Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC mà đại diện Việt Nam vừa tham dự.
Ngân hàng Nhà nước chiều nay cho hay, đại diện cơ quan này vừa tham dự hội nghị trực tuyến Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC năm 2021, diễn ra trong 2 ngày 17-18.3.
Hội nghị gồm có đại diện lãnh đạo cơ quan tài chính và ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WBG), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Sau các thảo thuận, các tổ chức quốc tế cũng như các thành viên đều ghi nhận đang có những chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh tế và triển vọng tăng trưởng. Cụ thể IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng khu vực APEC năm 2021 và 2022 lần lượt lên mức 5,7% và 4,1%.
Tuy nhiên, tăng trưởng diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và giữa các khu vực của nền kinh tế và còn tồn tại nhiều bất ổn do hệ quả lâu dài của đại dịch COVID-19 gây ra với rủi ro chính đến từ việc xuất hiện nhiều biến chủng mới của COVID và những chậm trễ trong triển khai vaccine phòng dịch.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục có các gói kích thích hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng do việc triển khai các gói kích thích quy mô lớn trên diện rộng, cũng như chất lượng tín dụng do việc nới lỏng chính sách cho vay.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách cơ cấu hướng đến xây dựng nền kinh tế bền vững, tự cường và toàn diện; phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm gia tăng năng suất và năng lực cạnh tranh...
Về tương lai của chính sách tài khóa và khuôn khổ ngân sách, hội nghị tập trung thảo luận về việc áp dụng các gói hỗ trợ và tác động đến bền vững nợ công trong trung hạn.
Ước tính gần 14.000 tỉ USD đã được chi thông qua hỗ trợ tài khóa để hỗ trợ cho đại dịch và nợ công toàn cầu năm 2020, tăng lên gần 98% GDP từ mức 84% trong năm 2019.
Dự kiến trong năm 2021 nhiều quốc gia sẽ rút dần các gói hỗ trợ và có thể khiến thâm hụt ngân sách giảm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn việc duy trì kích thích tài khóa là cần thiết nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, vực dậy niềm tin của doanh nghiệp và đầu tư, tạo việc làm.
Trong trung hạn, hội nghị nhấn mạnh cần có các khuôn khổ tài khóa thận trọng nhằm cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ trong ngắn hạn cho các đối tượng dễ bị tổn thương và bền vững tài khóa.
Xem thêm: odl.315098-91-divoc-ohp-gnu-ed-aohk-iat-hciht-hcik-irt-yud-nac-tahn-gnoht-cepa/et-hnik/nv.gnodoal