Là công ty bưu chính lớn thứ 2 tại Việt Nam, hoạt động chính lĩnh vực chuyển phát nhanh và phát hàng thu tiền hộ, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, VTP) đang hưởng lợi từ xu hướng bùng nổ e-commerce tại Việt Nam. Trong đó, Công ty có lợi thế từ mạng lưới bưu cục rộng khắp, các khoản đầu tư vào công nghệ và các kế hoạch kinh doanh mới nhằm đón đầu xu hướng.
Điểm lại, 23 năm dưới sự hậu thuẫn của Tập đoàn Viettel, VTP ghi nhiều dấu ấn trong ngành bưu chính chuyển phát. Năm 2003, Công ty là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ Giao hàng thu tiền tại Việt Nam, tạo chuỗi giá trị gia tăng cho khách hàng cùng với nhiều dịch vụ liên quan như: chuyển phát hỏa tốc, hẹn giờ, vận tải, quản lý kho hàng…
Hưởng ứng cách mạng 4.0, từ tháng 7/2019 VTP chính thức đưa vào vận hành hệ thống băng chuyền chia chọn bưu phẩm tự động. Hệ thống này có công suất tối đa lên tới 36.000 bưu phẩm/giờ, lớn nhất Việt Nam và phù hợp với mục tiêu phát triển trong 5 năm tới. Với hệ thống này, VTP rút ngắn được thời gian toàn trình của bưu phẩm từ 4-6h, giảm tỷ lệ sai sót, hư hỏng trong chia chọn bưu gửi, giảm chi phí nhân công.
Cũng trong thời gian này, VTP tung 2 nền tảng MyGo (cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng, VTP với các công ty chuyển phát) và Voso.vn (sàn thương mại điện tử mua bán hàng hóa trực tuyến), đồng thời kết hợp với sản phẩm "ViettelPay" của Tổng công ty dịch vụ số Viettel, "Viettel ++" của Tổng Công ty Viễn thông Viettel, hướng đến hoàn thiện hệ sinh thái nhằm tận dụng tập khách hàng sẵn có. Theo ban lãnh đạo, chiến lược trên đã giúp VTP không bị kéo vào các cuộc đua đốt tiền, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng.
Thực tế, những lĩnh vực mới đang giúp VTP tăng trưởng mạnh về quy mô. Trong khi doanh thu mảng truyền thống (chuyển phát) đi ngang, thì doanh thu bán hàng nhảy vọt và chính thức vượt mặt từ quý đầu năm 2020.
Luỹ kế cả năm, VTP đạt 17.237 tỷ doanh thu, tăng cao gấp 2,2 lần năm 2019 chủ yếu đến từ mảng kinh doanh (doanh thu chuyển phát tiếp tục đi ngang và đóng góp ở mức 1.962 tỷ đồng).
Song, "chơi lớn" trong cuộc đua với những đối thủ mạnh, VTP không tránh khỏi áp lực đánh đổi biên lợi nhuận. Bởi, thực tế tỷ suất sinh lợi của hoạt động kinh doanh hàng hoá không đáng kể. Đặc biệt, biên lãi gộp sụt giảm đáng kể, từ mức 10% (năm 2019) chỉ còn 4%. Được biết, trong năm 2020, VTP tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ hiện đại, đầu tư các dự án CNTT trọng điểm, đào tạo và kiểm soát chất lượng nhân sự...
Dù vậy, so với quy mô được mở rộng, giới phân tích cho rằng tỷ suất sinh lợi tại VTP vẫn được hỗ trợ bởi chuỗi giá trị khép kín hiện tại, đặc biệt tích hợp chung với Tập đoàn Viettel. Ngoài ra, việc mở rộng sang các mảng kinh doanh lân cận như e-fulfillment và vận chuyển xuyên biên giới cũng hỗ trợ lợi nhuận. Tháng 1/2021, VTP khai trương trung tâm e-fulfillment chuyên dụng đầu tiên tại Tp.HCM. VCSC dự báo doanh thu dịch vụ ngoài chuyển phát (bao gồm e-fulfillment) sẽ đóng góp 20% vào doanh thu dịch vụ của VTP trong năm 2023F từ 15% vào năm 2020 (40% CAGR).
Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong mảng giao hàng chặng cuối – đặc biệt về giá – đã gia tăng mạnh, tạo áp lực lên cả thị phần và biên lợi nhuận của VTP, theo quan điểm của Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Áp lực cũng thể hiện rõ nét trong kỳ báo cáo kinh doanh quý 4/2020: Biên lợi nhuận gộp giảm từ 10% xuống còn 2,6%, bất chấp việc cắt giảm chi phí lãi ròng chỉ đạt 77 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý VTP sụt giảm sâu, sau thời kỳ hoàng kim với lợi nhuận đều đặn tăng trưởng mạnh mẽ.
Một trong số đối thủ đáng gờm, phải kể đến J&T (công ty khởi nghiệp giao hàng có trụ sở tại Indonesia) đang gây áp lực lên các công ty hiện hữu như VTP. Được biết, J&T vào Việt Nam vào cuối năm 2017, đã sử dụng chiến lược giá thấp để trở thành một trong những công ty hàng đầu trong chuyển phát thương mại điện tử.
Ước tính, tăng trưởng doanh thu bưu chính của Việt Nam đã giảm xuống còn ~2% vào năm 2020 từ mức 27% trong năm 2019. VCSC cho rằng sự chậm lại này một phần là do cạnh tranh giá khốc liệt do sản lượng chuyển phát vẫn tăng 2 chữ số trong năm 2020, theo Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC).
Trong bối cảnh này, VTP có thể phải cắt giảm giá dịch vụ để bảo vệ thị phần của mình. Tương ứng, dự báo doanh thu dịch vụ/sản lượng chuyển phát của VTP sẽ tăng 25%/30% vào năm 2021, trong khi Biên LNG dịch vụ của VTP sẽ giảm 90 bps còn 9%.
Việc giảm biên LNG này bất chấp các sáng kiến hiệu quả về chi phí như đầu tư vào phân loại tự động và hợp lý hóa các tuyến giao hàng và mạng lưới bưu chính, bao gồm việc đóng cửa các bưu cục không hiệu quả và sử dụng các cửa hàng của Viettel Telecom làm điểm giao hàng.
Những e ngại về cuộc cạnh tranh khốc liệt sắp đến khiến nhà đầu tư "hết vị" với VTP, thị giá cũng giảm sút mạnh. Hiện, VTP đang giao dịch tại mức 91.700 đồng/cp, giảm 23% từ đầu năm.
Bảo An
Nhịp sống kinh tế