Các nhà điều tra cho biết, vẫn còn quá sớm để kết luận hành vi tội ác này có bắt nguồn từ động cơ chủng tộc hay không. Trong khi đó, nghi phạm tuyên bố rằng y mắc các chứng bệnh nghiện tình dục, điều dẫn tới chuỗi vụ xả súng kinh hoàng trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà hoạt động cho rằng không phải ngẫu nhiên mà 6/8 nạn nhân là phụ nữ châu Á. Trong khi đó, những lời khai của nghi phạm lại bắt nguồn từ những định kiến quá đỗi quen thuộc với phụ nữ Mỹ gốc Á hay những phụ nữ châu Á tới Mỹ định cư.
Theo CNN, những định kiến về phụ nữ gốc Á không chỉ được lan truyền mà còn được cường điệu hóa. Chính việc thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tiếp tục khiến họ phải chịu sự phân biệt chủng tộc mạnh mẽ.
Từ nhiều thế kỷ trước, xuất hiện quan niệm sai lệch về phụ nữ châu Á. Thậm chí, nó còn được cường điệu đến mức trở thành các biện pháp pháp lý. Chính điều này lại tiếp tục tạo ra những định kiến tệ hại kéo dài. Một trong những ví dụ sớm nhất đến từ Đạo luật năm 1875.
Đạo luật này được ra đời vào năm 1875, vài năm trước khi Đạo luật Loại trừ Trung Quốc (Chinese Exclusion Act) ra đời. Đạo luật năm 1875 dường như được dùng để hạn chế mại dâm và lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, trên thực tế, nó được sử dụng một cách có hệ thống nhằm ngăn chặn phụ nữ Trung Quốc nhập cư vào Mỹ với lý do họ có thể là gái mại dâm.
Trong khi đó, Chủ nghĩa đế quốc của Mỹ đóng một vai trò quan trọng không kém trong việc nuôi dưỡng những định kiến sai lệch về phụ nữ gốc Á. Binh lính Mỹ, khi thực hiện các hoạt động quân sự ở châu Á, thường tìm tới gái mại dâm và bảo trợ cho ngành công nghiệp khuyến khích mại dâm phát triển. Điều đó càng làm tăng định kiến về phụ nữ gốc Á.
"Chính tất cả những điều này khiến cho bạo lực tìm được cách tự bào chữa hay thậm chí nhận được sự dung thứ bằng cách phớt lờ, tầm thường hóa rồi tới bình thường hóa nó", Rachel Kuo, học giả về chủng tộc và đồng lãnh đạo của Tập thể Nữ quyền người Mỹ gốc Á, cho biết.
Những định kiến sai lệch và tồi tệ về phụ nữ gốc Á khiến họ bị coi là "lao động rẻ tiền và dùng một lần". Chính điều này đã gây ra những tổn thương về mặt kinh tế cho những phụ nữ gốc Á. Các doanh nghiệp do người Mỹ gốc Á làm chủ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch. Họ là nạn nhân của cả tình trạng thất nghiệp và bài ngoại.
Đặc biệt, phụ nữ châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những lao động thất nghiệp dài hạn vào tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, rất nhiều phụ nữ gốc Á làm việc trong các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng và thẩm mỹ - những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch, khiến tình hình chung càng trở nên tệ hại hơn.
"Việc những phụ nữ châu Á bị sát hại ngày hôm qua khi họ đang làm những công việc dễ bị tổn thương với mức lương thấp trong giữa đại dịch Covid-19 đã nói lên tác động kép từ những định kiến và hành vi sai trái lên lưng những phụ nữ gốc Á", Phi Nguyen, một quan chức pháp lý tại Asian American Advance Justice – Atlanta, cho biết trong một tuyên bố.
Esther Kao, một người hoạt động bảo vệ quyền của những phụ nữ làm nghề mát xa, cho biết: "Những người lao động này không chỉ phải đối mặt với sự kỳ thị thường xuyên nhằm vào những người di cư mà con luôn phải sống trong thấp thỏm bị trục suất nếu họ đứng lên tố cáo các hành vi bạo lực hoặc tội ác nhằm vào họ".
Kao cũng nhấn mạnh rằng không phải tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ mát xa đều cung cấp dịch vụ tình dục đồng thời tin rằng nghi phạm trong chuỗi vụ xả súng ở Atlanta là hành động có liên quan đến chủng tộc và sự kỳ thị nhằm vào phụ nữ gốc Á.
Chuỗi vụ xả súng vừa qua làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực và hận thù nhằm vào người gốc Á kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên. Nó gợi nhắc tới thời kỳ khủng hoảng trong lịch sử khi người gốc Á bị coi là ngoại tộc và bị tấn công. Tuy nhiên, theo các nhóm theo dõi bạo lực và quấy rối người Mỹ gốc châu Á, phụ nữ chính là những người bị ảnh hưởng bất tương xứng.
Phụ nữ chiếm tới gần 70% các vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á. Trong khi đó, những bạo lực và thù hận nhằm vào phụ nữ gốc Á lại thường không được chú ý. "Chúng ta trở nên vô hình khi nói về tội ác chống lại người Mỹ gốc Á", bà Melissa Borja, trợ lý giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Châu Á/Thái Bình Dương tại Đại học Michigan, cho biết.
Theo bà Borja, đã đến lúc phải chú ý một cách đầy đủ và nghiêm túc về sự phân biệt chủng tộc mà phụ nữ gốc Á phải gánh chịu. Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng một cách tiếp cận có hệ thống, thừa nhận những đe dọa mà phụ nữ gốc Á phải đối mặt.
"Nếu phụ nữ gốc Á tiếp tục bị coi thường, kiểu bạo lực mà chúng ta từng thấy trong cuộc tấn công vừa qua có thể sẽ lại xảy ra không chỉ một mà có thể nhiều lần nữa", bà Borja khẳng định.