Ngày 18-3, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố dự thảo quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2021. Nhìn chung, công tác tuyển sinh năm nay cơ bản được giữ nguyên như năm 2020. Một số điều chỉnh dự kiến chỉ mang tính kỹ thuật theo hướng tạo điều kiện hơn cho thí sinh (TS) và được nhiều người ủng hộ.
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ năm 2021 tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Ảnh: TS
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đến ba lần
Theo dự thảo, một trong những điểm mới đáng chú ý nhất là ở xét tuyển đợt một, TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH chỉ được chọn một trong hai phương thức là đăng ký bằng phiếu đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến theo quy định của Sở GD&ĐT. Sau khi có kết quả thi, TS được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ba lần trong thời gian quy định bằng phương thức trực tuyến.
TS được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt một, các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. TS trúng tuyển nguyện vọng trên thì không xét những nguyện vọng sau nữa.
Dự thảo cũng quy định sau khi trúng tuyển TS phải xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc. Mỗi TS chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng dấu. Khi xác nhận nhập học, TS sẽ không có quyền đăng ký xét tuyển bất kỳ nguyện vọng ở phương thức xét tuyển nào nữa.
Theo dự thảo quy chế, TS xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách: Chỉ gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi (đối với TS tham dự kỳ thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, TS đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.
Thí sinh được đảm bảo quyền lợi hơn
Nhìn chung, những điều chỉnh trong dự thảo tuyển sinh năm nay nhận được sự đồng tình của phụ huynh, TS và các chuyên gia, cán bộ quản lý của các trường ĐH.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2021 không có nhiều thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, điểm mới nhất là năm nay, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, TS được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ba lần (năm trước chỉ một lần thôi) trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến. Điều này đã làm cho TS bớt đi những sai sót khi đăng ký xét tuyển, TS có thể đậu vào trường mình mong muốn.
Cũng chung quan điểm này, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho rằng những điểm mới được điều chỉnh trong dự thảo tuyển sinh năm nay đều cần thiết và tích cực, theo hướng có lợi cho TS.
Như việc được điều chỉnh nguyện vọng ba lần theo hình thức trực tuyến sẽ thể hiện sự tăng cường công nghệ thông tin hơn. TS sẽ được cân nhắc lựa chọn nguyện vọng kỹ lưỡng hơn, hạn chế tối đa những sai sót đáng tiếc khi chỉ được điều chỉnh một lần như năm trước.
Tuy nhiên, ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM), lại lo lắng việc chỉ được điều chỉnh trực tuyến này sẽ gây thiệt thòi và khó khăn cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa không có đủ cơ sở vật chất, điều kiện Internet. Vì như những năm trước, TS được điều chỉnh một lần nhưng bằng cả hai cách thức là trực tuyến hoặc bằng phiếu.
Một điểm mới khác trong dự thảo này là ở khoản 1 của Điều 20 nêu: “Hội đồng tuyển sinh của cơ sở đào tạo gửi giấy thông báo TS trúng tuyển nhập học khi TS đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của quy chế này và quy định của cơ sở đào tạo trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với TS khi nhập học…”.
Theo ThS Phùng Quán, điều này là cần thiết và sẽ tạo nên sự công bằng trong tuyển sinh, không còn việc các trường ĐH giữ học sinh trước bằng việc trúng tuyển có điều kiện, rồi bắt học sinh đóng tiền giữ chỗ... tạo ra môi trường tuyển sinh không lành mạnh.
Đây cũng là điểm điều chỉnh mà Tiến sĩ Trần Đình Lý rất ủng hộ. Theo Tiến sĩ Lý, quy định này nhằm giúp công tác tuyển sinh của các trường rõ ràng và minh bạch hơn, thống nhất và xuyên suốt hơn, cả với trường công lẫn ngoài công lập. Việc này sẽ tránh được những lập lờ ở một số đơn vị gây bất công cho TS, dù có thể họ làm không sai.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Bộ GD&ĐT không nên cứng nhắc về vấn đề này.
“Vì hiện nay các trường ĐH đã được tự chủ trong tuyển sinh với nhiều phương thức tuyển khác nhau thì hãy để các trường xét tuyển sao cho phù hợp, một số trường xét sớm theo tiêu chí riêng thì việc TS trúng tuyển sớm là bình thường. Nên chăng chỉ cần quy định chặt chẽ về điều kiện nhập học thôi như phải tốt nghiệp THPT…” - Tiến sĩ Nhân bày tỏ.
Hạn chế “chạy” suất trúng tuyển theo đặt hàng Một điểm mới nữa theo quy chế dự thảo năm nay là ở khoản 2 của Điều 15 được sửa đổi, bổ sung là điểm trúng tuyển theo yêu cầu đặt hàng không thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo. Trường hợp ưu tiên xét theo đề nghị của UBND tỉnh thì UBND cấp tỉnh đặt hàng để đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; đối tượng TS là người có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, “học ba năm cấp THPT tại địa phương”; cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thì điểm trúng tuyển có thể thấp hơn nhưng không thấp hơn quá 1 (một) điểm so với điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và “không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định của chương trình/ngành tuyển sinh”. Theo ThS Thái Sơn, điều kiện này chặt chẽ hơn vì phải học ba năm ở địa phương và điểm thì không được thấp hơn điểm sàn thì mới được vào ngành y, dược và nhóm ngành sư phạm. Đề phòng trường hợp đặc biệt có hai năm học ở địa phương cũng được thì nhiều người sẽ “chạy” để vào diện này. |