Trước tình hình giá phân bón tăng mạnh trong 3 tháng qua, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất ngừng xuất khẩu phân bón trong cuộc họp với lãnh đạo 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP, MAP vừa diễn ra tại Hà Nội. Phóng viên của VTV Digital đã có bài phỏng vấn với ông Hoàng Trung để làm rõ vấn đề trên.
PV: Thưa ông, xuất phát từ thực tế như thế nào mà Cục Bảo vệ thực vật đưa ra xuất việc ngừng xuất khẩu phân bón DAP, MAP tại thời điểm này?
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xuất phát từ tình hình giá một số loại phân bón như urê, DAP, kali có biến động tăng từ cuối năm 2020, đầu năm 2021 đến nay. Ngày 26/02/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam có văn bản gửi Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phản ánh, từ tháng 12/2020 do giá thế giới tăng, cùng với giá dầu và chi phí vận chuyển tăng cao kéo theo giá phân bón DAP thị trường trong nước cũng tăng theo, đồng thời khan hiếm và có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do nhu cầu phân bón loại này tăng cao trong vụ Xuân – Hè sắp tới, đề xuất áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP.
Trước thông tin và nhiều ý kiến khác nhau về tình hình nêu trên, ngày 13/3/2021, Cục BVTV đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và lãnh đạo 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP, MAP trong nước là: Công ty TNHH MTV DAP Vinachem, Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem, Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang – Lào Cai nhằm đánh giá và tìm giải pháp tháo gỡ.
Cuộc họp đã bàn, đánh giá và thống nhất nhận định một số nội dung sau:
+ Về biến động giá, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung DAP
Giá DAP biến động tăng cả thị trường quốc tế và trong nước, giá DAP trong nước tăng nhưng biên độ tăng thấp hơn so với DAP nhập khẩu, cụ thể giá phân DAP nhập khẩu tăng 21-49% tùy loại, giá DAP trong nước tăng khoảng 10,4%.
Giá DAP tăng chủ yếu do tác động của giá nguyên liệu đầu vào chính như lưu huỳnh, amoniac (NH3) và chi phí vận chuyển tăng, không ngoại trừ quốc gia có hoặc không áp dụng thuế tự vệ đối với DAP và MAP như Việt Nam.
Tình trạng tăng giá đột biến, cục bộ tại một số vùng sản xuất nông nghiệp không loại trừ nguyên nhân do đầu cơ tạo khan hiếm cục bộ chờ giá lên như thông tin phản ánh của một số doanh nghiệp.
+ Về nhu cầu sử dụng
Nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay khoảng 10,5 triệu tấn/năm. Sản lượng từ các nhà máy sản xuất trong nước cung ứng 7,5 triệu tấn, riêng DAP và MAP là 0,4 triệu tấn.
Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 589.915 tấn DAP và xuất khẩu 133.168 tấn phân bón loại này. Dự báo nhu cầu sử dụng DAP trong nước năm 2021 ở mức dưới 1 triệu tấn.
+ Về năng lực sản xuất trong nước
Hiện cả nước có 3 nhà máy được cấp phép sản xuất DAP với tổng công suất 710.000 tấn/năm. Thời gian tới, nhà máy sản xuất DAP với công suất 50.000 tấn/năm của Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Lào Cai đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất sản xuất DAP cả nước lên 760.000/năm. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang Lào Cai đã được cấp phép sản xuất 20.000 tấn MAP, hiện đang hoạt động tối đa công suất. Như vậy, tổng công suất 03 nhà máy sản xuất DAP, MAP trong nước được cấp phép hoạt động hiện tại là 730.000 tấn, thời gian tới là 780.000 tấn.
Hiện tại các nhà máy sản xuất DAP, MAP của chúng ta đang tối đa hóa sản xuất, 02 nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai có thể cung ứng 520.000-580.00 tấn/năm, nhà máy Đức Giang Lào Cai đang sản xuất đạt sản lượng 100.000 tấn/năm, trong thời gian tới do đã tạm dừng toàn bộ mọi đơn hàng sản xuất axit để dành nguyên liệu sản xuất DAP, MAP phục vụ thị trường nội địa nên có thể nâng công suất lên 150.000 tấn/năm. Như vậy, sản xuất trong nước có thể đáp ứng đến 70% nhu cầu phân bón DAP phục vụ sản xuất nông nghiệp nước ta.
+ Về xuất nhập khẩu
Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam nhập khẩu DAP trung bình 687.568 tấn/năm và xuất khẩu trung bình 116.026 tấn/năm. Hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu DAP với khối lượng 110.490 tấn trị giá 25.942.256 USD, tăng hơn 2,8 lần về khối lượng và gần 1,8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2 tháng đầu năm 2020. Đồng thời, chúng ta cũng xuất khẩu được 44.130 tấn DAP với trị giá 15.019.147 USD.
Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất DAP, MAP của Việt Nam đang dành đến 40% sản lượng để xuất khẩu.
Trên cơ sở đánh giá biến động tăng giá, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, nhu cầu sử dụng, năng lực sản xuất trong nước, tình hình xuất nhập khẩu, Cục BVTV đã đề xuất các doanh nghiệp tiếp tục tăng tối đa công xuất sản xuất, đồng thời tạm ngừng, hoãn thị phần 40% dành cho xuất khẩu đang áp dụng trước nay để tăng nguồn cung trong nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đảm bảo giá bán hợp lý nhất. Đề xuất này được các doanh nghiệp đồng thuận thống nhất cao.
PV: Theo ông khi biện pháp trên được áp dụng, thị trường phân bón có bình ổn được hay không?
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đây là những giải pháp trước mắt có thể thực hiện ngay bây giờ, cho dù giá giá DAP phụ thuộc yếu tố khách quan của thị trường thế giới.
Tuy nhiên, cân đối tổng thể về nhu cầu sử dụng không tăng, sản xuất trong nước tăng 1,5 lần, nhập khẩu tăng 2,8 lần mà vẫn còn hiện tượng mất ổn định về giá, thiếu hụt cục bộ, qua đó cho thấy đâu đó còn có việc đầu cơ tạo khan hiếm cục bộ chờ giá lên. Từ đó, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các doanh nghiệp cần thông tin minh bạch về tình hình sản xuất, giá bán để các lực lượng chức năng có cơ sở ngăn chặn việc đầu cơ, tích trữ, găm hàng, đẩy giá bán lên cao.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp hướng dẫn người dân sử dụng phân bón thay thế, nhất là khuyến khích sản xuất và dụng phân bón hữu cơ nhằm khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (Phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt, …), sử dụng cân đối, hợp lý phân bón vô cơ – hữu cơ, tiến đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai quyết liệt và hiệu quả giữa các cơ quan, lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các vi phạm.
Với những giải pháp như đã nêu, chúng tôi hy vọng và tin tưởng thị trường phân bón DAP có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới và dần ổn định.
PV: Việc đề xuất tạm ngừng xuất khẩu phân bón DAP, MAP có làm khó cho các doanh nghiệp trong nước?
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong bối cảnh giá phân bón DAP trong nước tăng mạnh do yếu tố khách quan thời gian gần đây, việc 3 doanh nghiệp sản xuất DAP, MAP trong nước cam kết sẽ tăng công suất và năng lực sản xuất lên tối đa, giảm, hoãn tiến độ xuất khẩu để ưu tiên tối đa sản phẩm sản xuất ra phục vụ thị trường trong nước là hoàn toàn đồng thuận, tự nguyện và rất trách nhiệm. Cục BVTV đánh giá rất cao về tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích người nông dân và lợi ích doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện chúng ta đang áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân DAP và MAP nhập khẩu với mức thuế giai đoạn hiện nay là 1.029.219 đồng/tấn, như vậy doanh nghiệp sản xuất DAP, MAP trong nước đang được hưởng lợi thế từ chính sách của nhà nước bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngược lại thực tế cho thấy chính các doanh nghiệp này cũng đang giúp điều tiết, ổn định thị trường mặt hàng DAP, MAP trong nước.
Hơn nữa, việc giãn, hoãn các hợp đồng thị trường xuất khẩu đối với các doanh nghiệp mà nói là hoàn toàn chủ động và linh hoạt, có chăng chỉ điều tiết ưu tiên phân phối thị trường trong nước từ 60% hiện nay lên tối đa trong thời gian trước mắt. Về lâu dài, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động điều tiết trở lại khi thị trường trong nước ổn định đảm bảo lợi ích và theo nhu cầu của thị trường.
Chính vì vậy, việc tác động trong việc cam kết tạm ngừng, hoãn thị phần 40% dành cho xuất khẩu đang áp dụng trước nay để tăng nguồn cung trong nước là không lớn, nếu có cũng hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát và chủ động của doanh nghiệp.
PV: Vì sao Cục Bảo vệ thực vật ủng hộ việc tiếp tục duy trì thuế tự vệ đối với phân bón?
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trước hết, việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu trên cơ sở yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước và quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật có liên quan.
Việc áp dụng thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần một mặt tạo môi trường công bằng cho sản xuất trong nước phát triển nhưng cùng với đó cũng hướng tới việc duy trì môi trường cạnh tranh để mang tới lợi ích cho người sử dụng phân bón. Với một nước nông nghiệp như nước ta, việc tránh phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu là một vấn đề quan trọng. Thực tế cho thấy, với ngành công nghiệp vật tư đầu vào quan trọng như phân bón, khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Từ đó, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada… đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các ngành sản xuất này.
Thời gian qua, do các yếu tố bên ngoài như đã phân tích ở trên, không chỉ giá DAP nhập khẩu tăng mà giá một số mặt hàng phân bón nhập khẩu khác, dù không bị áp thuế tự vệ, cũng tăng rất mạnh. Trong bối cảnh đó, giá DAP sản xuất trong nước không tăng mạnh như giá DAP nhập khẩu cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón DAP.
Không chỉ Việt Nam mà bất kỳ nước nào trên thế giới cũng vậy, khi một mặt hàng trong nước tự sản xuất được, đều phải có chính sách bảo vệ hợp lý để duy trì được sự chủ động, ổn định và thực tế hiện nay cho thấy DAP trong nước đang giúp điều tiết giá cả mặt hàng DAP nhập khẩu.
Vì vậy, quan điểm của Cục Bảo vệ thực vật cho rằng cần tiếp tục duy trì áp thuế tự vệ đối với DAP và MAP nhằm bảo đảm hài hòa giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu, chủ động nguồn cung bảo đảm vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm áp lực về giá cho nông dân, đồng thời đóng góp ngân sách nhà nước. Đây là cơ hội để nâng cao năng suất, chất lượng mặt hàng DAP trong nước. Không có lý do gì mà chúng ta đầu tư nhà máy từ thuế của dân để sản xuất phục vụ người dân giờ lại không có chính sách phù hợp để nhà máy hoạt động hiệu quả.
Không chỉ DAP mà tới đây nhiều mặt hàng khác cũng cần phải xem xét để có chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy sản xuất trong nước. Một đất nước nông nghiệp lớn như Việt Nam không thể để phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp nhập khẩu.
PV: Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.60444191301202-pam-pad-nob-nahp-uahk-taux-gnugn-mat-taux-ed-vtvb-cuc/et-hnik/nv.vtv