Không phải cứ lớn và mạnh là thành đầu đàn
Tấn Đức
(KTSG) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai thực hiện đề án phát triển doanh nghệp nhà nước quy mô lớn, với mục tiêu biến các doanh nghiệp này thành “sếu đầu đàn” để mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng, chuỗi giá trị. Đã có bảy cái tên được đề xuất đưa vào đề án này và đây đều là những doanh nghiệp nhà nước lớn về quy mô và mạnh về thị phần.
Có thể nói, mục tiêu của đề án mới này cũng không khác chương trình phát triển tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước trong những năm trước đây là mấy. Trong đó, các vai trò như mở đường và dẫn dắt mà lúc trước gọi là trụ cột hay mũi nhọn luôn là những mục tiêu xuyên suốt, nhưng đến nay không thể nói là đã thành công.
Nền kinh tế nào cũng cần có những trụ cột, những doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu để mở đường cho nhiều doanh nghiệp khác cùng phát triển theo. Sau 27 năm kể từ khi bắt đầu thành lập các tổng công ty 91, sau đó là các tập đoàn kinh tế nhà nước, đến nay Việt Nam đã có được một số doanh nghiệp lớn, nhưng chưa thể nói đây là những đầu tàu thực thụ cho các doanh nghiệp khác.
Thực tế đó cho thấy, không phải cứ do doanh nghiệp lớn, mạnh là có “sếu đầu đàn”. Do vậy, để đề án nuôi dưỡng được những “sếu đầu đàn” đích thực, cần thiết phải có cách tiếp cận phù hợp khác, trước hết là cần xem xét lại tiêu chí chọn lựa. Có thể thấy, năm tiêu chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra vẫn thiên về chọn lựa theo quy mô cũng như sức mạnh của bản thân doanh nghiệp, trong khi yếu tố để đánh giá về vai trò dẫn dắt và mở đường thì chưa rõ.
Để làm vai trò của người mở đường, dẫn dắt, mở rộng chuỗi sản xuất hay chuỗi cung ứng thì yêu cầu tiên quyết là doanh nghiệp lớn không được tự làm hết mọi thứ từ A đến Z. Vì nếu tự làm hết thì doanh nghiệp lớn lúc đó dễ trở thành “cá mập” hơn là “sếu đầu đàn” và họ sẽ có khuynh hướng thâu tóm hoặc triệt tiêu các doanh nghiệp khác hơn là dẫn dắt và tạo ra cơ hội để cùng nhau phát triển.
Điều này đã từng xảy ra trong thực tế, khi có không ít tập đoàn và tổng công ty nhà nước đẻ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty con để khép kín chuỗi sản xuất và cung ứng. Xu hướng này cũng đang diễn ra ở không ít doanh nghiệp lớn hiện nay.
Vì vậy, để đạt mục tiêu nuôi dưỡng sếu đầu đàn, yếu tố quan trọng đầu tiên cần xem xét không phải ở quy mô, mà là mức độ lan tỏa mà doanh nghiệp có thể tạo ra. Cụ thể hơn là bao nhiêu ngành, bao nhiêu doanh nghiệp... sẽ có cơ hội phát triển từ sự lớn mạnh của doanh nghiệp đầu tàu này. Với tiêu chí này, có lẽ chọn nuôi dưỡng những doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản để họ trở thành đầu tàu cho hàng triệu hộ nông dân thì tốt hơn một số cái tên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, cho dù những doanh nghiệp này quy mô còn chưa đáng kể.
Thứ hai, không thể có sếu đầu đàn nếu trong đàn chỉ có một con sếu, dù là con sếu rất lớn và rất mạnh. Vì vậy, mọi chính sách cho chương trình này không phải chỉ dành cho riêng doanh nghiệp được chọn, mà phải áp dụng cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác để họ có đủ sức gia nhập đàn.
Sau cùng, dù là ai được chọn thì Nhà nước cũng không nên dùng những biệt đãi để nuôi dưỡng, để tránh tạo ra phân biệt đối xử và cạnh tranh không bình đẳng. Chính sách biệt đãi dễ làm cho doanh nghiệp ỷ lại, lớn mạnh không dựa vào năng lực thực của bản thân, nên thường chỉ tạo ra những doanh nghiệp to xác nhưng ốm yếu. Giải pháp tốt nhất vẫn là tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tự lớn, tự phát triển bằng chính năng lực của mình. Đồng thời, nhà nước cũng cần có cơ chế để doanh nghiệp được chọn phát triển thành sếu đầu đàn thực sự, chứ không phải biến thành những con cá mập.
Xem thêm: lmth.nad-uad-hnaht-al-hnam-av-nol-uc-iahp-gnohk/206413/nv.semitnogiaseht.www