vĐồng tin tức tài chính 365

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth - 'đại sứ quán' Anh ở AĐD-TBD

2021-03-18 19:49
Trong bài trước có tiêu đề "Vì sao Anh hướng đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?", chúng tôi đã giới thiệu về sự chuyển trọng tâm của Anh đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD). 

Trong bài này, chúng tôi sẽ phân tích về sự hiện diện của tàu sân bay Anh tại khu vực AĐD-TBD, cũng như những thách thức mà Anh có thể sẽ đối mặt tại khu vực. 

Tờ The Guardian ngày 16-3 đăng bài viết của ông Patrick Wintour - biên tập viên mảng đối ngoại của tờ báo này - làm rõ những chi tiết trên.

Sứ mệnh đầu tiên của tàu sân bay Anh đến AĐD-TBD

Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là “hiện thân của nước Anh toàn cầu hiện đại”, được xem như một "đại sứ quán nổi", một phép chiếu quyền lực giúp bảo vệ các tuyến đường thương mại rộng mở. 

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth - 'đại sứ quán' Anh ở AĐD-TBD - ảnh 1
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai tới khu vực AĐD-TBD. Ảnh: LPHOT KYLE HELLER/MOD/PA

Khi được hỏi tại sao sứ mệnh đầu tiên của Anh là đến AĐD-TBD, Đô đốc Tony Radakin - tham mưu trưởng Hải quân Hoàng gia Anh - nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này đối với tương lai của Anh. 

“AĐD-TBD là trung tâm đáng kinh ngạc và đây là nơi mà Anh đang tìm cách có tiếng nói lớn hơn. Nơi nào hải quân đến, nơi đó có thương mại và nơi nào có thương mại, nơi đó có hải quân” - ông Radakin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Radakin không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc và thậm chí còn nói rằng các bộ trưởng vẫn chưa quyết định liệu lực lượng tàu chiến, gồm hai tàu khu trục Type 45, một tàu ngầm Astute và hai tàu Type 43, sẽ đi vào vùng biển quốc tế ở Biển Đông hay không. 

Theo tác giả bài viết, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.

Hồi tháng 2-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson lúc đó tuyên bố tàu sân bay HMS Elizabeth sẽ đi đến Biển Đông và sẵn sàng sử dụng lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải tự do và rộng mở.

Phản ứng trước động thái trên, Trung Quốc đã rút lại lời mời Thủ tướng Phillip Hammond đến thăm Bắc Kinh để đàm phán thương mại.

Đô đốc Radakin phản đối ý kiến rằng Anh đang đối đầu một cách bất thường. 

“Điều bất thường là khi thế giới bắt đầu tranh luận về việc liệu các quốc gia không còn có thể tiếp cận các vùng biển lớn hơn nhằm thực thi các hoạt động hàng hải hợp pháp của họ” - ông Radakin nhấn mạnh.

Ảnh hướng đến AĐD-TBD, Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?

The Guardian dẫn lời ông Tom Sharpe - cựu chỉ huy hải quân và cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh - dự đoán rằng: “Tôi đảm bảo rằng họ sẽ điều một phi đội bay qua nhóm tàu chiến của Anh nhằm kiểm tra phản ứng của Anh. Bắc Kinh sau đó sẽ triển khai các tàu chiến và cảnh báo qua bộ đàm”.

"Họ sẽ triển khai tàu ngầm ra khu vực, có lẽ sẽ có một chiếc đang đợi chúng tôi ở phía đông Suez như một bất ngờ thú vị" - ông Sharpe cảnh báo.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth - 'đại sứ quán' Anh ở AĐD-TBD - ảnh 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: BRUGESGROUP

Tờ China Daily cho biết khi "đóng vai" là người bảo vệ các tuyến hàng hải tự do, Anh hy vọng có thể "kích động các nước trung lập trong khu vực đứng về phía phương Tây chống lại Trung Quốc, trong khi thực tế các nước này không muốn bị ép buộc chọn phe trong một cuộc đấu tranh quyền lực lớn".

Theo The Guardian, Bắc Kinh cũng không hài lòng về việc Thủ tướng Johnson muốn biến nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) thành một liên minh gồm 10 nền dân chủ, với khả năng sẽ bổ sung thêm Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc. 

Trung Quốc cũng coi đó là một mối đe dọa cho bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Anh có thể tham gia vào nhóm Bộ tứ (QUAD) của Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc.

Tờ báo dẫn lời GS Rory Medcalf - Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia, ĐH Quốc gia Úc - nhận định: “Sự hiện diện của Anh sẽ được hoan nghênh tại khu vực, nhưng Trung Quốc có thể sẽ đánh đồng sự hiện diện của Anh và Pháp tại khu vực là động thái quay lại lối ngoại giao pháo hạm thuộc địa”.

“Vì vậy, việc rất quan trọng đối với Anh là phải tiến hành mọi thứ đi đôi với quan hệ đối tác với các nước trong khu vực. Đối với Anh, AĐD-TBD phải là tấm nền để hợp tác với nhiều đối tác hơn” - ông Medcalf gợi ý, nhấn mạnh rằng Anh nên đặt sự hợp tác kinh tế và hiện diện quân sự trên cùng một cán cân.

Thật vậy, giải thưởng lớn trong chiến lược AĐD-TBD của Anh chính là việc tiếp cận mở rộng thị trường và trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được coi là một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, tác giả Wintour nhận định.

Trước đó, Anh ngày 1-2 đã chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP (hiện gồm 11 nước, trong đó có Việt Nam), để mở ra những con đường mới cho thương mại hậu Brexit.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss nói quyết định này sẽ đặt nước Anh vào "trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới".

Xem thêm: lmth.951379-dbtdda-o-hna-nauq-us-iad-htebazile-neeuq-smh-yab-nas-uat/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth - 'đại sứ quán' Anh ở AĐD-TBD”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools