Biến một căn phòng trọ thuê hơn 20 m2 trở thành nơi có nhiều cây, nhiều sách và tiếng cười, nhóm của Bình đặt cho căn phòng cái tên “Nhà nhiều lá”.
Quý Bình và tình nguyện viên viên trong dự án “Nhà nhiều lá”.
Ảnh: NGUYỆT NHI
Lan tỏa thông điệp yêu môi trường
Ngày chúng tôi ghé thăm “Nhà nhiều lá”, Bình chỉ có đúng hai chiếc áo, chiếc mặc trên người, chiếc còn lại đã giặt phơi. “Mình sống gần như tối giản nên từ khi vào Sài Gòn không sắm sửa gì thêm” - Bình vừa cười vừa kể với lý do đầy dí dỏm nhưng cũng rất thực tế: Tối giản để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, ít lựa chọn hơn và bớt thải rác ra môi trường.
Thật vậy, trong căn phòng trọ nằm trên tầng ba thuộc hẻm 419, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP.HCM, những vật dụng, “nội thất” bên trong “nhà” được Bình và các bạn cộng tác viên xin từ đồ cũ của bạn bè, người quen. Trong hai tháng nay, mỗi ngày có 4-5 cộng tác viên phụ Bình trang trí tủ sách, vẽ tường, sắp xếp và vận chuyển đồ đạc... Bình cho biết để tìm được một nơi như thế này, nhóm của Bình đã mất rất nhiều thời gian vì Bình thuê không chỉ để “trú thân” mà cái chính là để nhiều người có thể đến đây chia sẻ những câu chuyện, việc làm dễ thương, hữu ích.
Phía trước ban công của “nhà” được các bạn trẻ tận dụng để ươm và trồng cây, số cây này sẽ được dùng trong chương trình đổi rác lấy quà hoặc bán cây gây quỹ. Tiền kiếm được nhóm của Bình dùng để trả tiền thuê nhà, các hoạt động liên quan đến tủ sách như mua sách, kinh phí vận chuyển, sắm sửa trong “nhà”.
Tâm huyết với dự án của Bình, sau hơn hai tháng hoạt động, “Nhà nhiều lá” thu hút được nhiều cộng tác viên nòng cốt. Bạn Trương Kim Hoàng Giang cũng là sinh viên mới ra trường, hằng tuần ngoài thời gian đi làm, Giang dành cho “Nhà nhiều lá”. “Mình xem nơi đây như nhà của mình. Dù chỉ mới làm cộng tác viên được hơn ba tuần nhưng mình thấy nó rất giống với kiểu con người mình, phóng khoáng, yêu cây, yêu môi trường. Hằng ngày, những bạn cộng tác viên như mình sẽ chia ca ra để làm việc, ca sáng thì quét dọn, tưới cây; ca chiều thì sắp xếp tủ sách, gấp túi giấy để đựng cây thay cho túi nylon” - Giang chia sẻ.
Mỗi ngày, từ 9 giờ đến 12 giờ và từ 14 giờ đến 16 giờ, “Nhà của lá” liên tục người ra kẻ vào nhưng vẫn rất trật tự với những quy tắc ngầm mà nhiều người có thể tự nhận ra, đó là sự thanh lịch của những con người rất trẻ, nghiêm túc với cuộc sống, với môi trường. |
Khuyến khích văn hóa đọc, làm gia sư 0 đồng
“Nhà nhiều lá” không phải là dự án đầu tiên của Bình mà ngay khi còn là sinh viên năm nhất, Bình đã cùng bạn bè thực hiện dự án “Green Life” tại Hà Nội - một dự án phi lợi nhuận hướng đến việc sống xanh được thành lập vào tháng 12-2018, nhằm xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn, xây dựng cộng đồng sống xanh, sống thân thiện với môi trường.
Khác với “Green Life”, “Nhà nhiều lá” không chỉ tập trung vào mảng môi trường mà còn có mảng văn hóa đọc và giáo dục. Về văn hóa đọc, mọi người đến đây có thể đọc hoặc mượn những quyển sách mà mình mong muốn, không cần đặt cọc tiền hay giấy tờ mà chỉ đặt cọc bằng niềm tin. Còn về giáo dục, “Nhà nhiều lá” theo mô hình “Gia sư 0 đồng”, dạy học cho các em ở làng trẻ SOS (quận Gò Vấp) các môn ngoại ngữ và văn hóa vào mỗi buổi tối hằng tuần.
“Leng keng, leng keng”, chiếc chuông của nhà rung lên, làm ngắt quãng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Bình. “Chuông là sáng kiến độc đáo của Bình. Phần chuông gắn với sợi dây thừng thả xuống cổng. Khách đến chỉ cần giật dây thì người bên trên đã nghe thấy và tụi mình phi với tốc độ ánh sáng xuống đón các bạn lên, không ồn ào lại tiết kiệm nhiều thứ” - Giang kể trong lúc Bình xin phép xuống nhà đón khách.
“Chúng mình sẽ chào đón các bạn hằng ngày. Khi đến với “nhà”, các bạn có thể kết nối với nhiều bạn trẻ khác, hoặc đọc sách hay đơn giản là chữa lành những vết thương trong tâm hồn mình” - Bình chia sẻ.
Sau khi cánh cửa của “nhà” khép lại, hơn 16 giờ 30, người ta lại thấy một chàng trai đạp xe hơn 10 cây số để đến làng trẻ SOS dạy học cho các em nhỏ. Chặng đường Bình đi tuy chậm rãi nhưng cũng là dịp để Bình rèn luyện sức khỏe, độ bền của chính mình. Và mỗi ngày trôi qua lại có thêm một người tìm đến “Nhà nhiều lá” đọc thêm một trang sách, bớt dùng một chiếc túi nylon.