Greensill Capital phá sản: Vỏ bọc Fintech của mô hình gây vỡ nợ như thời 2007
Hồ Quốc Tuấn (*)
(KTSG) - Khi Fintech chỉ là vỏ bọc của một mô hình đặt cược rủi ro cao như thời 2007.
Giới đầu tư quốc tế trong tuần qua rất quan tâm đến vụ việc Greensill Capital vỡ nợ. Nguyên nhân đầu tiên là do hệ quả của nó khiến cho Ngân hàng Credit Suisse và một số ngân hàng đầu tư khác đã đóng băng các quỹ đầu tư tài trợ chuỗi cung ứng của mình. Điều gì đang xảy ra?
Mô hình Greensill Capital là gì?
Hiểu một cách đơn giản, mô hình tài trợ chuỗi cung ứng là trả tiền trước với một mức chiết khấu nhất định cho nhà cung ứng ngay sau khi họ giao hàng cho khách hàng. Trong mối quan hệ thông thường, khi một nhà cung ứng giao hàng cho khách hàng, họ sẽ phải đợi 1-2 tháng, thậm chí hơn nữa mới nhận được tiền thanh toán. Nếu nhà cung ứng muốn nhận được tiền sớm hơn, họ sẽ chấp nhận tham gia vào nghiệp vụ chiết khấu hối phiếu hay hóa đơn với ngân hàng, nghĩa là ngân hàng trả tiền trước cho họ, với một khoản chiết khấu. Về bản chất, có thể xem là ngân hàng cho phía khách hàng của nhà cung ứng vay trước để thanh toán ngay lập tức và ăn chênh lệch khoản chiết khấu.
Cái hình ảnh lung linh và rất phải đạo chính trị của một công ty dân chủ hóa ngành tài chính đã biến mất, và còn lại là một công ty đặt cược cao, rủi ro lớn mà thôi. |
Mô hình này vốn dĩ rủi ro thấp, và ngắn hạn. Về cơ bản, Greensill thực hiện nhiều khoản cho vay tài trợ chuỗi cung ứng có rủi ro thấp, ngắn hạn nhưng lợi nhuận thấp, rồi “trộn” trong đó những khoản cho vay nhiều rủi ro, có lợi nhuận cao. Những nhà đầu tư vào các quỹ đầu tư tài trợ chuỗi cung ứng của Credit Suisse vẫn cứ nghĩ mình đang đầu tư vào một sản phẩm tài chính an toàn, nhưng kiếm được lợi nhuận cao hơn nhờ tiền của mình được đầu tư vào một nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) thế hệ mới, sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ để quản lý các khoản vay cho hiệu quả, nên tạo ra lợi nhuận đầu tư cao hơn.
Greensill tạo ra một vỏ bọc Fintech để làm cho hoạt động mà giới tài chính khá quen thuộc trở nên huyền ảo hơn và khiến nhà đầu tư tin vào khả năng sinh lời vượt trội của nó. Về cơ bản, giống như những chứng khoán dựa trên các khoản cho vay mua nhà (mortgage backed securities), các quỹ đầu tư tài trợ chuỗi cung ứng liên quan đến Greensill Capital thực tế là một công cụ tài chính phức tạp mà người tham gia không hiểu hết mức độ rủi ro của các khoản vay do Greensill Capital phát hành.
Người ta càng tin khi mà Greensill Capital được quỹ đầu tư Softbank đầu tư vào dưới dạng đầu tư một công ty khởi nghiệp công nghệ. Ở thời điểm mà Greensill Capital nhận được mấy trăm triệu đô la Mỹ tiền từ Softbank, có nhà báo đã đặt câu hỏi trên Twitter là rút cuộc đây là một công ty tài chính hay là một công ty khởi nghiệp. Chưa hết, nhiều khoản cho vay của Greensill được bảo hiểm bởi các công ty bảo hiểm hoặc bảo đảm lên đến 80% bởi chính phủ Anh hoặc Đức. Quá an toàn! Cho đến khi các bên bảo hiểm và bảo đảm này “phủi tay” vì nhận ra Greensill tập trung cho vay vào một vài khách hàng quá lớn.
Vậy cuối cùng thì mô hình Greensill Capital là gì mà lúc đầu thu hút nhiều sự hỗ trợ như vậy?
Nhà sáng lập Greensill Capital là Lex Greensill, một cựu nhân viên ngân hàng. Cho là cách làm tài trợ chuỗi cung ứng của các ngân hàng như JP Morgan, Morgan Stanley hay Citibank quá lỗi thời và “ăn” phí quá cao của khách, Greensill khởi nghiệp với tầm nhìn là “dân chủ hóa vốn tài trợ với dữ liệu lớn” (democratising capital with big data). Lex Greensill xác định tầm nhìn của công ty là mang các công cụ tài chính hỗ trợ cho các công ty lớn đa quốc gia đến với các công ty vừa và nhỏ và với chi phí rất thấp.
Một tầm nhìn tuyệt vời, cho nên nhiều chính trị gia, quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty bảo hiểm đều tham gia hỗ trợ cho tầm nhìn này, như thể họ sợ trễ một chuyến tàu đến với một vùng đất hứa mới với các công cụ tài chính công nghệ có tính cách mạng.
Câu chuyện Greensill Capital năm nay và vụ bê bối Wirecard năm ngoái là một lời cảnh báo cho nhiều nhà đầu tư đang say sưa với những khái niệm “trí tuệ nhân tạo”, “dữ liệu lớn”. |
Đến khi công ty gần phá sản thì các công ty bảo hiểm và chính phủ cùng đồng loạt rút lui, vì phát hiện ra những khách hàng chính của Greensill cũng chỉ tập trung vào một vài công ty lớn như Vodafone và những công ty con trong tập đoàn của ông trùm ngành thép Sanjeev Gupta ở Anh. Cái hình ảnh lung linh và rất phải đạo chính trị của một công ty dân chủ hóa ngành tài chính đã biến mất, và còn lại là một công ty đặt cược cao, rủi ro lớn mà thôi.
Có thể nói Greensill đã dần biến mình trở thành một định chế huy động vốn rồi đem cho rất nhiều công ty liên quan đến Sanjeev Gupta vay, một dạng “sân sau” của các định chế tài chính mà giới kinh doanh ở Việt Nam hay bàn. Điểm “hay” của mô hình này là vì Greensill định vị các khoản vay của mình là tài trợ chuỗi cung ứng ngắn hạn, trong các tính toán nợ dài hạn sẽ không tính các khoản vay ngắn hạn này, vì vậy giúp cho tập đoàn của Sanjeev Gupta có thể vay nợ nhiều hơn mức giới hạn do một số ngân hàng đặt ra khi cho họ vay, cũng như tránh bị hạ bậc tín nhiệm bởi một số công ty đánh giá xếp hạng tín nhiệm.
Cái khẩu hiệu phục vụ công ty vừa và nhỏ, dân chủ hóa các sản phẩm tài chính chỉ giành cho công ty lớn, hay “ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào tài chính” dường như chỉ là một lớp vỏ bọc hoàn hảo cho một mô hình làm ăn cũ, nhiều rủi ro là huy động vốn rồi tập trung cho một vài công ty lớn, nhiều rủi ro vay.
Ai cũng dễ thấy mô hình vay nợ rồi cho vay rủi ro cao thì không an toàn, nhưng sau một vài chiêu phù phép “FinTech”, không ai còn cảm thấy nó rủi ro nữa cả. Có thể, ban đầu Greensill cũng thật muốn dân chủ hóa sản phẩm tài chính, nhưng làm rồi mới thấy nếu chỉ tập trung giúp đỡ khách hàng nhỏ làm tài trợ chuỗi cung ứng thì không kiếm được tiền để tồn tại, cho nên lại phải quay sang tập trung vào một số khách hàng lớn nhiều rủi ro như Sanjeev Gupta.
Cũng giống như thời kỳ 2007, nếu như bảo nhà đầu tư cho người không có công ăn việc làm ổn định vay mua nhà mà chỉ đặt cọc 5% hay ít hơn, họ sẽ không làm. Nhưng thông qua những sản phẩm trái phiếu phát hành dựa trên các khoản vay mua nhà (MBS) thì họ sẽ đồng ý đầu tư, trong khi về bản chất thì chúng là gần như giống nhau!
Lần này, thì bức màn khói lung linh ở giữa còn có đến hai lớp. Lớp thứ nhất chính là các quỹ đầu tư tài chính chuỗi cung ứng (cũng có vai trò tương tự các nhà phát hành MBS vào năm 2007), và màn khói thứ hai là khái niệm Fintech và lời kêu gọi dân chủ hóa các dịch vụ tài chính, không dựa vào các ngân hàng ăn lời cắt cổ, chỉ phục vụ các công ty lớn nữa.
Câu chuyện càng thú vị hơn khi người ta phát hiện ra cái công ty FinTech ấy có rất ít yếu tố “tech” mà nó quảng cáo.
Khi Fintech có rất ít “tech”
Khi Greensill Capital đi vào phá sản, họ phải kiếm cách bán bớt tài sản. Apollo Global Management có quan tâm mua lại các chuỗi hỗ trợ thanh toán với Vodafone, một khách hàng lớn của Greensill có hoạt động kinh doanh vững chắc so với tập đoàn thép của Sanjeev Gupta. Apollo cũng đồng thời tìm hiểu mua lại mảng hoạt động mà Greensill quảng bá là dùng công nghệ cao để truy vết các hóa đơn và đảm bảo giảm thiểu rủi ro.
Rồi thì Apollo phát hiện rằng hóa ra nền tảng của Greensill cũng không có “thông minh” cho lắm, và dựa phần lớn vào những công nghệ của các công ty khác để truy vết hóa đơn, và những công nghệ này đã tồn tại từ lâu, chả có yếu tố gì là “trí tuệ nhân tạo” (artificial intelligence) hay “máy học” (machine learning), theo tờ Financial Times. Điều buồn cười hơn nữa là Financial Times cho biết Taulia, công ty cung cấp nền tảng công nghệ phục vụ hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng chính cho các khách hàng của Greensill đang dự tính kết nối các khách hàng này sang một nhà cung ứng vốn mới thay cho Greensill, đó chính là... JP Morgan.
Hóa ra là sau một vài năm Greensill chê các ngân hàng cổ lỗ sỉ kiểu Morgan Stanley, JP Morgan, và Citibank, và hứa hẹn với khách hàng một viễn cảnh tươi đẹp mà Fintech mang lại, các khách hàng lại đang quay về với mấy ngân hàng cổ lỗ sỉ đó.
Câu chuyện Greensill Capital năm nay và vụ bê bối Wirecard năm ngoái là một lời cảnh báo cho nhiều nhà đầu tư đang say sưa với những khái niệm “trí tuệ nhân tạo”, “dữ liệu lớn”. Những công ty được gọi là FinTech này đưa ra một tầm nhìn hứa hẹn là làm cho hoạt động thanh toán, cho vay trở nên rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn với nhiều người dùng. Nhưng khi đổ bể ra thì mới thấy thật ra bên trong cũng không có công nghệ gì đáng kể cả, cũng là hoạt động theo kiểu truyền thống với một vỏ bọc mới, hay tệ hơn trong trường hợp của Wirecard là hoàn toàn lừa đảo chứ không có công nghệ gì. Ít ra Greensill còn có hoạt động làm ăn, chỉ là đặt cược rủi ro quá mà thôi.
Theo một báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm MMC vào năm 2019 ở London, 40% các công ty khởi nghiệp ở châu Âu khoe mình dùng ứng dụng trí tuệ nhân tạo thật ra lại chẳng có dùng trí tuệ nhân tạo vào trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình bao nhiêu cả. n
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh