Những lọ vắc xin ngừa COVID-19 có nhãn AstraZeneca - Ảnh: REUTERS
"Ủy ban Tư vấn toàn cầu về sự an toàn của vắc xin tại WHO đang đánh giá cẩn thận dữ liệu an toàn sẵn có mới nhất dành cho vắc xin hãng AstraZeneca. Một khi công tác đánh giá đó hoàn tất, WHO sẽ chia sẻ ngay kết quả với công chúng" - ủy ban này ngày 17-3 cho biết.
Trong tuyên bố phát một ngày sau khi các chuyên gia có cuộc họp kín, ủy ban khẳng định: "Vào lúc này, WHO xem các lợi ích mà vắc xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca mang lại có nhiều giá trị hơn các rủi ro và khuyến nghị tiếp tục tiêm vắc xin này".
Bà Kate O'Brien, giám đốc bộ phận tạo miễn dịch và vắc xin của WHO, cho biết ủy ban an toàn vắc xin đang đánh giá liệu các vấn đề như đông máu có thật sự liên quan tới vắc xin hay không.
Trước đó, hơn chục quốc gia ở Liên minh châu Âu (EU) đã tạm ngưng dùng vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca để tiêm cho người dân, xem đây là biện pháp đề phòng sau khi có một số trường hợp bị đông máu sau tiêm vắc xin.
WHO lưu ý vẫn còn những quốc gia khác trong EU quyết định tiếp tục dùng vắc xin hãng này trong các chương trình tiêm chủng.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết họ liên lạc thường xuyên với Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và các nhà quản lý khắp thế giới để có những thông tin mới nhất về sự an toàn của vắc xin ngừa COVID-19.
EMA nói họ đang điều tra về 30 trường hợp bị thuyên tắc huyết khối trong số khoảng 5 triệu người đã được tiêm vắc xin AstraZeneca trong phạm vi EU. Đến nay tổng cộng 45 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được phân phối khắp khối này.
Tháng trước, WHO đã phê duyệt vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford để sử dụng khẩn cấp, giúp mở rộng khả năng tiếp cận vắc xin có giá khá rẻ này ở các quốc gia đang phát triển, theo Hãng tin Reuters.
TTO - Việc chính phủ các nước châu Âu ngừng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã tạo ra tranh luận và gây chia rẽ. Những người phản đối cho rằng việc dừng tiêm là "hại nhiều hơn lợi", có thể khiến nhiều người mất niềm tin vào vắc xin.