Tờ Mainichi ngày 20-3 đưa tin cuộc họp giữa các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại bang Alaska đã kết thúc mà không cho thấy đột phá lớn trong mối quan hệ căng thẳng song phương.
Mỹ và Trung Quốc ngày 19-3 đã kết thúc cuộc họp cấp cao kéo dài hai ngày tại TP Anchorage, bang Alaska với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì.
"Mang tính xây dựng" nhưng còn nhiều "khác biệt"
Trao đổi với các phóng viên, ông Blinken cho biết ông đã đạt được các mục tiêu ban đầu trong cuộc họp, đó là chuyển tải "những mối quan tâm" của Mỹ và các đồng minh về các hành động và hành vi của Trung Quốc, đồng thời đưa ra các chính sách và ưu tiên của Washington.
Ông Dương Khiết Trì gọi đối thoại Mỹ - Trung là 'thẳng thắn, xây dựng, có lợi'. Ảnh: AP
"Chúng tôi chắc chắn biết và lường trước rằng có một số lĩnh vực mà chúng tôi về cơ bản là có mâu thuẫn, bao gồm các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương cũng như sự áp bức tại Hong Kong và sự quyết đoán đối với Đài Loan” - ông Blinken nói.
Tuy nhiên, ông Blinken lưu ý rằng hai nước đã có "một cuộc đối thoại rất thẳng thắn" trong nhiều giờ, đồng thời lợi ích của hai nước cũng đã "giao nhau" trong các vấn đề như Triều Tiên và biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, ông Dương Khiết Trì hôm 19-3 đã gọi cuộc đối thoại cấp cao với Mỹ tại bang Alaska là “thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi”.
“Nhưng tất nhiên, vẫn có những khác biệt” - đài CGTN, trực thuộc đài truyền hình trung ương Trung Quốc, dẫn lời ông Dương lưu ý.
Ông Dương cho rằng “hai nước nên tuân theo chính sách 'không xung đột' để hướng con đường của hai bên theo một quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai".
Trong khi đó, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc đã nhấn mạnh với phía Mỹ rằng “chủ quyền là vấn đề nguyên tắc và không nên đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”.
Sự rạn nứt sâu sắt trong quan hệ Mỹ - Trung
Theo Mainichi, các cuộc trao đổi giữa hai nước đã “nóng” ngay từ đầu khi ông Blinken nói rõ rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không ngại việc nêu ra những vấn đề hóc búa như tình hình nhân quyền ở khu vực Tân Cương và Đài Loan.
Ông Dương nhanh chóng “phản pháo” lại, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc Mỹ can thiệp vào "công việc nội bộ" đồng thời yêu cầu Washington ngừng thúc ép nền dân chủ "kiểu Mỹ ở phần còn lại của thế giới”.
Hai bên tiếp tục công kích lẫn nhau trong khoảng một giờ, nội dung cuộc họp vẫn công khai với truyền thông, cho thấy sự rạn nứt sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính quyền ông Biden coi Trung Quốc là "phép thử địa chính trị lớn nhất" trong thế kỷ này, chỉ ra rằng gã khổng lồ châu Á có khả năng đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống quốc tế cởi mở mà Mỹ đang bảo vệ.
Tuy nhiên, Mỹ cũng phát đi tín hiệu cho thấy sự sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực mà lợi ích nước này có liên quan, chẳng hạn vấn đề biến đổi khí hậu.
Về phần mình, Trung Quốc đã kỳ vọng sẽ đưa mối quan hệ song phương trở lại những gì họ coi là "đúng hướng" sau bốn năm sóng gió dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn dẫn đến cuộc chiến thương mại gay gắt và đối đầu leo thang trên nhiều mặt trận.
Trao đổi với các phóng viên, ông Sullivan cho hay ông đã đoán trước được "các cuộc đàm phán trực tiếp và khó khăn về nhiều vấn đề" ở bang Alaska và "đó chính xác là những gì Mỹ đã có".
"Chúng tôi đã bắt đầu và kết thúc cuộc họp với sự sáng suốt và chúng tôi sẽ quay về Washington để đánh giá lại tình hình. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến của các đồng minh và đối tác trên con đường phía trước và tất nhiên trên cả những vấn đề từ Iran đến Afghanistan thông qua các kênh ngoại giao" - ông Sullivan nói.