Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Bắc Kinh vốn đã nghi ngờ việc Alibaba nắm giữ các tờ báo trong một số cuộc họp từ năm ngoái. Các quan chức chính phủ nước này đặc biệt lo ngại về tầm ảnh hưởng của tập đoàn này đối với mạng xã hội Trung Quốc, cũng như vai trò của họ trong các vụ bê bối trực tuyến.
Tỷ phú Jack Ma và Alibaba đã đang sở hữu một danh mục đồ sộ các dự án truyền thông, báo chí (Ảnh: Bloomberg)
Trong nhiều năm qua, tỷ phú Jack Ma và Alibaba đã âm thầm đầu tư vào các dự án truyền thông, báo chí, bao gồm các tờ báo, công ty sản xuất chương trình truyền hình, mạng xã hội và các kênh quảng cáo.
Gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc hiện đang là chủ sở hữu của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). Đây là tờ báo tiếng Anh tại Hồng Kông có tuổi đời 117 năm mà Alibaba mua lại từ năm 2016.
Bên cạnh việc mua lại SCMP, Alibaba còn mạnh tay đầu tư vào các mảng kinh doanh truyền thông bao gồm nền tảng phát trực tuyến như YouTube Youku Tudou, công ty giải trí Huayi Brothers và trang chia sẻ video Bilibili.
Alibaba còn là cổ đông lớn của Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.
Ngoài ra, Alibaba rót vốn vào nhiều công ty truyền thông thuộc sở hữu nhà nước. "Ông lớn" công nghệ này còn nắm cổ phần tại một chi nhánh của Mạng lưới Doanh nghiệp Trung Quốc thuộc Tập đoàn Truyền thông Thượng Hải. Alibaba cũng quan tâm đến một đơn vị của đài truyền hình Hồ Nam.
Tờ Wall Street Jounal cho biết, các nhà quản lý Trung Quốc đã thực sự sốc khi xem qua danh mục sở hữu trên và yêu cầu Alibaba lên kế hoạch thoái vốn khỏi các dự án này.
Chưa rõ là liệu Alibaba có phải bán tất cả các dự án truyền thông, báo chí của mình hay không nhưng bất cứ kế hoạch nào của doanh nghiệp này cũng cần phải được lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thông qua.
Hiện đại diện Alibaba vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề này. Tuy nhiên, sau thông tin nói trên, giá cổ phiếu của Weibo tại thị trường chứng khoán Mỹ giảm 2,4%, trong khi giá cổ phiếu của Alibaba giảm nhẹ.
Cũng theo Bloomberg, bắt đầu từ tuần trước, Trung Quốc đã triển khai chiến dịch kiềm chế các "ông trùm" công nghệ thông tin nước này, bao gồm cả Tập đoàn Tencent của tỷ phú Pony Ma.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!