Các quan chức Mỹ và Trung Quốc ngày 19/3 kết thúc cuộc đàm phán cấp cao ở Alaska mà không thu được kết quả cụ thể nào. Cuộc gặp "cứng rắn và thẳng thắn" - theo miêu tả của Washington - cho thấy rõ mức độ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở ngay đầu nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Joe Biden.
Kéo dài hai ngày, đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Washington và Bắc Kinh kể từ khi ông Biden lên cầm quyền. Vào ngày 18/3, cuộc gặp khởi động bằng những lời chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào chính sách của nhau trước dàn ống kính của giới truyền thông. Cá phiên thảo luận diễn ra sau đó cho thấy Washington có một lập trường cứng rắn, còn Bắc Kinh thì không ngừng cảnh báo rằng Mỹ nên từ bỏ ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ.
"Trước cuộc gặp, chúng tôi đã kỳ vọng có những cuộc trao đổi cứng rắn và thẳng thắn trong một loạt vấn đề. Và đó chính xác là những gì mà chúng tôi đã có được", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các nhà báo sau khi phái đoàn Trung Quốc rời khỏi phòng họp.
Các quan chức Trung Quốc rời đi mà không trao đổi với báo giới, nhưng ông Dương Khiết Trì - nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc - sau đó có nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng cuộc đàm phán diễn ra mang tính xây dựng và mang lại lợi ích. Dù vậy, ông Dương khẳng định "dĩ nhiên vẫn còn những khác biệt" giữa hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ Antoy Blinken nói ông không ngạc nhiên khi Mỹ nhận được "sự phản hồi mang tính phòng thủ" từ Trung Quốc sau khi phía Mỹ nêu lo ngại về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, các vụ tấn công mạng và sức ép đối với Đài Loan.
Ông Blinken cũng nói hai bên có lợi ích chồng lấn trong các vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu, và rằng Mỹ đã hoàn thành tất cả những gì cần phải làm trong cuộc đàm phán này.
"Về kinh tế, thương mại và công nghệ, chúng tôi nói với phía Trung Quốc rằng chúng tôi đang xem xét những vấn đề này bằng sự tham vấn chặt chẽ với Quốc hội, đồng minh và đối tác, và chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề theo những phương thức hoàn toàn bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của người lao động và doanh nghiệp Mỹ", ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người cũng tham dự đàm phán, nói với kênh truyền hình Trung Quốc CGTN rằng phái đoàn Trung Quốc đã nói với phía Mỹ chủ quyền của Trung Quốc là một vấn đề nguyên tắc và Mỹ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Phát biểu mở đầu cuộc đàm phán hôm thứ Năm, ông Blinken chỉ trích mạnh Trung Quốc bằng cách cho rằng nước này thách thức trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc. Ông Dương đáp trả bằng phát biểu công kích nền dân chủ Mỹ cũng như chính sách ngoại giao và thương mại của Mỹ.
Ngoài ra, phía Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc dùng "nghệ thuật sân khấu" để lấy lòng công chúng trong nước. Hai bên cũng ngầm tố đối phương phá vỡ các quy tắc ngoại giao.
Tất cả cuộc đấu khẩu này phơi bày trước sự chứng kiến của báo giới, nhưng một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các nhà báo rằng sau khi giới truyền thông rời khỏi phòng đàm phán, hai bên "ngay lập tức quay lại công việc", tiến hành các cuộc thảo luận một cách thực chất và thẳng thắn.
Cho tới thời điểm hiện tại, phần lớn các chính sách về Trung Quốc của ông Biden vẫn còn đang trong quá trình hình thành, bao gồm hướng đi đối với thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden đã đặt một trọng tâm mạnh mẽ hơn vào vấn đề giá trị dân chủ và các các buộc nhân quyền nhằm vào Trung Quốc.
"Tôi rất tự hào về ngài Ngoại trưởng", ông Biden nói với các nhà báo tại Nhà Trắng vào sáng ngày thứ Sáu khi được hỏi về cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Trung.
Trong những tuần gần đây, các nhân vật cấp cao nhất của Đảng Cộng hòa đã thể hiện sự ủng hộ dành cho ông Biden, một người Dân chủ, trong việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh để tạo một mặt trận thống nhất đối đầu với Trung Quốc. Đây là một sự dịch chuyển khỏi chiến lược hành động đơn độc "nước Mỹ trên hết" mà ông Trump theo đuổi.
"Tôi có nhiều bất đồng về chính sách với chính quyền ông Biden, nhưng mỗi người Mỹ nên đoàn kết để đương đầu với Trung Quốc", thượng nghị sỹ Cộng hòa Ben Sasse nói trong một tuyên bố.
Trong lúc chính quyền mới hai tháng tuổi của ông Biden còn đang rà soát chính sách về Trung Quốc, ông Dương và ông Vương đã là những nhà ngoại giao kỳ cựu có kinh nghiệm dày dạn về quan hệ Mỹ-Trung ở cấp cao nhất trong Chính phủ Trung Quốc. Họ cũng vừ trải qua 4 năm đương đầu với chính quyền ông Trump và chính sách đối ngoại chưa từng có tiền lệ của ông.
Truyền thông xã hội Trung Quốc có nhiều bình luận cho rằng các quan chức nước này đã làm tốt công việc trong cuộc đàmphán ở Alaska, đồng thời cho rằng phía Mỹ thiếu chân thành.
"Tôi có cảm giác là chính quyền ông Biden đang thử để xem có thể đạt kết quả thực sự từ những cuộc đối thoại như thế này với Trung Quốc hay không", nhà nghiên cứu Zack Cooper thuộc American Enterprise Institute nhận định.
Xem thêm: mth.87781513102301202-auq-tek-gnohk-cuht-tek-gnurt-ym-oac-pac-nahp-mad/nv.ymonocenv