Từ năm 1994 khi dự án đô thị ven sông Hồng lần đầu được đề cập, năm 2000 Bộ Chính trị đã có nghị quyết về nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch khai thác hai bên sông và sau đó là hầu như liên tục các năm quy hoạch ven sông đều được nhắc đến từ các quyết định của thủ tướng, các bước chuẩn bị, xây dựng quy hoạch của Hà Nội và mới nhất là việc Hà Nội đã thống nhất các định hướng lớn xây dựng quy hoạch ven sông Hồng. Một định hướng nhắc lên đặt xuống suốt 25 năm, cần không thì hầu hết các câu trả lời đều là cần nhưng vướng không thì lại có quá nhiều ý kiến.
Quy hoạch này có những điểm chính như thế nào?
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với quy mô dân số từ 280.000 đến 320.000 người, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nêu trên thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen... Quy hoạch theo hướng đô thị xanh, trục cảnh quan văn hóa, lịch sử
Cần như vậy nhưng điểm nghi ngại nhất là quy hoạch này thuộc không gian thoát lũ của sông Hồng. Theo Luật Đê điều, TP Hà Nội phải lập quy hoạch chi tiết các sông có tuyến đê. Quy hoạch chi tiết này Sở NN&PTNT đang thực hiện nhưng lại gặp vướng mắc ở chỗ, Luật 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ra đời, có hiệu lực từ 1/1/2019 lại chưa rõ ràng về thẩm quyền lập và phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê. Đây là một lý do khiến quy hoạch phân khu sông Hồng bị chậm cho tới nay.
Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng (Ảnh: báo Nhân dân)
Theo GS. Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, việc phòng chống lũ là cấp thiết vì thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào những cần phát huy lợi thế cận giang để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, tuyến đê của TP Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng. Riêng đê sông Hồng qua nội thành Hà Nội phải bảo đảm trong trường hợp lũ lớn hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Trên thực tế có rất nhiều đô thị đã quy hoạch xây dựng thành phố ven sông tạo cảnh quan rộng mở, không gian đô thị sinh động. Đây là kinh nghiệm để quy hoạch sông hồng hợp lý và tối đa hiệu quả không gian
Khu vực ven sông với hàng trăm nghìn hộ dân, cả một kho tàng đất đai, văn hóa lịch sử tự nhiên. để như hiện nay thì quá lãng phí nhưng làm như thế nào để cân bằng giữa mục tiêu phát triển và sự an toàn của tương lai thì không đơn giản. Quy hoạch này có được phê duyệt, ban hành vào tháng 6 này hay không thì còn phải chờ nhưng rõ ràng việc có được bản quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ bảo đảm sinh kế hàng triệu người dân sống 2 bên bờ sông là định hướng quan trọng cho phát triển.
Chương trình Vấn đề hôm nay với khách mời là ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73171301261301202-gnos-neb-ohp-hnaht-gnov-yk-gnoh-gnos-iht-od-uhk-nahp-hcaoh-yuq/et-hnik/nv.vtv