Việc giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian vừa qua - theo giá xăng dầu thế giới, trong khi, sức chi của quỹ bình ổn giá bắt đầu có dấu hiệu "đuối", nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất không nên duy trì quỹ bình ổn xăng dầu, nên để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng.
Không nên duy trì quỹ bình ổn
Kể từ tháng 12.2020 đến nay đã có 7 phiên điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó chỉ một phiên duy nhất giá xăng dầu không tăng vào ngày 10.2 do cận Tết Nguyên đán, Nhà nước chủ trương giữ giá, song đổi lại phải mạnh tay chi quỹ bình ổn xăng dầu.
Tuy nhiên, ngay sau đó, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng ở kỳ điều hành giá tiếp theo, dù đã chi thêm quỹ bình ổn nhưng giá xăng dầu trong nước cũng tăng mạnh.
Ví dụ, trong những lần điều chỉnh gần đây, xăng E5RON92 được bù 2.000 đồng/lít, xăng RON95-III chi mạnh quỹ lên tới 1.150 đồng/lít, các loại xăng dầu khác cũng bù 400-500 đồng/lít. Đỉnh điểm nhất là dầu có mức chi "kỷ lục" lên tới 800 - 900 đồng/lít để giữ giá 12.000 - 13.000 đồng/lít (kg).
Việc chi mạnh quỹ bình ổn xăng dầu khiến Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phải thốt lên “việc điều hành xăng dầu trong thời điểm này rất nhạy cảm”.
Việc giá xăng dầu tăng mạnh theo giá xăng dầu thế giới, trong khi, sức chi của quỹ bình ổn giá bắt đầu có dấu hiệu "đuối", nhiều người cho rằng - không nên duy trì quỹ bình ổn xăng dầu, nên để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng.
Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho biết, theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của vấn đề là chính người dân đang phải ứng tiền túi trước cho quỹ.
"Xuất phát từ góc độ của người tiêu dùng, người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó bù lại cho người tiêu dùng thì hỏi rằng có lợi ở đâu.
Quỹ bình ổn xăng dầu dương có nghĩa là đã thu trước tiền của dân. Nhưng lúc nào quỹ âm (tiền của doanh nghiệp) thì họ kêu trời kêu đất. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường, không có xăng dầu để bán", thương nhân này nói.
Còn ở góc độ doanh nghiệp đầu mối - họ "thích" duy trì quỹ bình ổn vì có lợi cho họ, còn với những thương nhân mua lại để bán thì cơ hội kinh doanh bị triệt tiêu.
"Những đơn vị mua lại như chúng tôi không thể phán đoán được doanh nghiệp đầu mối sẽ sử dụng quỹ như thế nào, doanh nghiệp trung gian không dám mua. Ví dụ hôm nay, chúng tôi mua vào, nhưng ngày mai doanh nghiệp đầu mối lại sử dụng quỹ thì chúng tôi chết", thương nhân này cho hay.
Bỏ quỹ bình ổn thì thị trường xăng dầu điều tiết theo cơ chế nào?
Song, thương nhân này cũng thừa nhận doanh nghiệp mua lại như ông cũng được hưởng lợi một phần nhỏ từ doanh nghiệp phân phối - đối với Quỹ bình ổn xăng dầu.
"Bởi, khi xăng dầu tăng hay giảm giá, phải sử dụng quỹ bình ổn thì doanh nghiệp đầu mối phải chi cho chúng tôi, để chúng tôi tiêu thụ, còn họ thì được dịp bán tháo hàng", thương nhân này nói và cho biết: "Tuy nhiên, để kinh doanh minh bạch thì ông đề xuất nên bỏ quỹ bình ổn".
"Nếu bỏ quỹ bình ổn thì thị trường xăng dầu điều tiết theo cơ chế nào?", thương nhân này cho biết, điều tiết theo cơ chế thị trường. Và, để tránh xảy ra những hệ luỵ, nhà nước nên có quy định doanh nghiệp đầu mối không được lãi độc quyền quá 10%.
"Nếu doanh nghiệp đầu mối lãi độc quyền quá 10% một vòng quay thì Nhà nước tuýt còi, cứ lãi 10% trở lên là độc quyền rồi. Quản lý nhà nước cứ thế là ổn nhất", người này cho hay.
Quỹ bình ổn xăng dầu còn bao nhiêu?
Ngày 19.2, Bộ Tài chính công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) quý IV/2020.
Theo đó, số dư Quỹ BOG đến hết quý IV năm 2020 (đến hết ngày 31.12.2020) là 9.234,614 tỉ đồng. Vào thời điểm hết quý III/2020, con số dư của Quỹ BOG là 10.049,261 tỉ đồng.
Trong quá trình điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương liên tiếp xả Quỹ BOG để hạn chế mức tăng giá xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao (mức từ 250 đồng - 1.350 đồng/lít/kg cho các mặt hàng xăng dầu).
Xem thêm: odl.258098-ioud-gnad-uad-gnax-no-hnib-yuq-peit-neil-gnat-uad-gnax/et-hnik/nv.gnodoal