vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp mất 63,3 triệu đồng mỗi lần làm thủ tục hành chính thuộc nhóm môi trường

2021-03-17 14:42

Doanh nghiệp mất 63,3 triệu đồng mỗi lần làm thủ tục hành chính thuộc nhóm môi trường

Hoàng Thắng

(KTSG Online) – Doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 63,3 triệu đồng, gồm chi phí thời gian và chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện thủ tục hành chính, cho mỗi lần thực hiện thủ tục hành chính thuộc nhóm môi trường trong năm 2020.

Toàn cảnh họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020. Ảnh: baochinhphu.vn

Nhiều cải cách chưa thực chất

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (ACPI 2020), do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính - PV) công bố ngày 17-2 tại Hà Nội, đã chỉ ra sự cải thiện thủ tục hành chính (TTHC) ở một số nhóm ngành nhưng sự cải cách này chưa đi vào thực chất.

Với nhóm môi trường, mức độ cải thiện chung năm 2020 được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019, nhưng phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện về TTHC của nhóm môi trường chưa phải thực chất, theo báo cáo.

Cụ thể, chi phí trực tiếp cho TTHC năm 2020 của nhóm này giảm 28% so với năm 2019 – từ 4,27 triệu đồng xuống 3,08 triệu đồng, nhưng thời gian thực hiện thủ tục tăng tới 201% – từ 20,4 giờ lên 61,5 giờ. Kết quả, chi phí tuân thủ – gồm chi phí thời gian và chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện TTHC – thuộc nhóm môi trường năm 2020 tăng 39% so với năm 2019, từ 45,4 triệu đồng lên 63,3 triệu đồng.

Đáng chú ý, chi phí trực tiếp chỉ chiếm tỷ trọng 32% trong tổng chi phí trực tiếp của nhóm TTHC môi trường, còn 68% là chi phí thời gian mà doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện các TTHC.

“Nhóm môi trường thuộc nhóm có thời gian thực hiện TTHC dài nhất trong số chín nhóm được khảo sát, với số giờ bình quân mỗi doanh nghiệp bỏ ra là 61,5 giờ - tương đương xấp xỉ 7,7 ngày làm việc”, báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải dành khoảng 82,2% tổng thời gian thực hiện TTCH cho các hoạt động liên quan đến hồ sơ, gồm: chuẩn bị hồ sơ, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Ngoài ra, 68% doanh nghiệp thực hiện TTHC về môi trường cần chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ từ một lần trở lên với thời gian chỉnh sửa và bổ sung lại hồ sơ gần tương đương với thời gian chuẩn bị hồ sơ.

Tương tự, mức độ cải thiện chung của nhóm điều kiện kinh doanh được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019, nhưng phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện này không phải thực chất.

“Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy gánh nặng đối với doanh nghiệp không giảm đi mà còn tăng lên một cách đáng kể”, báo cáo nêu.

Còn năm nhóm gồm: khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới đã ghi nhận mức điểm thấp hơn năm 2019, dù vẫn là những nhóm có điểm về cải cách thủ tục hành chính được đánh giá là tốt trong năm 2020.

“Vấn đề này đặt ra yêu cầu công tác cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ”, báo cáo nêu.

Bốn bài học cải cách TTHC từ ACPI 2020

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và cần bổ sung một số bài học để thúc đẩy cải cách trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, vừa phải đối mặt với các thách thức từ dịch Covid-19.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: baochinhphu.vn

Thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, kết quả APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy những nhóm TTHC nào được các cơ quan hành chính Nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh vào kết quả APCI hàng năm.

“APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Thành công ban đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia càng minh chứng cho điều đó”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng việc giải quyết TTCH trên môi trường điện tử là xu hướng được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh nhờ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.

“Việc này giúp hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống”, ông Dũng nói.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Lý giải nguyên nhân, ông Dũng cho biết chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh. Điều này khiến các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam có tâm lý e ngại.

“Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân”, ông Dũng cho biết.

Thứ ba, thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.

Theo ông Dũng, việc chuyển đổi không chỉ là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh với doanh nghiệp từ giai đoạn trước cấp phép sang sau cấp phép, mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý Nhà nước với từng lĩnh vực và thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh.

Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn có những quy định, khuôn khổ, phương thức cụ thể, rõ ràng và bảo đảm các tiêu chí giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong công tác hậu kiểm, theo khảo sát APCI tại các địa phương.

“Doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp để tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát lỗi của doanh nghiệp để xử phạt”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thứ tư, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Cụ thể, việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố về thể chế và hạ tầng, mà còn phụ thuộc vào những con người thực hiện các TTHC đó.

Để cải thiện điều này, ông Dũng cho rằng cần thực hiện việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử nhằm giúp các cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, phải thúc đẩy các cơ quan, công chức Nhà nước thay đổi thái độ với người dân - từ trách nhiệm công vụ sang trách nhiệm phục vụ.
 

Xem thêm: lmth.gnourt-iom-mohn-couht-hnihc-hnah-cut-uht-mal-nal-iom-gnod-ueirt-336-tam-peihgn-hnaod/546413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp mất 63,3 triệu đồng mỗi lần làm thủ tục hành chính thuộc nhóm môi trường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools