Giờ là lúc nói chuyện lý
Ở dãy phòng trọ gần nhà tôi có anh nhân viên giao hàng của một cửa hàng kinh doanh gas. Anh được ông chủ "cấp" cho chiếc xe gắn máy không thể cũ hơn, hầu như không còn nhận ra màu xe, loại xe vì đã được độ chế để chở được những bình gas loại 12kg. Anh có một chiếc xe khác, trị giá gần 20 triệu đồng nhưng chỉ dành cho việc đưa đón con đi học.
Cũng có lần anh va quẹt xe, gây thương tích cho người khác. Chủ cơ sở đứng ra bồi thường, dàn xếp vụ việc. Chiếc xe kia anh vẫn tiếp tục lái đi giao gas mỗi ngày. Tôi hỏi anh sao không đi chiếc xe còn tốt hơn cho yên tâm trên đường, anh vô tư: "Chở xe mình thì xót quá. Với lại mọi việc có chủ "lo" hết rồi".
Điều đó cũng lý giải phần nào nguyên nhân những chiếc xe cũ nát chở gas, nước đóng bình, đá lạnh... vẫn bon bon trên đường. Trách nhiệm của người sử dụng lao động ở đâu khi chỉ muốn "tiết kiệm" mà "quên" đi nguy cơ tai nạn cho người lái xe và mọi người trên đường. Xe không đủ tiêu chuẩn lưu thông, người lái xe cũng "quên" luật. Chở cồng kềnh, phóng xe bạt mạng là điều rất dễ thấy trên đường.
Xử phạt "xe mù" đã được cân nhắc nhiều, rất thận trọng, đảm bảo hợp tình, hợp lý, có lộ trình. Nhưng nếu cứ tiếp tục vị tình, lâu lâu tăng cường xử phạt một đợt rồi đâu sẽ vào đó, tương tự câu chuyện TP.HCM chi tiền khủng để hỗ trợ dẹp xe tự chế nhưng mấy năm sau thống kê lại thì lượng xe này nhiều hơn khi chưa dẹp!
Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân từ phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Xe cũ nát bị thổi phạt, không tịch thu cũng thành xe vô chủ khi mức tiền phạt cao hơn giá trị chiếc xe. Xử lý mớ xe này là chuyện không dễ cho các đơn vị xử phạt và người chạy "xe mù" cũng không ngán ngại nếu bị giam xe.
Giờ là lúc nói chuyện lý và luật. Xe cũ nát nhả khói đen ngòm tấn công lá phổi thành phố, thành nỗi ám ảnh của bao người. Phải quyết liệt làm chuyện này vì lợi ích lớn nhất vẫn hướng về số đông người dân. Xe đủ an toàn mới được phép lăn bánh. Phần lớn người trực tiếp điều khiển "xe mù" không phải là chủ sở hữu của xe.
Số lượng người khó khăn phải mua và sử dụng xe cũ nát mưu sinh không nhiều. Việc xử phạt phải thường xuyên, nghiêm túc. Tịch thu phương tiện là việc buộc phải làm. Hi sinh lợi ích nhỏ để được kết quả tốt cho lâu dài thì người dân chắc chắn sẽ ủng hộ. Việc kiểm tra, xử lý xe cũ nát không hề mới, có chăng là chưa duy trì thường xuyên, quyết liệt.
Những chính sách hỗ trợ đã và đang được áp dụng cần tiếp tục phát huy. Địa phương nào cũng nắm được danh sách hộ nghèo, người nghèo (nếu có) trên địa bàn. Vì vậy, việc trợ vốn, giúp "đổi xe" đảm bảo đúng người đúng việc không hề khó. Thực tế cho thấy hiện nay người dân được vay tiền hoặc mua xe trả góp khá phổ biến. Đây cũng là một cách tháo gỡ cho vấn đề này.
NGHĨA ĐỊNH
Xem thêm: mth.89740632251301202-oan-ex-iaol-uht-hcit-tahp-es-mch-pt-6-gnaht-ned-3-gnaht/nv.ertiout