Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cho biết như vậy tại tại buổi gặp mặt báo chí quý I/2021 diễn ra chiều 17-3.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Giám đốc Trung tâm chăm sóc Khách hàng EVNHCMC, cho biết thông lệ hằng năm, cứ đến mùa nắng nóng, số cuộc gọi của khách hàng đến tổng đài EVNHCMC thắc mắc chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi so với tháng bình thường, lên đến 10.000 cuộc mỗi ngày.
"Đến cao điểm nắng nóng, hóa đơn tiền điện càng tăng càng có nhiều thắc mắc, phản ánh của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện. Thông qua tổng đài này, những phải ánh của khách hàng sẽ được xử lý trong thời gian không quá 24 giờ" – ông Hưng cam kết.
Về tình hình cung cấp điện mùa khô, ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho hay Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên nhanh chóng triển khai các giải pháp, kịch bản đã đề ra để bảo đảm cung cấp điện cho toàn thành phố.
Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc EVNHCM, giới thiệu ứng dụng theo dõi chỉ số điện và hóa đơn tiền điện trên điện thoại di động
Cụ thể, EVNHCMC đã tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành lưới điện trong mọi trường hợp; bổ sung 1 công trình lưới điện 220kV, 5 công trình lưới điện 110kV và 18 công trình lưới điện 22kV để chủ động nguồn điện đủ cung cấp cho thành phố, không cúp điện của người dân trong những ngày nắng nóng.
Song song đó, để giảm sự cố lưới điện, EVNHCMC yêu cầu các đơn vị tăng cường khai thác hiệu quả hệ thống đo đếm từ xa (MDIS), dashboard cảnh báo mất điện của Tổng công ty để phát hiện và xử lý nhanh những trường hợp mất điện trạm biến áp phân phối, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp điện.
Nếu có sự cố xảy ra, sẽ ưu tiên "chuyển tải trước, xử lý sự cố sau", tức ngay khi xảy ra sự cố, các đơn vị phải thực hiện chuyển tải nguồn điện qua một mạch/nhánh khác để tái lập điện ngay cho khách hàng, sau đó mới cô lập và thực hiện xử lý nơi xảy ra sự cố. Thời gian xử lý phấn đấu bình quân dưới 5 phút.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, khuyên khách hàng sử dụng điện nên cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH để chủ động theo dõi lượng điện sinh hoạt của gia đình mình, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả, như:
+ Sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: "Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu".
+ "Tắt khi không sử dụng".
+ Cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5oC), hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà.
+ Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng.
+ Vệ sinh máy lạnh theo định kỳ.
+ Dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng.
+ Không sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điểm.
+ Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở những bậc giá cao.
+ Tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên.
Theo thống kê của EVNHCMC, tiêu thụ điện bình quân ngày của 15 ngày đầu tháng 3 lên tới 76,5 triệu kWh/ngày, cao hơn sản lượng cùng kỳ năm 2020 khoảng 0,3 triệu kWh/ngày. Ước tính sản lượng điện bình quân ngày trong tháng này đạt 77,3 triệu kWh/ngày, tăng 1,97% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn ngày bình quân tiêu thụ của tháng 2- 2021 (tháng 2 tiêu thụ bình quân 56,8 triệu kWh/ngày).
Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6 tiếp tục tăng cao, đạt từ 79,7 - 81,5 triệu kWh/ngày (tiêu thụ bình quân ngày của năm 2020 chỉ ở mức 73,14 triệu kWh/ngày, có ảnh hưởng giãn cách xã hội).