vĐồng tin tức tài chính 365

Những thắc mắc về đề án phát triển DNNN quy mô lớn

2021-03-18 10:49

Những thắc mắc về đề án phát triển DNNN quy mô lớn

Phan Minh Ngọc

(KTSG) - Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cuộc họp về dự thảo đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu, nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Có bảy doanh nghiệp được đề xuất và từ đó phát sinh những vấn đề cần xem xét.

Chỉ một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển và logistics nằm trong đề án phát triển doanh nghiệp quy mô lớn. Ảnh: N.K

Theo đề xuất, sẽ có bảy doanh nghiệp như vậy, trong đó có ba doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), hai doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng (tập đoàn Điện lực - EVN và tập đoàn Dầu khí - PVN), một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Tiêu chí để lựa chọn là tổng tài sản sản trên 20.000 tỉ đồng, thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6, được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD... Các tiêu chí để xác định ngành, lĩnh vực để nghiên cứu thí điểm cơ chế, chính sách phù hợp là: có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước...

Công nghệ cao là thông tin, viễn thông?

Việc chọn tới ba doanh nghiệp thông tin viễn thông là Viettel, VNPT và MobiFone và gọi đó là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao có gì đó gượng ép và không ổn thỏa. Không lẽ công nghệ cao chỉ là thông tin viễn thông? Thắc mắc cách khác, không lẽ Việt Nam không còn doanh nghiệp nào, không nên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao nào ngoài thông tin viễn thông?

Dù có cho rằng ngành thông tin viễn thông liên quan đến công nghệ số, trí tuệ nhân tạo... thì rõ ràng công nghệ cao không chỉ giới hạn ở thông tin viễn thông, kể cả những công nghệ “lõi” của chúng. Hay tại Việt Nam chưa có DNNN nào có thị phần đủ lớn (trên 30%) trong các ngành công nghệ cao ngoài thông tin viễn thông nên không được đưa vào đề án?

Thị phần 30% hay thấp hơn cũng được?

Việc chọn tới ba doanh nghiệp thông tin viễn thông là Viettel, VNPT và MobiFone và gọi đó là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao có gì đó gượng ép và không ổn thỏa. Không lẽ công nghệ cao chỉ là thông tin viễn thông?

Nếu đúng là tuy có doanh nghiệp nào đó trong lĩnh vực công nghệ cao ngoài thông tin viễn thông nhưng không được chọn đưa vào trong đề án vì thị phần nhỏ hơn 30% thì tại sao từng doanh nghiệp đơn lẻ, có thị phần trong ngành chúng hoạt động chắc chắn nhỏ hơn 30% như Vietcombank và kể cả ba doanh nghiệp thông tin viễn thông trên lại được chọn?

Hay tiêu chí thị phần thực ra chỉ là có thì tốt mà không thì cũng không sao?

Một hay nhiều hơn thì tốt?

Trong ngành được xác định là công nghệ cao có tới ba doanh nghiệp được chọn. Còn trong ngành năng lượng có hai doanh nghiệp. Xét tiêu chí “có tính chất mở đường, dẫn dắt”, vốn bình thường được hiểu là vai trò của chỉ một đối tượng (người/doanh nghiệp), tại sao lại phải chọn hơn một doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực? Nhỡ doanh nghiệp này kéo tụt doanh nghiệp kia xuống để “ngoi” lên thì sao?

Nếu nói một doanh nghiệp thì sẽ không đủ năng lực để bao trọn cả ngành nên cần hơn một doanh nghiệp mới đủ sức làm vậy, thì tại sao trong các lĩnh vực khác, ít nhất như ngân hàng, lại chỉ có duy nhất một doanh nghiệp là Vietcombank được chọn, trong khi nếu xét về tiềm lực được đo lường qua vốn, thị phần, tăng trưởng... thì dù là lớn nhưng nó cũng chỉ chiếm một góc trong ngành, bên cạnh các ngân hàng có vốn nhà nước khác cũng thỏa mãn các tiêu chí như tổng tài sản lớn hơn 20.000 tỉ đồng và ROE trên 6...?

Hơn nữa, nếu nói phải có trên một doanh nghiệp trong cùng ngành để tăng cường sức cạnh tranh, vậy sao phải chọn và ưu tiên DNNN (lớn) mà không mở rộng cửa thị trường và khuyến khích cạnh tranh hơn nữa giữa các thành phần, theo định hướng phát triển của Nhà nước với các ưu đãi chính sách cho tất cả doanh nghiệp trong cùng ngành thuộc các thành phần kinh tế?

Đổi mới quản lý (vẫn) sẽ đảm bảo được định hướng?

Dự thảo đề xuất nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhà nước quản lý theo mục tiêu: giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp... Kiểm tra, giám sát theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.

Nếu DNNN được tự do cạnh tranh, tự do theo đuổi các mục tiêu trong sản xuất kinh doanh (không bị kiểm tra giám sát theo từng dự án cụ thể) thì điều gì làm cho (hoặc cần phải làm thế nào để) các DNNN được lựa chọn đưa vào đề án (vẫn) sẽ bám sát định hướng phát triển ngành của Nhà nước như ý định ban đầu trong dự thảo đề án mà không, thay vào đó, theo đuổi các dự án sản xuất kinh doanh tuy “lạc đề” nhưng cho lợi nhuận cao? Xin lưu ý rằng đề án đề xuất Nhà nước chỉ quản lý theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, tức là nói nôm na doanh nghiệp chỉ cần báo lãi cao là tốt, là được chấp nhận.

Nếu đánh đồng các dự án sản xuất kinh doanh theo định hướng của Nhà nước là những dự án sẽ có lợi nhuận cao thì lý do gì mà phải chọn ra những DNNN tốt nhất để “đi đầu” với cả “dẫn dắt”, nhất là phải dùng đến ưu đãi của Nhà nước? Bởi doanh nghiệp tư nhân nếu thấy có lợi nhuận cao thì sẽ nhảy vào làm mà chẳng cần đến ưu đãi cũng như sự vận động, kêu gọi của Nhà nước.

Có thực sự là hoạt động “bình đẳng”?

Như trên đã nêu, DNNN được lựa chọn trong đề án sẽ hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Nhưng đề án cũng “trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng...”.

Việc lựa chọn để trao quyền hoặc giao nhiệm vụ này, ví dụ trao cho doanh nghiệp X quyền/nhiệm vụ triển khai dịch vụ Y và, do đó, được sử dụng băng tần Z (mà không phải qua đấu giá...) tự thân nó đã chẳng phải là một sự thiên vị, phân biệt đối xử không chỉ với các doanh nghiệp phi nhà nước mà còn với chính DNNN khác hay sao? Thêm nữa, đề án còn đề xuất thành lập Quỹ phát triển công nghệ cho Viettel. Vậy hai DNNN cũng được giao vai trò “dẫn dắt” trong ngành công nghệ cao khác là MobiFone và VNPT thì sao lại không được hưởng điều này? 

Tóm lại, nếu trả lời một cách nghiêm túc những thắc mắc trên (trong số nhiều thắc mắc khác không được đưa ra trong bài viết này do hạn chế độ dài) thì sẽ thấy có vấn đề lớn về tiêu chí lựa chọn (ngành, doanh nghiệp), cách thức triển khai (chính sách ưu đãi, chính sách quản lý), và trên hết là mục đích tại sao lại phải chọn ra một số DNNN để “dẫn dắt”, “mở đường” trong các ngành mục tiêu đề ra. 

Xem thêm: lmth.nol-om-yuq-nnnd-neirt-tahp-na-ed-ev-cam-caht-gnuhn/106413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những thắc mắc về đề án phát triển DNNN quy mô lớn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools