Tấn công lừa đảo (phishing) là hình thức tấn công phi kỹ thuật được tội phạm mạng sử dụng nhằm đánh cắp dữ liệu bí mật từ máy tính của người dùng, sau đó sử dụng dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau, như lấy cắp tiền của nạn nhân hoặc bán lại dữ liệu đã đánh cắp.
Ngoài ra, tin nhắn lừa đảo thường ở dạng thông báo giả mạo từ ngân hàng, nhà cung cấp, hệ thống thanh toán điện tử và các tổ chức khác; hoặc cũng có thể ở dạng bản sao giống gần 100% một website đáng tin cậy với những tin nhắn có nội dung lừa đảo để nạn nhân phải để lại dữ liệu cá nhân của họ.
VIỆT NAM ĐỨNG THỨ 21 VỀ TẤN CÔNG LỪA ĐẢO
Công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky phát hiện những chiến dịch tấn công lừa đảo vẫn tiếp tục nhắm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Đông Nam Á. Trong khi những doanh nghiệp này vẫn đang gánh chịu ảnh hưởng từ đại dịch, công nghệ chống lừa đảo của Kaspersky (Kaspersky's Anti-Phishing) đã ngăn chặn tổng cộng 2.890.825 tấn công nhắm vào các SME trong khu vực năm 2020, tăng 20% so với 2.402.569 tấn công lừa đảo bằng url giả mạo năm 2019.
Khảo sát của Kaspersky tại khu vực Đông Nam Á cho thấy, đối với các công ty có quy mô từ 50-250 nhân viên như các SME ở Indonesia ghi nhận nhiều sự cố tấn công lừa đảo nhất khu vực vào năm 2020. Tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam, với hơn nửa triệu tấn công lừa đảo ở mỗi quốc gia. Các SME tại Malaysia, Philippines và Singapore cũng không tránh khỏi tấn công lừa đảo, với tổng số 795.052 tấn công bằng hình thức truy cập website lừa đảo từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2020.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: Việt Nam hiện đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020. Các cuộc tấn công phi kỹ thuật như lừa đảo cũng là phương thức tấn công dễ dàng nhất. Với sự lo lắng hiện tại liên quan đến những từ khóa như COVID-19, và bây giờ là vaccine, phương thức tấn công này sẽ tiếp tục được sử dụng nhiều hơn để lấy cắp tiền và dữ liệu từ người dùng.
Những kẻ lừa đảo trực tuyến đã khai thác chủ đề COVID-19, mời nạn nhân tham gia các hội nghị trực tuyến không có thực và thông báo rằng họ cần đăng ký thông tin với "các dịch vụ mới của công ty". Kaspersky dự đoán rằng các xu hướng tấn công mạng chính của năm 2020 sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần.
WEBSITE GIẢ MẠO NGÂN HÀNG, CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Vừa qua, Phòng An toàn thông tin – Khối Công nghệ Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) trong quá trình rà soát định kỳ đã phát hiện một số đường link dẫn đến website giả mạo đang thực hiện tấn công lừa đảo (phishing) nhằm chiếm đoạt thông tin, tài khoản người dùng E-Banking của ABBANK.
Các website được tạo ra với giao diện khá tương đồng với website chính thống của ABBANK nhằm yêu cầu khách hàng truy cập nhập username/password. Nếu khách hàng không để ý kỹ và thực hiện truy cập, nhập username/password vào các trang phishing giả mạo do hacker/tổ chức lừa đạo tạo ra sẽ lập tức bị hacker lấy được thông tin tài khoản E-Banking, dẫn đến bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Nội dung của website giả mạo thường thể hiện các dịch vụ của ngân hàng như: sao kê tài khoản, cho vay tín dụng cá nhân, chuyển khoản, mở thấu chi, top-up thẻ tín dụng,…
Giả mạo website ngân hàng là một hình thức tấn công mạng bằng việc cung cấp các đường link dẫn đến website giả mạo để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Phương thức tấn công mạng này đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức gian lận đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức.
Hiện nay, tình trạng các đối tượng xấu sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng đang tăng cao. Cách thức lừa đảo là: đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, các tin nhắn giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu thật của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Khi người dùng truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… Có được các thông tin trên, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của người dùng và thực hiện được các hành vi chiếm đoạt và sử dụng tài khoản như: chuyển khoản, mở thấu chi, top-up thẻ tín dụng, đăng ký vay online…
Ông Trần Việt Thắng, Thành viên Ban Điều hành phụ trách Khối Công nghệ Ngân hàng ABBANK cho biết: "Tấn công mạng bằng hình thức phishing qua website giả mạo đã tồn tại từ rất lâu, gần đây số lượng tăng lên nhiều, đặc biệt là thông qua việc phát tán các link giả mạo qua email, tin nhắn mang đầu số ngân hàng khiến khách hàng nhầm lẫn. Về phía khách hàng, chúng tôi cũng khuyến cáo và mong khách hàng sẽ lưu ý, quan sát cẩn thận trước khi thực hiện các thao tác đăng nhập tài khoản trên online, tránh tạo cơ hội cho đối tượng xấu thực hiện chiếm đoạt thông tin, tài khoản của mình."
Xem thêm: mth.11783607071301202-gnam-auq-oad-aul-gnoc-nat-uv-cac-ev-ioig-eht-12-uht-gnud-man-teiv/nv.ymonocenv