Báo cáo khí hậu mới nhất do Cơ quan Biến đổi khí hậu thuộc Liên minh châu Âu (EU) - Copernicus công bố cho thấy tháng 3 vừa qua phá kỷ lục là tháng có nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất từ trước đến nay với 14,14 độ C, cao hơn 0,1 độ C so với kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2016.
Đáng ngại hơn khi đây là tháng thứ 10 liên tiếp (tính từ tháng 6-2023) kỷ lục nhiệt độ trung bình hằng tháng trên thế giới liên tục bị phá.
Gay gắt như đổ lửa từ Đông sang Tây
Từ đầu tháng 4 đến nay nhiều nước Đông Nam Á chứng kiến những ngày nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao kỷ lục, theo hãng tin Bloomberg.
Cụ thể, những ngày gần đây tại Thái Lan, một số tỉnh miền Bắc và miền Trung ghi nhận mức nhiệt cao, có lúc lên tới 42 độ C - cao hơn nhiều so với mức nhiệt từng ghi nhận trong cùng kỳ những năm trước.
Tại Malaysia, nền nhiệt trong những ngày đầu tháng 4 dao động trong khoảng 38-40 độ C. Giới chức nước này cảnh báo rằng hiện tượng nắng nóng cực đoan có thể kéo dài đến hết tháng. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, khi nhiệt độ trong ngày có lúc lên tới 40-43 độ C.
Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng gay gắt, tuần qua nhiều nơi ở Philippines buộc phải cho học sinh tạm ngừng học trực tiếp vì chỉ số nhiệt độ lên cao đến mức nguy hiểm. Tại Malaysia, nắng nóng gây áp lực và cả nguy hiểm với công nhân xây dựng khi họ vẫn phải làm việc nhiều giờ dưới trời nắng nóng. Nông dân Indonesia lo ngại rằng nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng năng suất cây trồng, khiến giá lương thực có thể bị đẩy lên cao.
Cục Khí tượng Ấn Độ mới đây dự báo rằng nước này có thể đối mặt một đợt nắng nóng cực đoan kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 6. Cơ quan này còn cảnh báo các khu vực miền Trung, miền Đông và Tây Bắc Ấn Độ khả năng cao sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ đợt nắng nóng gay gắt này.
Trong khi đó, châu Âu cũng trong tình trạng báo động khi thời tiết còn đang mùa Xuân mà đã nóng như mùa Hè, theo trang Euronews.
Theo Copernicus, tháng 3 vừa qua châu Âu ghi nhận đợt nắng nóng kỷ lục với nền nhiệt trung bình cao hơn 2,12 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1990-2020. Nắng nóng bao trùm phần lớn khu vực Đông Âu, Trung Âu và Nam Âu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và các hoạt động kinh tế. Copernicus còn dự báo rằng lượng mưa trung bình tại châu Âu trong mùa Xuân 2024 sẽ thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước, thời tiết sẽ khô hạn hơn nhiều.
Vả mồ hôi vì nắng nóng gay gắt, tuần qua người dân châu Âu đã ráo riết tìm đến những khu vực có ao, hồ, sông, suối để giải nhiệt, nhiều người thậm chí còn tìm đến những vùng biển ở Nam Âu để tránh nóng, theo Reuters.
“Mọi lục địa, mọi khu vực và mọi quốc gia đều cảm thấy nhiệt độ nóng lên. Thời đại nhiên liệu hóa thạch đã mang đến nhiều thất bại. Đây là lúc các nước phải hành động ngăn khủng hoảng khí hậu thêm tồi tệ” - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.
Các nước dồn sức giải nóng
Các nước đang khẩn cấp hành động nhằm giảm thiểu thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực do nắng nóng cực đoan gây ra.
Tại Thái Lan, từ đầu tháng 3 chính phủ nước này đã tăng đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, giếng khoan để cung cấp nước cho người dân sinh hoạt và tưới tiêu, tăng kinh phí cho công tác phòng chống và dập tắt cháy rừng, phát cảnh báo rộng rãi về nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, theo tờ The Bangkok Post.
Giới chức Ấn Độ tăng cường đầu tư xây dựng các trung tâm và dịch vụ làm mát, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, giải nhiệt, đồng thời tận dụng các kênh truyền thông để truyền tải thông tin về các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng, hướng dẫn người dân tự bảo vệ bản thân hiệu quả, theo tờ Times of India.
Trong khi đó, các nước châu Âu có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính đối với những cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng vì nắng nóng, hạn hán. Giới chức châu Âu khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường khi trời nóng, đặc biệt vào những giờ cao điểm nắng gắt. Các nước cũng tăng cường giám sát rừng để hạn chế tối đa khả năng xảy ra cháy rừng trong điều kiện thời tiết khô nóng.
Bà Jennifer Francis, nhà nghiên cứu khí tượng và khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell (Mỹ), cho rằng chỉ hành động riêng lẻ từ các nước thì chưa đủ. Theo bà, ngoài việc chính phủ các nước tự triển khai các kế hoạch phòng chống nắng nóng, cộng đồng quốc tế cũng cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực trong việc đối phó nắng nóng gay gắt, cũng như ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo bà Friederike Otto, nhà nghiên cứu khí hậu tại ĐH Hoàng gia London (Anh), nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao trong những năm gần đây là do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Bà cũng nhấn mạnh rằng nếu các nước không khẩn trương giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Trái Đất sẽ tiếp tục nóng hơn nữa trong những năm tới, các thiên tai, thảm họa như hạn hán, cháy rừng, thiếu nước trầm trọng,... cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Đồng tình nhận định này, Phó Giám đốc Copernicus - bà Samantha Burgess cảnh báo "nếu mọi người không hành động ngay từ lúc này, không chỉ năm nay mà nhiều năm sau kỷ lục nhiệt độ có thể sẽ liên tục bị phá vỡ”. Nếu muốn giảm nhiệt độ Trái Đất thì cộng đồng quốc tế cần quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và khí thải nhà kính.
Năm nay Trái Đất sẽ còn "sốt" hơn?
Cuối tháng 2, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đánh giá năm 2023 là năm Trái Đất “phát sốt” khi nhiều kỷ lục nhiệt độ toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 6 đến 12 liên tục bị phá vỡ, theo hãng tin Reuters.
Cơ quan này còn dự báo rằng với tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino (hiện tượng khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao) thì năm 2024 có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử.
Cùng chung nhận định, Cơ quan Khí quyển và Đại Dương Quốc gia Mỹ (NOAA) mới đây cũng dự báo rằng gần như chắc chắn thời tiết năm 2024 sẽ ấm hơn năm 2023, thậm chí nhiều nơi có thể xuất hiện nắng" nóng cực đoan.