“Chỉ mong trước khi chết sẽ thấy cầu Long Kiểng” - đó là lời tâm sự đầy chua xót của một cụ bà 80 tuổi ở huyện Nhà Bè được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chia sẻ lại tại kỳ họp HĐND TP.HCM hồi tháng 7-2020 và mới được Tuổi Trẻ nhắc lại liên quan sự chờ đợi cây cầu Long Kiểng.
Dự án được phê duyệt năm 2001, 20 năm đằng đẵng chờ đợi cầu Long Kiểng và bà cụ phải ngậm ngùi khi sau gần 3 năm khởi công đến nay cầu vẫn chỉ trơ trọi có 7 trụ bêtông!
Nguyên nhân dự án cầu Long Kiểng chỉ dài 318m, rộng 15m "đắp chiếu" ì ạch đến vậy là do một số người dân chưa thỏa thuận bàn giao mặt bằng, vì theo họ, chính sách đền bù bất hợp lý, tiền đền bù không đủ để họ tạo lập nơi ở mới.
Trong khi đó, chính quyền lại "bế tắc" vì chưa có quỹ đất tái định cư. Từ cuối năm 2019 đến nay, các sở, ngành và huyện Nhà Bè vẫn loay hoay tìm phương án tốt nhất để các hộ dân có nơi ở mới cũng như chuyển đổi nghề phù hợp cho họ. Còn nhà thầu nóng ruột và hứa nếu giao đủ mặt bằng thì chỉ 12 tháng sau sẽ có cầu. Loay hoay vẫn cứ loay hoay.
Không lẽ một thành phố lớn như TP.HCM lại khó khăn trong việc gỡ khó xây dựng một cây cầu nhỏ ở cấp huyện như vậy sao? Trong khi nhiều thành phố khác hàng loạt cây cầu mới với quy mô lớn đua nhau mọc lên để trở thành "thành phố cầu", như ở Hải Phòng vừa qua còn đặt mục tiêu xây gần 100 cây cầu trong giai đoạn 2021 - 2025 để mở rộng không gian đô thị.
Không lẽ các sở, ngành và quận, huyện tại TP.HCM không thể đưa ra giải pháp hay tìm được quỹ đất tái định cư? Mới đây nhất, tại Nhà Bè cũng khánh thành được cầu Phước Lộc sau 8 năm chờ đợi mặt bằng.
Với vấn đề giải phóng mặt bằng, nhiều năm qua lãnh đạo TP.HCM đều muốn giải nhanh bài toán này.
Nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra, trong đó mới đây nhất là giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để người dân trong diện giải tỏa được tái định cư tại chỗ và bán đấu giá phần đất dôi dư để tạo nguồn thu, đầu tư công trình mới; hay giải pháp tái định cư tại chỗ cho người dân nằm trong dự án...
Tuy nhiên, một việc TP.HCM phải lường định cho lâu dài là tìm giải pháp để hạn chế những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề không thỏa thuận được giá đền bù và phương án tái định cư.
Nghĩ đến vướng mắc này càng lo, vì vừa qua lại hàng loạt thông tin về quy hoạch như thành lập TP Thủ Đức, kế hoạch lập đề án chuyển một số huyện lên quận... đã đẩy giá đất một số khu vực tăng lên.
Giá nhà đất nhiều khu vực tại TP.HCM đã cao nay lại tăng lên như vậy thì việc thương lượng giá đền bù với người dân sau này sẽ vô cùng khó khăn. Rõ ràng bài toán khó về giải phóng mặt bằng đã thấy hiển hiện trước mắt.
Nếu không tính toán ngay, không có sự quyết tâm thì không chỉ một cây cầu mà hàng loạt các dự án, công trình tương lai có nguy cơ nằm trên giấy, hoặc triển khai nhưng triền miên "đắp chiếu" do điệp khúc "không bàn giao hết được mặt bằng".
Bài toán khó nào cũng có cách giải. Nếu quyết tâm giải thì sẽ không có cảnh người dân suốt 20 năm chỉ có một ước muốn nhỏ nhoi là "chỉ mong trước khi chết sẽ thấy cầu...".
TTO - Đó là ước mơ bình dị của một bà cụ tuổi 80 sau 20 năm đằng đẵng ngóng đợi 1 cây cầu. Chuyện không phải ở đâu xa mà ngay tại TP.HCM, ở huyện Nhà Bè.
Xem thêm: mth.58241353271301202-tehc-ihk-court-uac-yaht-gnom-nad-ed-oas/nv.ertiout