Vì sao Trung Quốc đẩy mạnh phát triển tiền kỹ thuật số?
TS. Phạm Sỹ Thành (*)
(KTSG) - Mặc dù việc chống lại quá trình phi tập trung hóa sự kiểm soát của ngân hàng trung ương là mục đích chính của việc phát triển và thí điểm tiền kỹ thuật số (DCEP) nhưng lợi ích thương mại trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính cũng không thể bỏ qua trong những động thái chính sách gần đây của Trung Quốc.
Tại Hội nghị kinh tế trung ương 2020 (CEWC) được tổ chức từ ngày 16 đến 18-12-2020, Trung Quốc đã đề ra tám chính sách kinh tế quan trọng cho năm 2021. Trong đó, xếp ở vị trí thứ sáu là: tăng cường các biện pháp chống độc quyền và ngăn chặn “sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự”. CEWC kêu gọi các chính sách cải thiện các quy định và tiêu chuẩn pháp lý liên quan đến kỹ thuật số để xác định độc quyền nền tảng, cũng như cải tiến các quy định về thu thập, sử dụng và quản lý dữ liệu người tiêu dùng. Chỉ sau đó một tuần, ngày 24-12-2020, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc thông báo điều tra chống độc quyền Alibaba. Mặc dù nhiều người tin rằng đây là động thái của Chính phủ Trung Quốc - sau khi đã dừng IPO của Ant Group, một tập đoàn con của Alibaba - nhằm đáp trả những bình luận “tấn công” của Jack Ma (người sáng lập Alibaba) nhắm vào các quan chức ngành tài chính tiền tệ nước này vào tháng 10-2020, nhưng bức tranh thực sự có thể lớn hơn thế rất nhiều và các chính sách kiểm soát các công ty công nghệ tài chính (FinTech) sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra.
Chống lại thách thức của quá trình phi tập trung hóa tài chính tiền tệ
Trong nhiều năm, các cuộc thảo luận về tiền kỹ thuật số (digital currency) đã tập trung vào tiềm năng và rủi ro của các loại tiền mật mã phi tập trung (cryptocurrency) như bitcoin. Rủi ro và thách thức lớn nhất từ quá trình phi tập trung hóa tài chính mà các đồng tiền này tạo ra là nó làm suy giảm mức độ giám sát và quyền lực của ngân hàng trung ương hoặc các cơ quan quản lý của chính phủ.
Sự kiện Ant Group và Alibaba chỉ là “án điểm” của một quá trình tập trung quyền lực mà PBoC đã tái khởi động. |
Trong khi nhiều người tưởng lầm rằng Trung Quốc phát triển đồng tiền kỹ thuật số của mình (Central bank digital currency - CBDC) nhằm xây dựng một đồng tiền mật mã phi tập trung để tận dụng công nghệ khối chuỗi (blockchain) thì trên thực tế CBDC là hình thức điện tử của đồng tiền pháp lệnh và quá trình này có thể làm tăng mức độ tập trung quyền lực của ngân hàng trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC).
Tháng 10-2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về việc cần “nắm bắt cơ hội” từ blockchain, cho rằng công nghệ này là “một bước đột phá sáng tạo” và “PBoC cần tạo ra một loại tiền điện tử do nhà nước điều hành”.
Tháng 2-2020, “Bản đặc tả chuẩn bảo mật cho công nghệ Sổ cái phân tán trong ngành tài chính” của PBoC được ban hành để chuẩn hóa tiếp các ứng dụng blockchain trong ngành tài chính. Kết quả tiếp theo là ngày 25-4-2020 Trung Quốc đã chính thức ra mắt một loại tiền mã hóa trên nền tảng blockchain - đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Đây là bước cơ bản đầu tiên trước khi khởi động một phương thức thanh toán điện tử trên nền tảng kỹ thuật số (Digital currency electronic payment - DCEP).
Dù công nghệ bên trong của DCEP dựa trên blockchain có thể tạo ra lầm tưởng rằng nó sẽ gia tăng tính riêng tư cho người dùng, nhưng trên thực tế, ngân hàng trung ương sẽ có toàn quyền truy cập vào cả lịch sử giao dịch và danh tính thực sự của người dùng. |
DCEP đã được thí điểm sử dụng tại bốn thành phố lớn gồm Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu, Bảo Định và khu mới Hùng An, với bốn ngân hàng thương mại nhà nước và ba công ty (China Mobile, China Telecom và China Unicorn) tham gia. Có 4 triệu giao dịch tổng trị giá khoảng 300 triệu đô la Mỹ đã được tiến hành tại các thành phố thí điểm này. Ngoài ra, 1,55 triệu đô la Mỹ tiền kỹ thuật số đã được phân phối tại Bắc Kinh thông qua một chương trình xổ số vào dịp Tết năm 2021. Có 19 nhà hàng nổi tiếng, bao gồm Starbucks, Subway và McDonald’s ở Trung Quốc sẽ thử nghiệm chấp nhận thanh toán loại tiền này.
Kế hoạch phát triển CBDC của PBoC cho thấy rằng Trung Quốc nhận thấy sự xuất hiện của một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số mới là mối đe dọa đối với khả năng duy trì sự kiểm soát và ổn định đối với lĩnh vực tài chính của đất nước. Thách thức từ tiền mật mã phi tập trung thậm chí còn lớn hơn những gì mà hệ thống ngân hàng bóng mờ (shadow banking) gây ra cho công tác quản lý tài chính của các ngân hàng trung ương và được Chính phủ Trung Quốc coi là rủi ro hàng đầu có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ.
Đặc biệt là khi một công nghệ mà cơ quan quản lý không thể “truy vết” phát triển trong lòng một hệ sinh thái của các tập đoàn mà thuật toán của nó chính phủ không thể kiểm soát thì rủi ro với việc quản lý càng gia tăng gấp nhiều lần. PBoC đã nghiên cứu gần đây và chỉ ra rằng các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã thu thập một lượng lớn dữ liệu tài chính cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ dữ liệu và kiến nghị các biện pháp để xử lý tình trạng này. Điều này giúp giải thích vì sao phát triển đồng CBDC của Trung Quốc sẽ đi liền với việc “siết chặt kỷ cương” với các công ty FinTech tư nhân.
Kiểm soát thị phần của các kỳ lân FinTech và khai thác khách hàng tiềm năng
Năm 2008, người sáng lập Alibaba, Jack Ma đã tuyên bố rằng “nếu các ngân hàng không thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi các ngân hàng”. Kể từ đó, Trung Quốc đã có tám kỳ lân FinTech với tổng trị giá 214,6 tỉ đô la Mỹ. Mặc dù mỗi công ty trong số này đều hoạt động để hình dung lại một khía cạnh khác nhau của ngân hàng, nhưng chúng ngày càng khiến ý niệm của khách hàng về ngân hàng trở nên mờ nhạt nhờ triển khai nhiều nghiệp vụ với các quy định lỏng hơn hoặc khả năng phát hiện các khách hàng tiềm năng tốt hơn.
Chẳng hạn, về cho vay, 39,4% doanh thu của Ant Group - công ty tài chính lớn nhất trong số các kỳ lân FinTech của Trung Quốc - đến từ nền tảng cho vay CreditTech nhờ “giải quyết các nhu cầu tín dụng chưa được đáp ứng của người tiêu dùng không được bảo đảm và các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc”. Về nghiệp vụ thanh toán, lĩnh vực ví điện tử của Trung Quốc được phân chia giữa Alipay (của Alibaba, với 54,5% thị phần) và WeChat Pay (của Tencent, với 39,5% thị phần). Tính gộp thì hai nền tảng thanh toán điện tử này đã xử lý 20.500 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016. Trong khi đó, PayPal chỉ xử lý 354 tỉ đô la Mỹ vào cùng năm. Các kỳ lân FinTech này cũng đặt mục tiêu là tích hợp 225 triệu khách hàng không tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn lại vào hệ sinh thái của mình.
Với quy mô giao dịch và số lượng khách hàng như vậy, việc kiểm soát lĩnh vực thanh toán điện tử bằng cách cung cấp DCEP sẽ giúp PBoC vừa kiểm soát được các tập đoàn FinTech, vừa quản lý khách hàng cá nhân tốt hơn. Đối với các công ty, PBoC có thể “theo dõi” được dòng tiền một cách rõ ràng hơn cũng như gia tăng lợi ích cho các ngân hàng thương mại từ việc làm trung gian thanh toán và cung cấp sản phẩm tài chính phái sinh cho người dùng. Đối với người dân, PBoC thúc đẩy và khuyến khích đăng nhập vào hệ sinh thái kỹ thuật số một cách chắc chắn trong phạm vi kiểm soát của nhà nước. Dù công nghệ bên trong của DCEP dựa trên blockchain có thể tạo ra lầm tưởng rằng nó sẽ gia tăng tính riêng tư cho người dùng, nhưng trên thực tế, ngân hàng trung ương sẽ có toàn quyền truy cập vào cả lịch sử giao dịch và danh tính thực sự của người dùng.
Như vậy, có hai lý do trả lời cho việc Trung Quốc vừa đẩy mạnh phát triển CBDC và vận hành DCEP, vừa đưa các tập đoàn FinTech vào khuôn khổ quản lý mới chặt chẽ hơn. Thứ nhất, điều này nhằm củng cố quyền lực của PBoC, ổn định tài chính và gia tăng hiệu quả chính sách. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố ý định “hiện đại hóa hệ thống tài chính” như một phần của Kế hoạch năm năm lần thứ 14 và Mục tiêu tầm nhìn 2035 được Hội nghị trung ương 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc phê duyệt cách đây bốn tháng và DCEP có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại bẫy thanh khoản cũng như cải thiện khả năng thực hiện chính xác hơn chính sách về lãi suất. Thứ hai, giành lại thị phần bỏ ngỏ béo bở từ các khách hàng “chưa có tài khoản ngân hàng (unbanked) đang bị các công ty FinTech khai thác. Trong bối cảnh đó, sự kiện Ant Group và Alibaba chỉ là “án điểm” của một quá trình tập trung quyền lực mà PBoC đã tái khởi động.
(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), VNUA
Xem thêm: lmth.os-tauht-yk-neit-neirt-tahp-hnam-yad-couq-gnurt-oas-iv/616413/nv.semitnogiaseht.www