vĐồng tin tức tài chính 365

Khi tác phẩm nghệ thuật thật thành... ảo

2021-03-21 16:14

Khi tác phẩm nghệ thuật thật thành... ảo

Lê Thị Thiên Hương

(KTSG) - Những ngày qua, tên tuổi nghệ sĩ đường phố Banksy lại được nhắc đến nhiều trên truyền thông. Câu chuyện liên quan Banksy lần này cũng lại không kém phần gây sốc trong dư luận, đặc biệt là trong giới sưu tầm nghệ thuật và giới đầu tư... tiền kỹ thuật số - “tiền ảo”.

Ngày 4-3 vừa qua, bức tranh mang tên Morons (có chữ ký họa sĩ xác nhận là bản in gốc của tranh) đã bị đốt cháy hoàn toàn trong một buổi trình diễn truyền trực tiếp tới người xem. Với nội dung chế giễu, nhạo báng những người mua tranh là “bọn ngớ ngẩn”, bức tranh Morons này được một nhóm các nhà đầu tư tiền ảo mang tên Injective Protocol mua với giá 95.000 đô la Mỹ.

Trước khi bị biến thành tro, những chuyên gia tiền ảo này đã “số hóa” tác phẩm. Điểm đặc biệt ở đây là “tác phẩm số hóa” này được gắn với một NFT (non-fungible token), một loại tiền ảo có tác dụng đảm bảo tính xác thực của tác phẩm, để biết chắc chắn đây là một “tác phẩm số hóa gốc” đồng thời ngăn chặn việc tạo một bản sao của tác phẩm.

Nói cách khác, bản gốc của tác phẩm trong thế giới “thực tại” đã trở thành một “bản gốc” trong thế giới ảo, nhờ vào xác nhận của NFT. Hiện nay, bản “số hóa gốc” này đang được rao bán với giá cao gấp nhiều lần số tiền các nhà đầu tư Injective Protocol đã bỏ ra.

Xin nói thêm là gần đây NFT (còn được gọi là tiền ảo dành cho lĩnh vực nghệ thuật - “bitcoin for art”) đang “làm mưa làm gió”, thậm chí người ta còn nói tới “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực mua bán tác phẩm nghệ thuật từ khi có sự ra đời của NFT. Thuật ngữ “crypto-art” cũng ra đời để chỉ những tác phẩm được “số hóa” và được đảm bảo tính xác thực nhờ vào NFT.

Khuynh hướng crypto-art đang đặt ra dấu chấm hỏi cho luật bản quyền hiện nay, rõ ràng là chưa theo kịp những thay đổi trong công nghệ.

Đứng ở góc độ luật bản quyền, rõ ràng là việc phá hủy một tác phẩm nghệ thuật đã vi phạm vào quyền nhân thân của tác giả. Quyền nhân thân vốn có nguồn gốc ở hệ thống luật bản quyền xuất phát từ Pháp, Đức (droit d’auteur), trong khi đó lại khá xa lạ ở hệ thống luật bản quyền các nước anglo-saxon như Mỹ, Anh (copyright).

Tuy nhiên, hiện nay quyền nhân thân được công nhận ở hầu hết các quốc gia, kể từ khi ra đời công ước Bern và đặc biệt là từ khi công ước này được đưa vào luật của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

Điều 6bis của Công ước Bern đã quy định rằng tác giả có quyền không cho phép bất kỳ sự “xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi hoặc những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm tác giả”. Công ước này cũng bắt buộc các nước thành viên phải có mức bảo vệ hợp lý quyền nhân thân của tác giả.

Chính vì thế, nhiều nước như Mỹ, Anh đã phải thay đổi luật cho phù hợp và công nhận quyền nhân thân của tác giả. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khác biệt giữa luật các quốc gia, ví dụ như theo luật Visual Artists Rights Act 1990 của Mỹ thì chỉ có các tác phẩm thuộc về “visual art” (nghệ thuật thị giác) như tranh, tượng, ảnh... mới được công nhận quyền nhân thân của tác giả, trong khi theo luật của Pháp thì bất cứ tác phẩm nào cũng được công nhận quyền nhân thân.

Luật Mỹ, Anh thì cho phép tác giả từ bỏ quyền nhân thân, nhưng luật Pháp, Đức lại không cho phép điều đó. Về thời gian bảo vệ quyền nhân thân cũng thế, trong khi luật của Pháp coi quyền nhân thân tồn tại vĩnh viễn, thì luật của Đức chẳng hạn, chỉ công nhận quyền này trong thời hạn 70 năm kể từ khi tác giả qua đời, cùng thời hạn với quyền khai thác tác phẩm mà thôi.

Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ công nhận quyền nhân thân của tác giả, trong đó có quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm”. Quyền nhân thân trong luật Việt Nam cũng tồn tại vô thời hạn, đồng thời tác giả cũng không được phép chuyển giao quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm.

Tuy vậy, khả năng nhóm nhà đầu tư Injective Protocol bị kiện ra tòa vì vi phạm quyền tác giả, mà cụ thể là quyền nhân thân của Banksy, là khá ít ỏi. Không phải ngẫu nhiên mà những người này chọn một tác phẩm của Banksy. Họa sĩ nổi tiếng này thường có thái độ khá coi thường với quyền tác giả.

Ông đã từng tuyên bố “copyright” là dành cho những kẻ kém cỏi (“copyright is for losers”) và cũng đã từng gây xì căng đan khi chủ động kích hoạt phá hủy một phần bức tranh nghệ thuật đường phố nổi tiếng mang tên Cô bé và quả bóng (“Girl with the Balloon”) vào tháng 10-2018, ngay sau khi bức tranh được bán với giá 32 tỉ đồng. Đối với nghệ sĩ tài năng này, hành động phá hủy tranh này là một biểu diễn nghệ thuật, nh

ằm tạo ra một cái nhìn mới, một tác phẩm mới. Các nhà đầu tư tiền ảo Injective Protocol cũng thế, họ tuyên bố rằng việc đốt bức tranh Morons của Banksy là một “biểu hiện nghệ thuật”. Ngoài ra, nếu một ngày kia Banksy có kiện ra tòa, thì cũng khó có thể chứng minh hành vi phá hủy tranh này “làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm của tác giả”, vì bản thân Banksy càng trở nên nổi tiếng từ những hành vi “gây sốc” tương tự. Tất nhiên, hoàn toàn có lý do để tin rằng chính Banksy cũng ủng hộ sự kiện này.

Tuy nhiên, từ sự kiện này, có thể thấy khuynh hướng crypto-art đang đặt ra dấu chấm hỏi cho luật bản quyền hiện nay, rõ ràng là chưa theo kịp những thay đổi trong công nghệ. Điều có thể chắc chắn là crypto-art sẽ còn là chủ đề bàn cãi nhiều trong tương lai, cả về khía cạnh pháp lý, lẫn nghệ thuật. 

Xem thêm: lmth.oa-hnaht-taht-tauht-ehgn-mahp-cat-ihk/226413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khi tác phẩm nghệ thuật thật thành... ảo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools