Trong một cuộc phỏng vấn, Robert Kiyosaki – tác giả của cuốn "Cha giàu, Cha nghèo" nổi tiếng đã có một câu nói gây chú ý: "Thực chất, hệ thống giáo dục dạy con người để ‘nghèo’ bởi nó được thiết kế để dạy chúng ta trở thành một người làm công ăn lương chứ không bao giờ dạy chúng ta về tiền bạc. Có một sự thật mà tôi phải nói là nếu muốn nghèo, bạn hãy đi học còn nếu muốn giàu có và hạnh phúc thì đừng làm như vậy".
Người cha nghèo của Robert có bằng Tiến sĩ. Một lần, khi hỏi cha tại sao mình không được học về tiền bạc ở trường, ông nhận được câu trả lời: "Bởi chính phủ không cho dạy môn đó. Họ quyết định điều gì có thể và không thể giảng dạy. Nhiệm vụ của con là đến trường để sau này có một công việc".
Robert Kiyosaki – tác giả của cuốn "Cha giàu, Cha nghèo".
Theo Robert, "cái nghèo" được truyền cho chúng ta từ chính gia đình của mình. Một cách tự nhiên, chúng ta được dạy rằng "Hãy kiếm một công việc và làm việc chăm chỉ nếu muốn trở nên giàu có".
Một thống kê cho thấy có tới 65% vận động viên chuyên nghiệp, kiếm được hàng triệu USD lại phá sản chỉ sau 5 năm. Không ít người trúng số hay giàu lên một cách nhanh chóng nhờ vận may rơi vào cảnh khánh kiệt trong thời gian ngắn bởi họ có tư duy của người nghèo. Nếu không thay đổi, họ sẽ mãi nghèo dù có nhiều tiền đến đâu.
Robert chia sẻ: "Khi tôi trả tiền cho bạn và bạn nhìn nhận mình là một người làm thuê, bạn đã sập ‘bẫy’ của cái nghèo. Khoảnh khắc bạn nhận lương, bộ não của bạn coi như đã chết.
Có người từng hỏi tôi rằng tại sao tôi không cho người nghèo tiền. Lý do là điều đó sẽ tạo ra nhiều người nghèo hơn. Giả dụ bạn cho một người đàn ông một con cá, rất nhiều người khác cũng muốn được như vậy. Thay vào đó, nếu bạn dạy cách câu cá, họ sẽ không bị đói nữa.
Người cha nghèo của tôi thường nói rằng ‘Cha không có đủ tiền cho thứ đó’ và người cha giàu của tôi sẽ nói "Đó là lý do ông ấy nghèo’. Thay vì kêu ca như vậy, người cha giàu tìm cách để kiếm tiền và mua thứ ông ấy thích".
Người giàu và người nghèo chủ yếu khác nhau ở tư duy.
Nhà sáng lập hãng ô tô Ford từng nói: "Cho dù bạn nghĩ mình có thể hay không thể làm được điều gì đó thì bạn bao giờ cũng đúng". Rất nhiều người nói rằng họ không thể chỉ vì họ lười tìm cách đạt được điều mình muốn.
Một câu hỏi có thể mở ra tâm trí và một tuyên bố có thể đóng nó lại. Vì vậy, khi bạn nói "Tôi không thể", tâm trí của bạn sẽ bị đóng lại và kết quả là bạn trở thành những gì mình nói. Nhiều người nói: "Tiền không quan trọng với tôi’, vậy thì nó sẽ dẫn đến kết quả là ‘Tiền cũng chẳng thèm quan tâm đến bạn".
Robert nói thêm: "Hai câu nói ưa thích của người có tư duy nghèo là ‘Tôi sẽ không bao giờ giàu được’ và ‘Người giàu rất tham lam’. Theo tôi, người nghèo mới là kẻ tham lam. Có một thực tế là nếu muốn trở nên giàu có, trước tiên bạn phải cho đi.
Tôi viết sách để truyền tải thông tin, đầu tư bất động sản và cho thuê, tạo công ăn việc làm cho người khác… Nhờ đó tôi mới giàu có. Còn người nghèo không tạo ra hay cho đi cái gì cả. Họ chỉ muốn làm thế nào để bản thân hưởng lợi nhiều nhất.
Ai trong số chúng ta cũng có nỗi sợ. Quan trọng là cách bạn đối diện với nó. Einstein từng nói rằng ‘trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức nhưng kiến thức sẽ truyền sức mạnh cho trí tưởng tượng’.
Theo Robert, thất bại là yếu tố dẫn tới thành công của một người.
Hầu hết điều mà mọi người thiếu là kiến thức kinh doanh thực sự như kế toán, thuế hay nợ. Bạn phải biết những thứ đó. Tuy nhiên, đáng buồn là họ không dạy những điều đó cho chúng ta ở trường.
Người sợ mắc sai lầm (như những gì họ được dạy ở trường) sẽ không bao giờ trưởng thành. Tâm lý chung của họ là ‘cuộc đời có tốt và xấu, đúng và sai, có thăng có trầm’. Phần lớn họ chỉ muốn đúng và tin vào những thứ tích cực. Nhưng thực tế thì không nhưng vậy.
Mỗi lần thất bại, tôi đều tự nhủ rằng ‘Tốt thôi. Mình đã học được gì từ trải nghiệm này?’ để từ đó rút kinh nghiệm. Hầu hết người bình thường không giàu được là vì họ chưa từng thất bại.
Họ làm mọi thứ theo cách an toàn để tránh phạm sai lầm. Điều đó có nghĩa là họ chẳng học được gì cả. Chúng ta đều sợ thất bại nhưng thất bại lại là cách để chúng ta thành công".
Nguồn: Tổng hợp
Gia Vũ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị