vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyện gì đang xảy ra với điện mặt trời? (*): Cần chiến lược đồng bộ

2021-03-17 07:10

Không thể phủ nhận điện mặt trời giúp giải bài toán môi trường trong đầu tư các công trình điện. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều công trình truyền tải điện của nhà nước khó đẩy nhanh tiến độ do quy trình khá phức tạp, không nên để tái diễn tình trạng bùng nổ nguồn thiếu tương xứng với lưới.

Chính sách phải ổn định

PGS-TS Vũ Thanh Ca, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, chỉ rõ điện mặt trời với đặc tính thiếu ổn định sẽ không thể là một nguồn điện chủ chốt trong tổng cơ cấu nguồn. Ngoài ra, để phát triển điện mặt trời, không chỉ cần chính sách bắt buộc cho phát triển hệ thống truyền tải mà còn cần chính sách cho các nguồn khởi động nhanh để hỗ trợ điện mặt trời vào những giờ hết nắng như điện khí và thủy điện tích năng. "Trừ điện mặt trời áp mái, các công trình điện mặt trời lớn đa phần cần diện tích đất lớn, trong nhiều trường hợp có thể phải phá rừng, do vậy phải tính toán thận trọng. Đồng thời, cũng phải xem xét cơ cấu nguồn điện mặt trời và lưới truyền tải tương ứng trong khả năng có thể thực hiện được để bảo đảm cung ứng đủ điện cho các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội" - PGS-TS Vũ Thanh Ca lưu ý.

Theo TS Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia năng lượng, những định hướng lớn về phát triển năng lượng cơ bản cần đề ra tỉ trọng chung cho năng lượng tái tạo. Chính sách không thể đi theo hướng chỉ phát triển một loại hình mà bỏ qua các nguồn năng lượng sạch khác như điện gió, sinh học. Nếu so sánh về hiệu quả, điện mặt trời có công suất sử dụng ít hơn điện gió rất nhiều. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi với lưu lượng, tốc độ gió… lớn hứa hẹn sẽ là nguồn điện của tương lai. Tuy nhiên, điện mặt trời với lợi thế có ưu đãi lớn, dễ thi công nên đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, tạo nên những cơn sốt dài từ cuối năm 2019 đến hết năm 2020. "Dự án điện gió Kê Gà do Anh quốc đầu tư có công suất tới 3.400 MW trong khi một nhà máy điện than thông thường chỉ 1.200 MW. Với ưu điểm rất lớn, giai đoạn tới, cần ưu tiên cho nguồn điện gió ngoài khơi, sau đó mới đến điện gió trên bờ và điện mặt trời mái nhà" - TS Nguyễn Minh Duệ nêu quan điểm.

Đại diện một nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn ở khu vực phía Nam cho hay chính sách đối với một ngành ngoài việc mang lại lợi nhuận, nhà đầu tư còn kỳ vọng vào một giải pháp đồng bộ và bền vững. Bởi những thay đổi đột ngột về chính sách với điện mặt trời như trong năm 2020 vì lý do phát triển quá "nóng" đã gây khó khăn không nhỏ cho những nhà đầu tư đã hoàn thành vận hành dự án và nhà đầu tư chuẩn bị tham gia. "Chính sách điện mặt trời trong thời gian tới cần ổn định và định hướng thị trường rõ ràng, dài hạn; tránh trường hợp triển khai ồ ạt trong thời gian ngắn sau đó phải xử lý hậu quả" - vị đại diện này nói.

Chuyện gì đang xảy ra với điện mặt trời? (*): Cần chiến lược đồng bộ - Ảnh 1.

Trạm biến áp 500 KV và đường dây 220/500 KV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam ở Ninh Thuận. Ảnh: KỲ NAM

Cân nhắc giá điện

Phải thừa nhận mức giá ưu đãi cho điện mặt trời lên đến 9,35 cent/KWh là một trong những lý do không nhỏ dẫn đến cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này kéo dài hơn 2 năm qua. Chính bởi vậy, dễ hiểu vì sao mới đây, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đều đặt vấn đề giảm giá mua điện mặt trời cho giai đoạn từ sau ngày 31-12-2020. Tất nhiên, đề xuất này sẽ không nhận được sự đồng tình từ phía nhà đầu tư bởi không ai muốn bị giảm lợi ích.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, cho biết tiến bộ vượt bậc về công nghệ sản xuất thiết bị điện mặt trời đã giúp chi phí sản xuất giảm nhanh. Mức giá 9,35 cent/KWh cho điện mặt trời mặt đất trước đây được cho là phù hợp để thu hút đầu tư thì sau này, giá 7,09 cent/KWh vẫn được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tiến bộ công nghệ cũng giúp các dự án có hiệu suất cao hơn và có thể căn cứ vào đó để tính toán giảm giá điện mặt trời mà vẫn bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư cũng như bên mua điện.

Từ thực tế này, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã xây dựng xong dự thảo cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái để thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13/2020 đã hết hiệu lực và đang lấy ý kiến để trình Chính phủ. Theo đó, giá cố định dự kiến giảm chỉ còn 5,2-5,8 cent/KWh với từng loại công suất dự án. Điều này nhằm mục đích phát triển đúng hướng nguồn năng lượng này, cụ thể là khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng thay vì đổ xô đầu tư để hưởng giá cao gây áp lực lên lưới. "Thời gian qua, EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải; nhiều dự án của tư nhân cũng được triển khai nên cơ bản đến nay, quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó cơ bản được giải quyết" - ông Hoàng Tiến Dũng thông tin.

TS Đinh Hoàng Bách, Trưởng Bộ môn Hệ thống điện Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nêu mục đích đầu tiên của phát triển điện mặt trời phải nhằm mục đích tiêu dùng, lắp đặt để tiêu dùng. Bởi lẽ, giá bán lẻ điện sinh hoạt chắc chắn sẽ còn tăng cao trong thời gian tới để bù đắp chi phí, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ khuyến khích doanh nghiệp, xí nghiệp, gia đình lắp điện mặt trời để tự dùng. "Giá mua điện mặt trời giảm thì khả năng thu hút đầu tư cũng sẽ giảm theo, giúp chặn đà phát triển quá nhanh của phong trào đầu tư dự án điện mặt trời dẫn đến quá tải trong thời gian qua. Song song đó, nhà nước cần có chính sách để các hộ gia đình, doanh nghiệp lắp điện mặt trời tự dùng dễ dàng, thuận tiện thì sẽ tốt hơn" - TS Đinh Hoàng Bách nêu ý kiến. 

Triển khai nhiều hệ thống truyền tải

Trả lời Báo Người Lao Động về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho điện mặt trời, ông Võ Đình Vinh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, cho biết ngoài việc chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan hỗ trợ các nhà đầu tư về nhiều mặt, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tiến độ và đẩy nhanh đầu tư các công trình hạ tầng truyền tải 110 KV, 220 KV trong năm 2021; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chủ trương chuyển đổi mục đích đất rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác để thực hiện công trình truyền tải điện ĐZ 220 KV Nha Trang - Tháp Chàm. Đặc biệt, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời thay cho Quyết định 13 để tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời.

Hiện nay, ngoài Trạm biến áp 500 KV và đường dây 220/500 KV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã hoàn thành, EVN đang nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng Trạm biến áp 500 KV Ninh Sơn với quy mô 3x900 MW và các đường dây đấu nối vào lưới điện quốc gia. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát.

K.Nam

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-3

Xem thêm: mth.26004812261301202-ob-gnod-coul-neihc-nac-iort-tam-neid-iov-ar-yax-gnad-ig-neyuhc/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyện gì đang xảy ra với điện mặt trời? (*): Cần chiến lược đồng bộ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools