Tờ The Guardian ngày 16-3 dẫn một báo cáo bị rò rỉ tiết lộ Thủ tướng Anh Boris Johnson chuẩn bị nâng mức giới hạn kho dự trữ đầu đạn hạt nhân Trident của nước này, kết thúc 30 năm giải trừ quân bị dần dần kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Theo một bản sao của “Đánh giá tổng hợp của Chính phủ về an ninh, quốc phòng, phát triển và chính sách đối ngoại Anh” bị rò rỉ mà The Guardian tiếp cận được, giới hạn kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Anh sẽ tăng từ 180 lên 260 đầu đạn.
Điều này được cho là sẽ mở đường cho một đợt tái vũ trang đầy tranh cãi của Anh với tổng chi phí lên đến gần 14 tỉ USD nhằm đối phó các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Anh tăng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân?
Đánh giá, dài 100 trang, cũng cảnh báo về “khả năng thực tế” rằng “một nhóm khủng bố sẽ phát động một cuộc tấn công ‘hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân’ (CBRN) thành công vào năm 2030”, mặc dù có rất ít chi tiết hỗ trợ lập luận trong đánh giá này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: GETTY IMAGES
Đánh giá cũng cho thấy ông Johnson đã đưa ra cam kết cá nhân sẽ khôi phục chi tiêu viện trợ nước ngoài lên đến 0,7% tổng thu nhập quốc dân “khi tình hình tài khóa cho phép”, sau những chỉ trích gay gắt về việc cắt giảm cứu trợ cho Yemen và các nơi khác.
Tài liệu cho biết việc tăng mức giới hạn kho dự trữ đầu đạn hạt nhân là "sự thừa nhận trong bối cảnh môi trường an ninh đang diễn biến" và có "nhiều mối đe dọa về công nghệ và học thuyết đang phát triển".
Trước thông tin trên, có nhiều ý kiến cảnh báo rằng Anh có nguy cơ bắt đầu “một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới” vào thời điểm thế giới đang cố gắng thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Bà Kate Hudson - Chỉ huy trưởng Chiến dịch Giải trừ Vũ khí Hạt nhân (CND) - cho biết: “Trong bối cảnh chính phủ thiếu kinh phí, chúng ta không cần chi tiêu hoành tráng, lãng phí tiền bạc cho vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Lập trường hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Theo The Guardian, đánh giá của Anh là một bước ngoặc về chính sách quốc phòng và đối ngoại hậu Brexit, trong đó có các điểm đáng chú ý sau:
- Đánh giá tuyên bố rõ ràng rằng Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đại diện cho một "mối đe dọa tích cực", trong khi mô tả Trung Quốc đã đặt ra một "thách thức hệ thống".
- Lần đầu tiên cam kết đưa ra một chế tài trừng phạt bổ sung trao cho Anh “quyền hạn ngăn chặn những thành phần có liên quan tham nhũng vào Anh hoặc chuyển tiền qua hệ thống tài chính của nước này” .
- Tham vong đưa Anh trở thành “siêu cường quyền lực mềm”.
Tiết lộ Anh sẽ tăng dự trữ đầu đạn hạt nhân hơn 40% sau 30 năm. Ảnh: EPA
Quá trình chính phủ Anh đánh giá về an ninh, quốc phòng, phát triển và chính sách đối ngoại bắt đầu sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, nhằm xác định tầm nhìn “nước Anh toàn cầu” của thủ tướng và đưa ra định hướng chiến lược trong tương lai, sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), hướng đến năm 2030.
Theo bản sao “Đánh giá” mà The Guardian tiếp cận được, trong khi chỉ thể hiện một ít thông tin tham khảo về EU, đánh giá của Anh chủ yếu đưa ra các chi tiết “nghiêng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, trong đó Anh sẽ làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quốc phòng, ngoại giao và thương mại với Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và Úc nhằm đối trọng với Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ là đối tác châu Âu có sự hiện diện rộng rãi và tích hợp nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - đánh giá nêu rõ, đồng thời lập luận rằng việc đầu tư vào khả năng tác chiến mạng và triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth mới tới khu vực vào cuối năm nay sẽ giúp gửi thông điệp đến Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cam kết tăng đáng kể giới hạn kho dự trữ đầu đạn hạt nhân mới là động thái quan trọng nhất, diễn ra sau khi Anh cam kết sẽ dần giải trừ vũ khí hạt nhân sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Anh dự trữ đầu đạn hạt nhân ít hơn nhiều so với Nga (ước tính có 4.300), Mỹ (hơn 3.800) và Trung Quốc (khoảng 320).
Tuy nhiên, mỗi đầu đạn hạt nhân của Anh ước tính có sức nổ lên tới 100 kiloton. Để dễ hình dung, quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai nặng khoảng 15 kiloton.
“Một biện pháp răn đe hạt nhân tối thiểu, đáng tin cậy, độc lập nhằm bảo vệ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là điều cần thiết để đảm bảo an ninh của chúng tôi và của các đồng minh” - đánh giá cho biết trong phần giải thích bối cảnh của việc gia tăng kho dự trữ.