Từ trái qua: giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 của Mỹ, Ấn Độ và Israel - Ảnh: The Wire
Tuy nhiên, hiệu quả của sáng kiến này còn bỏ ngỏ, vì mỗi nước có mỗi kiểu... "hộ chiếu vắc xin".
EU khác Thái Lan, Trung Quốc
Ngày 17-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố các đề xuất cho "hộ chiếu vắc xin" của Liên minh châu Âu (EU).
"Hộ chiếu vắc xin" của EU sẽ cho phép công dân thuộc các nước thành viên di chuyển tự do trong khối mà không cần phải cách ly. Quy định này khác biệt ở một số nước khác như Thái Lan và Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirankul cho biết kể từ tháng 4, thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách nước ngoài nhập cảnh đã được tiêm vắc xin giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày.
Những người chưa tiêm vắc xin nhưng có giấy chứng nhận không mắc COVID-19 thì cách ly trong 10 ngày. Các du khách đến từ châu Phi vẫn phải cách ly trong 14 ngày vì lo ngại các biến thể mới của virus corona.
Khi Thái Lan hoàn thành tiêm chủng 70% nhân viên y tế và nhóm người có nguy cơ cao, họ sẽ nới lỏng quy định cách ly, thậm chí loại bỏ hoàn toàn việc cách ly bắt buộc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với báo South China Morning Post (SCMP) rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập các thỏa thuận đi lại trên cơ sở "đáp ứng nhu cầu của đôi bên", nhưng về việc giảm thời gian cách ly hoặc miễn cách ly thì cần phải xem xét thêm.
Ngày 16-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lên tiếng kêu gọi các nước thận trọng khi tiếp cận "hộ chiếu vắc xin". Vì còn đó nhiều câu hỏi về thời gian tác dụng của vắc xin, tính hiệu quả của từng loại vắc xin hay tính hiệu quả của vắc xin đối với các biến thể mới của virus.
“Hộ chiếu vắc xin” kỹ thuật số của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Còn nhiều nút thắt
Theo tờ SCMP, Bắc Kinh kỳ vọng sẽ thuyết phục các quốc gia khác chấp nhận hệ thống "hộ chiếu vắc xin" do họ cấp. Đại sứ Israel tại Trung Quốc Ben Abba cho rằng để làm được như vậy, hai nước phải minh bạch về dữ liệu để hiểu rõ vắc xin của nhau cũng như tác dụng của vắc xin.
Bản thân Israel đã thống nhất với Hi Lạp, Cyprus và Seychelles để công nhận "hộ chiếu vắc xin" vì cả ba nước đều cùng dùng một loại vắc xin do Pfizer-BioNTech phát triển.
Một nhà ngoại giao châu Âu không nêu tên nói với tờ SCMP rằng dù một loại vắc xin đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp thì nó vẫn chưa chắc được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) công nhận. Tờ SCMP cũng dẫn nguồn tin riêng cho biết Trung Quốc và Mỹ đã đàm phán để công nhận vắc xin của nhau nhưng vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến triển nào.
Theo tờ Wall Street Journal, có rất ít quốc gia phương Tây chấp thuận sử dụng vắc xin của Trung Quốc do lo ngại về tính hiệu quả và an toàn. Bản thân Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ và EMA luôn nhất quán trong việc không công nhận các loại vắc xin chưa được chính họ xem xét.
Sự thiếu thống nhất về "hộ chiếu vắc xin" còn đến từ quan điểm chống dịch. Một số quốc gia bao gồm Trung Quốc theo đuổi mô hình ngăn chặn triệt để các ca lây nhiễm, trong khi nhiều quốc gia phương Tây muốn giảm thiểu rủi ro lây nhiễm để đổi lấy việc hạn chế các tác động tiêu cực lên kinh tế, xã hội.
Việc triển khai đồng bộ "hộ chiếu vắc xin" cũng vướng phải nhiều phản đối dựa trên lo ngại gây ra sự chia rẽ xã hội giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vắc xin, nhất là khi việc tiêm vắc xin không phải là bắt buộc. Ngoài ra, còn có vấn đề về thời gian hiệu lực của vắc xin và hiệu quả của chúng trước các biến thể của virus corona.
Scott Rosenstein, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho rằng các cuộc thảo luận về tiêu chuẩn của "hộ chiếu vắc xin" có thể chỉ diễn ra ở nửa sau năm nay cho đến năm sau.
"Hộ chiếu vắc xin" của EU có gì?
Tên chính thức của "hộ chiếu vắc xin" ở EU là "thẻ xanh kỹ thuật số", được cấp miễn phí dưới cả 2 dạng giấy và kỹ thuật số. Thẻ có nội dung song ngữ, bao gồm ngôn ngữ của quốc gia thành viên EU và tiếng Anh, cùng với mã QR để thuận tiện sử dụng.
Theo Euronews, "hộ chiếu vắc xin" của EU bao gồm 3 thành phần: giấy chứng nhận tiêm chủng, trong đó nêu rõ loại vắc xin đã tiêm, nơi tiêm và số mũi tiêm; giấy xét nghiệm âm tính với virus corona; giấy chứng nhận dành cho người đã khỏi COVID-19 trong 180 ngày qua.
"Hộ chiếu vắc xin" của EU được bảo vệ bằng chữ ký số để chống giả mạo. EU hiện đang phát triển phần mềm xác minh để đảm bảo trải nghiệm liền mạch giữa tất cả các quốc gia thành viên EU và cả những đối tác ngoài EU như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
TTO - Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu công tác chuẩn bị giải pháp kỹ thuật, chính sách thực hiện "visa vắc xin" (hộ chiếu vắc xin) với tinh thần "thực hiện mục tiêu kép nhưng bảo đảm an toàn là trên hết".
Xem thêm: mth.11810348002301202-ueik-iom-coun-iom-nix-cav-ueihc-oh/nv.ertiout