myanmar để cố vấn cho LHQ giải quyết ổn thỏa vấn đề Myanmar mà không ảnh hưởng đến quyền lợi và an ninh của nước này nói riêng và toàn Đông Nam Á nói chung.
Kênh Channel News Asia ngày 14-3 đưa tin quyền Phó Tổng thống Mahn Win Khaing Than của chính quyền dân sự, từ một địa điểm bí mật, đã quay một đoạn video ngắn kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình phản đối phe quân đội và cảnh báo đây là “thời điểm đen tối nhất của đất nước”. Ông cũng khẳng định sẽ cùng Ủy ban đại diện Quốc hội Myanmar (CRPH - thành viên gồm các nghị sĩ được bầu trước chính biến ngày 1-2) thông qua một số điều luật đảm bảo người dân có quyền tự vệ trước các đòn tấn công của lực lượng cảnh sát. Ngoài ra, lãnh đạo này còn kêu gọi “tất cả các dân tộc anh em” đồng lòng xây dựng một “nền dân chủ liên bang”, cùng nhau nỗ lực lật đổ chính quyền quân sự. |
Trên thực tế, đây không phải động thái quá xa lạ với ASEAN khi một số thành viên của khối từng là thành viên của cái gọi là “Nhóm các quốc gia bạn bè của tổng thư ký LHQ về Myanmar”. Đây là một tập hợp 14 quốc gia tham gia cố vấn cho LHQ về quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền quân sự sang dân sự của Myanmar giai đoạn 2008-2011. Đến năm 2013, nhóm này đổi tên thành “Nhóm Hợp tác vì hòa bình, phát triển và dân chủ Myanmar” tập trung cố vấn cho chính quyền dân sự mới về công tác quản trị hiệu quả, bền vững và hoạt động liên tục tới năm 2018 thì ngưng.
“Trong giải quyết vấn đề Myanmar, ASEAN cần phải tận dụng triệt để lợi thế của việc liên kết trong nội bộ khối và liên kết với các tổ chức quốc tế hay nước khác cả trong lẫn ngoài khu vực. Các tuyên bố đơn lẻ của thành viên chỉ tác động tinh thần nhất thời chứ không thể tạo ra thay đổi đáng kể trong lúc chính quyền quân sự Myanmar hiện đang quyết tâm củng cố quyền lực với nguồn tài chính và nhân lực khổng lồ” - chuyên gia Moe Thuzar nhấn mạnh.•