Singapore, được mệnh danh là "Monaco phương Đông", đang trở thành một sân chơi "nóng bỏng" tại châu Á của giới siêu giàu. Với mức thuế thấp và cơ chế chính sách thông thoáng, các quỹ đầu tư và tài sản nước ngoài đổ vào nước này ngày một nhiều, kể cả trong đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giới giàu ngày một đổ xô tới Singapore, tháo chạy khỏi Hồng Kông - nơi có tình hình tài chính bất ổn.
Theo Nikkei Asia, giới siêu giàu đến với Singapore được chào đón nồng nghiệt. Cùng với sự vào cuộc của các tổ chức tài chính, chính phủ nước này mới đây cũng ban hành chính sách mới để tạo điều kiện cho hoạt động của các quỹ đầu tư.
Gần đây, Zhang Hanzhi, con trai của tỷ phú lẩu Trung Quốc Zhang Yong - người sáng lập chuỗi nhà hàng Haidilao - cũng đầu tư vào Singapore. Zhang giành được quyền mua một khu đất trên Gallop Orchard, một trong những khu vực đắt đỏ nhất tại Singapore, gần với quận mua sắm Orchard Road và Vườn Bách thảo.
Theo tờ Straits Times, khu đất có diện tích 2.000 m2, dự kiến sẽ được mua với giá 42 triệu Đôla Singapore (31 triệu USD). Trước đó, vào năm 2016, Zhang cũng đã mua một khu đất liền kề đó với giá 27 triệu Đôla Singapore.
Hồi tháng 2, Bloomberg đưa tin cho biết người đồng sáng lập Google, Sergey Brin, đã mở chi nhánh của quỹ đầu tư và quản lý tài sản gia đình ông tại Singapore. Brin hiện sở hữu khối tài sản khoảng 91 tỷ USD.
HƯỞNG LỢI TỪ SỰ TRỖI DẬY CỦA GIỚI SIÊU GIÀU
Singapore cũng đang được hưởng lợi từ sự gia tăng đáng kể của giới giàu tại châu Á. Một khảo sát của công ty Pháp Cap Gemini cho thấy, năm 2019, châu Á có khoảng 6,5 triệu cá nhân sở hữu tài sản có thể đầu tư trên 1 triệu USD. Để so sánh, con số này tại Bắc Mỹ và châu Âu lần lượt là 6,3 triệu và 5,2 triệu người. Số triệu phú USD tại châu Á chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng trên toàn cầu.
Năm 2019, tổng giá trị tài sản tại châu Á là 22.200 tỷ USD, cao hơn con số 21.700 tỷ USD của Bắc Mỹ và 16.700 tỷ USD của châu Âu.
Số lượng triệu phú siêu giàu trên thế giới qua các năm - Nguồn: Cap Gemini/Nikkei Asia
Giữa đại dịch Covid-19, dòng tiền chảy vào Singapore càng mạnh. Theo số liệu chính thức, tổng giá trị tiền gửi của người nước ngoài tại các tổ chức tài chính của Singapore tăng 20% trong một năm kể từ tháng 1/2020, đạt 64,2 tỷ Đôla Singapore vào tháng 1 năm nay.
Đáng chú ý, giá trị tiền gửi tăng hơn 40% trong khoảng thời gian tháng 4-5/2020, ngay trước khi đạo luật an ninh Hồng Kông có hiệu lực. Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy sức hấp dẫn của Singpore như một "thiên đường tránh bão".
"Các nhà đầu tư tại Hồng Kông với tài sản tài chính trên 20 triệu USD đã phân tán tài sản sang nhiều nước khác nhau, trong đó có Singapore", một chuyên viên ngân hàng đã làm việc tại Singapore gần 20 năm cho biết. "Với tương lai bất ổn ở Hồng Kông, những người có tài sản từ 5-20 triệu USD cũng đã bắt đầu chuyển tài sản sang Singapore".
Theo một báo cáo công bố ngày 1/3 của hãng tư vấn bất động sản Anh Knight Frank, số lượng cư dân sở hữu tổng giá trị tài sản trên 30 triệu USD tại Singapore đạt 3.732 người trong năm 2020, tăng 20,2% so với năm trước.
Singapore là một trong những nơi có số lượng cá nhân siêu giàu - sở hữu tài sản trên 1 tỷ USD - cao nhất thế giới, dù quốc đảo này chỉ có dân số 5,7 triệu người.
Knight Frank dự báo số lượng người siêu giàu châu Á (tài sản trên 30 triệu USD) sẽ tăng lên khoảng 162.000 vào năm 2025, tăng 39% so với năm 2020. Số lượng người siêu giàu tại Trung Quốc đại lục được dự báo sẽ tăng 46% lên 103.000 vào năm 2025. Trong khi đó, con số này tại Ấn Độ và Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - lần lượt tăng 63% và 67% lên 11.200 và 1.120 người.
SỰ CHỦ ĐỘNG CỦA GIỚI TÀI CHÍNH
Với số lượng người giàu "khủng" như vậy, các tổ chức tài chính tại Singapore đẩy mạnh tập trung nguồn lực vào mảng ngân hàng cá nhân. Tháng 9/2020, công ty tài chính Nhật Bản Nomura Holdings đã chiêu mộ Ravi Raju, người từng điều hành mảng ngân hàng cá nhân của UBS tại châu Á - Thái Bình Dương. Raju, hiện sống tại Singapore, chịu trách nhiệm huy động thêm vốn từ các khách hàng giàu có, đồng thời điều hành hoạt động ngân hàng cá nhân quốc tế của Nomura.
Nomura cũng có kế hoạch tuyển dụng tăng số lượng nhân viên kinh doanh tại Singapore và Hồng Kông lên 100 vào cuối tháng 3/2023 từ mức 60 người hiện tại. Công ty Nhật cũng đặt mục tiêu tăng tài sản quản lý thêm 250% lên 35 tỷ USD vào cuối tháng 3/2025.
Trong khi nhiều người giàu tại châu Âu và Mỹ được thừa hưởng tài sản, người giàu châu Á có xu hướng trở thành doanh nhân và kiếm được khối tài sản khổng lồ chỉ trong một thế hệ. Những doanh nhân này luôn muốn mở rộng đế chế của mình. Và điều này thay đổi cách thức làm việc của các ngân hàng.
Công ty tài chính Nomura Holdings của Nhật Bản định vị Singapore là trung tâm thu hút khách hàng cho mảng ngân hàng tư nhân của mình tại châu Á - Ảnh: Reuters
Nomura đã chuyển hoạt động kinh doanh ngân hàng cá nhân tại châu Á của mình, trừ Nhật Bản, sang bộ phận doanh nghiệp, để "có thể cung cấp các dịch vụ chuyên biệt vốn dành cho các nhà đầu tư tổ chức - bao gồm bảo hiểm tiền tệ, vay nợ - cho cả các nhà đầu tư cá nhân giàu có", Yuji Hibino, Giám đốc điều hành cấp cao phụ trách quản lý tài sản khu vực châu Á của Nomura cho biết.
Ví dụ, một khách hàng tại Singpapore có nhu cầu mua một công ty Nhật Bản, bộ phận doanh nghiệp của Nomura sẽ làm việc để tìm ra các lựa chọn khả thi và giúp khách hàng này huy động vốn để thực hiện thương vụ.
Nomura cũng nhắm tới khai thác giới giàu từ các khu vực lân cận của Singapore, từ Đông cho tới Nam Á. Từ Singapore, công ty này nhắm tới những nhà đầu tư Ấn Độ và Trung Đông giàu có. Đây cũng là chiến lược được nhiều ngân hàng nội địa Singapore áp dụng.
CHÍNH SÁCH CỞI MỞ
Khoản đầu tư của "cậu ấm" Zhang và người đồng sáng lập Google đều cập ở trên cho thấy sức hấp dẫn của Singapore - nơi lợi nhuận vốn đầu tư không bị đánh thuế và thuế thu nhập tối đa chỉ là 22%, thấp hơn nhiều so với tại châu Âu và Mỹ.
Bên cạnh những điểm mạnh về thuế và ưu đãi cho nhà đầu tư, Singapore cũng liên tục điều chỉnh chính sách để thu hút dòng vốn nước ngoài. Giữa tháng 1/2020, chính phủ nước này ban hành khuôn khổ pháp lý cho các công ty có vốn khả biến (VCC) - một cấu trúc doanh nghiệp mới cho các quỹ đầu tư.
Singapore không thu thuế từ lợi nhuận vốn đầu tư và áp thuế thu nhập tối đa 22%, thấp hơn nhiều so với tại châu Âu và Mỹ - Ảnh: AP
Động thái này nhằm lót được cho các công ty quản lý tài sản phát triển. Tính tới giữa tháng 9/2020, chỉ 8 tháng sau khi cơ chế mới được ban hành, đã có hơn 120 VCC được thành lập tại Singapore.
"Từ khi Singapore ra mắt cấu trúc VCC gần một năm trước, hơn 50% các VCC hiện tại đang hưởng lợi lớn từ thị trường quản lý tài sản. Do đó, sức hấp dẫn của thị trường này đối với các quỹ đầu tư gia đình và lĩnh vực ngân hàng tư nhân là rất lớn", Armin Choksey, giám đốc trung tâm nghiên cứu thị trường tài sản châu Á Thái Bình Dương của PwC Singapore, nhận xét.
Để lôi kéo giới giàu từ các thiên đường thuế toàn cầu như Cayman Islands hay Mauritius, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore sẽ miễn giảm một số loại phí thành lập VCC tới năm 2023. Hiện tại, Singapore có khoảng 200 quỹ đầu tư gia đình sở hữu tài sản khoảng 20 tỷ USD.
Ngọc Trang
VnEconomy