Những ngày qua, người dân ngang qua QL1A đoạn xã Điện Thắng Bắc và Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam không khỏi hiếu kỳ bởi quá trình thi công 1 dự án.
Theo đó, khu vực dự án nằm trên đám ruộng sình lầy. Mặt đất mọc toàn cỏ dại và lúa vụ trước còn sót lại. Lớp hữu cơ (bùn, cây cỏ, sình lầy...) nhếch nhác là vậy nhưng quá trình thi công, san lấp hạ tầng, đơn vị thi công đổ đất đắp ào ạt mà không đào bóc đi.
"Khu vực thị xã Điện Bàn này giờ đi đâu cũng dự án. Từ xây dựng, bất động sản đến các công trình công cộng. Người dân giờ đã quen thuộc với cảnh máy đào, máy ủi, xe ben chạy đổ đất ầm ầm.
Nhưng ở cái dự án này thấy là lạ khi họ thi công san nền ào ào mà không bóc lớp đất bùn phía dưới lên", ông L.K., người dân sinh sống gần dự án thắc mắc.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, đây là dự án Công viên mẹ Thứ. Dự án do UBND thị xã Điện Bàn làm chủ đầu tư và giao cho ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn quản lý.
Đơn vị thi công và tư vấn giám sát lần lượt là 2 cái tên đến từ TP.Đà Nẵng: Công ty Phúc Anh Nhân và công ty Ngọc Hân ĐN. Diện tích dự án rộng hơn 2ha.
Trả lời PV, ông Dương Tấn Bình, Giám đốc ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn cho biết, đúng là vấn đề trên đã có một số ý kiến thắc mắc. Ông đã từng giải thích một số lần trước đó.
Theo ông Bình, dự án Công viên mẹ Thứ được sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam thẩm duyệt. Trong đó, có quy định không phải bóc lớp hữu cơ mà trực tiếp san lấp, đắp mặt bằng.
Ông Bình cũng đưa ra 2 lý do để giải thích. Thứ nhất, quy định chiều cao đất đắp nhỏ hơn 1.5m mới phải dọn bóc lớp hữu cơ. Ở dự án Công viên mẹ Thứ, chiều cao đất đắp là 1.8 - 2.2m. Do đó, quy trình cho phép không cần dọn hữu cơ.
Thứ hai, là nếu dọn, bóc lớp hữu cơ đi và hoàn trả cấp phối thì chi phí ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Từ đó, tổng vốn dự án sẽ "đội" lên cao.
Trước câu hỏi rằng việc không bóc lớp hữu cơ sẽ khiến quá trình đắp mặt bằng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là các hạng mục đường giao thông, khu vực chịu tải trọng sẽ sớm hư hỏng, ông Bình cho rằng, khu vực chịu tải trọng sẽ được gia cố thêm bằng cọc tre. Mật độ gia cố sẽ là 25 cọc/m2.
"Việc bóc hữu cơ sẽ lãng phí. Tôi chịu trách nhiệm về dự án", ông Bình nói.
Cũng theo Giám đốc ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Điện Bàn, ước tính khối lượng đất đắp dự án là 48.000m3.
Số đất này phải là vật liệu các mỏ đạt chuẩn ở xã Duy Trung và Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Đất đắp được thí nghiệm chất lượng đầu vào. Và nếu chất lượng đắp đất không đảm bảo thì tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!