Sáng 19/3, tỉnh Quảng Ninh tổ chức "Hội nghị công bố Chỉ số và đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương – DDCI Quảng Ninh 2020)", đây là sự kiện được Quảng Ninh tổ chức thường niên với mục đích "đo" năng lực quản lý, điều hành của cấp cơ sở thông qua ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.
Thông qua Bộ tiêu chí DDCI, đã có khoảng hơn 2 nghìn doanh nghiệp tham gia, đánh giá về năng lực quản lý điều hành của 13 huyện, thị, thành phố và 21 sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, điểm trung vị của khối chính quyền địa phương đạt 63,85 điểm (năm 2019 là 63,12 điểm), tuy nhiên khoảng cách giữa địa phương chênh lệnh nhau khá lớn, nếu như thành phố Cẩm Phả (đứng đầu) đạt 72,10 điểm thì huyện Vân Đồn xếp cuối chỉ đạt 24,22 điểm.
Tương tự như vậy, tại khối Sở, Ban, ngành điểm số của đơn vị dẫn đầu là Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh ở mức 83,83 điểm, cao hơn tới 47,53 điểm so với đơn vị đứng cuối là Cảnh Sát phòng cháy chữa cháy (36,33 điểm).
Theo ông Đào Duy Hảo, Chủ tịch Hội doanh nghiệp thành phố Cảm Phả, việc đánh giá thứ hạng của các địa phương, đơn vị là hoàn toàn khách quan, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp ở mỗi nơi cần có các nhìn toàn diện hơn. Tại từng địa phương, đơn vị đều có những đặc thù khác nhau nhưng điều quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp tại đó đang phát triển như thế nào, đóng góp vào ngân sách, vào xã hội ra sao mới là mấu chốt.
Được biết, trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 10,05%, quy mô nền kinh tế đạt 211.476 tỷ đồng, địa phương này là điểm sáng trong toàn quốc về việc hoàn thành tốt "mục tiêu kép" vừa đảm bảo chống dịch Covid -19 vừa phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, thành công trên có được là từ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó việc không ngừng cải thiện chất lượng thực thi chính sách là yếu tố tiên quyết tạo niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng và phát triển Quảng Ninh.
Trong những năm qua, địa phương này đã thu hút được hàng trăm nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, công nghiệp… Đặc biệt, Quảng Ninh đã triển khai thành công, hiệu quả các mô hình, phương thức hợp tác kinh tế, từ hợp tác công tư, đến hợp tác tư - tư,…
Theo các chuyện gia, trên thực tế, trong các chính sách, các văn bản đôi lúc còn chồng chéo, xung đột hoặc chưa rõ ràng, nếu như chần chừ, chờ đợi, thụ động có thể sẽ mất đi cơ hội. Do vậy bên cạnh việc tuân thủ qui định chính sách thì rất cần sự sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành tại các cấp cơ sở, địa phương, về lĩnh vực này, Quảng Ninh đã và đang làm rất năng động và hiệu quả.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Sự linh hoạt, sáng tạo trong thực thi chính sách của Quảng Ninh đã rút ngắn được khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, đây chính là cách xúc tiến, thu hút đầu tư hiệu quả nhất cần được lan rộng trên toàn quốc.
Xem thêm: mth.23981855191301202-neit-cuht-av-nab-nav-auig-hcac-gnaohk-nagn-tur-teyuq-hnin-gnauq/nv.ymonocenv