Đồng nhân dân tệ số tác động thế nào tới thị trường tiền số?
Lạc Diệp
(KTSG) - Bitcoin vẫn đang tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới về giá. Tuy nhiên, tương lai của đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới này và nhiều loại tiền điện tử tư nhân khác đang phải đối mặt với dấu hỏi lớn, khi nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, đang đẩy mạnh các nỗ lực phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC).
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể trở thành mối đe dọa đối với bitcoin? Nguồn: Nikkei Asia |
Sức ép cạnh tranh và các quy định quản lý thắt chặt tại Trung Quốc
Mặc dù chưa ấn định thời gian ra mắt nhưng có nhiều triển vọng cho thấy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ là ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn đầu tiên phát hành tiền kỹ thuật số sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển. Nước này đã thử nghiệm lưu hành đồng nhân dân tệ (NDT) kỹ thuật số tại một số địa phương như Thâm Quyến, Thành Đô, Tô Châu...
PBoC đã bắt đầu đặt nền móng cho các giao dịch xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số quốc gia. Hồi tháng trước, PBoC cùng với các ngân hàng trung ương Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Hồng Kông (Trung Quốc) xây dựng một dự án thanh toán xuyên biên giới bằng tiền kỹ thuật số, với tham vọng đạt được quyền kiểm soát các tiêu chuẩn quốc tế và cuối cùng là quốc tế hóa đồng NDT kỹ thuật số.
Theo Bloomberg, những nỗ lực của giới chức Trung Quốc nhằm phát triển đồng NDT kỹ thuật số có thể gây ra những sự xáo trộn trên thị trường tiền mã hóa, đặc biệt là khi Bắc Kinh thắt chặt các quy định quản lý.
Ông Phillip Gillespie - giám đốc điều hành công ty chuyên về tiền kỹ thuật số B2C2 Nhật Bản, người từng có thời gian làm việc ở bộ phận thị trường tiền tệ của Goldman Sachs nhận định: “Một khi đồng NDT kỹ thuật số được tung ra thị trường, các loại tiền mã hóa như bitcoin sẽ đối mặt rủi ro cực lớn. Làn sóng bán tháo là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu chính phủ thông qua những quy tắc mới để quản lý thị trường này, qua đó làm giảm mạnh tính thanh khoản của các nền tảng giao dịch tiền kỹ thuật số”.
Bên cạnh việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số mới, giới chức Trung Quốc cũng tăng cường sức ép lên những đồng tiền thuộc sở hữu của tư nhân. Trên thực tế, công dân Trung Quốc đã bị cấm chuyển đổi từ NDT sang tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, họ vẫn có thể làm điều này thông qua Tether - một stablecoin có giá trị gắn với đồng đô la Mỹ. Tiền từ Tether sau đó sẽ được chuyển đổi sang bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác.
Đây là cách đã được nhiều người Trung Quốc sử dụng để lách luật, âm thầm chuyển vốn ra nước ngoài. Một báo cáo của hãng nghiên cứu Chainalysis hồi tháng 8 năm ngoái cho thấy, khi nền kinh tế Trung Quốc lao đao vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đồng NDT sụt giá, khoảng 50 tỉ đô la tiền kỹ thuật số đã di chuyển từ các ví điện tử ở Trung Quốc ra nước ngoài.
Theo chuyên gia Gillespie, điều này có thể sẽ chấm dứt, nếu Bắc Kinh quyết định ban hành một lệnh cấm hoàn toàn đối với những stablecoin như Tether. “Một đợt bán tháo khủng khiếp sẽ xảy ra”, ông nói thêm.
Được biết, dự thảo luật của PBoC nhằm tạo tiền đề cho đồng NDT kỹ thuật số đã bao gồm điều khoản cấm các cá nhân và tổ chức tự tạo hay giao dịch tiền kỹ thuật số tư nhân.
Cuộc đua phát hành tiền kỹ thuật số của các NHTƯ
Không chỉ giới hạn ảnh hưởng ở Trung Quốc, những động thái mạnh mẽ của PBoC cũng được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa làn sóng phát triển tiền kỹ thuật số của các NHTƯ trên khắp thế giới, bởi không ai muốn là kẻ đi sau trong cuộc chạy đua này.
Trước đó, những lo ngại về bitcoin hay dự án tiền điện tử của hãng công nghệ Facebook, cùng mối quan tâm ngày càng gia tăng đối với thanh toán không tiếp xúc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến các NHTƯ trên toàn thế giới bắt đầu đánh giá một cách nghiêm túc về nhu cầu có loại tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Hồi năm ngoái, các NHTƯ từ nhóm các nước G7 đã thảo luận về việc phát triển tiền kỹ thuật số. NHTƯ châu Âu (ECB) và NHTƯ Anh (BOE) đã tiến hành các cuộc tham vấn, trong khi NHTƯ Nhật Bản (BOJ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều đã có những bước đi nhất định.
Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố một báo cáo cho thấy 86% trong số 65 NHTƯ được khảo sát đang có một số hoạt động về tiền tệ kỹ thuật số của NHTƯ. Các hoạt động này có thể bao gồm nghiên cứu, chứng minh tính khả thi hoặc phát triển thí điểm. Gần 60% NHTƯ cho biết, “có khả năng” hoặc “có thể” sẽ đưa CBDC vào sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ trong vòng sáu năm tới.
Theo các chuyên gia, sự tham gia cạnh tranh của các NHTƯ đầy quyền lực sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với các đồng tiền tư nhân. Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới gần đây đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ giới lãnh đạo tài chính các nước. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB, nhận định bitcoin là “một tài sản có tính đầu cơ cao”; trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng bày tỏ quan ngại về những rủi ro thua lỗ mà các nhà đầu tư có thể gặp phải với loại tài sản này.
Ngay cả những đồng tiền stablecoin có diễn biến giá ổn định hơn như Tether cũng vấp phải nhiều thách thức. Hồi tháng trước, các công ty đứng sau đồng Tether đã bị cấm hoạt động kinh doanh ở New York (Mỹ). Nguyên nhân là bởi những công ty này không minh bạch về các khoản lỗ và dự trữ.
Theo một báo cáo mới đây của JPMorgan Chase & Co., có thể sẽ xảy ra “một cú sốc thanh khoản nghiêm trọng đối với các thị trường tiền mã hóa”, nếu những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến “mức độ sẵn sàng hoặc khả năng sử dụng Tether của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”.
CBDC chưa thể loại trừ tiền kỹ thuật số tư nhân?
Tuy nhiên, những người ủng hộ các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân đã bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đồng NDT kỹ thuật số và các đồng CBDC khác có thể thực sự trở thành mối đe dọa đối với các đồng tiền tư nhân như bitcoin.
Theo chuyên gia Daniel Lacalle - giáo sư về kinh tế toàn cầu tại trường kinh doanh Madrid (Tây Ban Nha), trong nhiều năm qua, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh, đồng NDT hiện vẫn chưa được sử dụng nhiều và chỉ chiếm khoảng 4% tổng lượng giao dịch tiền tệ trên toàn cầu. Vị thế của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do đó sẽ càng bấp bênh hơn.
Ngay cả trong trường hợp Chính phủ Trung Quốc dùng vàng để hỗ trợ đồng tiền kỹ thuật số mới và triển khai tất cả dự trữ vàng của mình để làm điều đó, mọi thứ cũng không mấy khả quan. Tổng dự trữ vàng của Trung Quốc hiện chỉ chiếm tới chưa đầy 0,25% tổng dự trữ ngoại hối của nước này.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhận định, bản thân việc một loại tiền kỹ thuật số thuộc sở hữu Nhà nước đã tiềm ẩn một mâu thuẫn lớn. Ông cho biết: “Trên thực tế, lý do khiến nhiều người dân muốn sử dụng tiền kỹ thuật số hay vàng chính là để tránh sự độc quyền của chính phủ hoặc ngân hàng trung ương về tiền tệ”. Một đồng tiền kỹ thuật số do NHTƯ phát hành sẽ không đáp ứng được nhu cầu trên của nhiều nhà đầu tư.
Các lãnh đạo của doanh nghiệp tiền kỹ thuật số Tether cũng đánh giá thấp mối đe dọa này và cho biết, tiền kỹ thuật số của các NHTƯ sẽ không đồng nghĩa với sự kết thúc của tiền kỹ thuật số tư nhân.
Nguồn: Bloomberg, Nikkei Asia, CNBC, Reuters
Xem thêm: lmth.os-neit-gnourt-iht-iot-oan-eht-gnod-cat-os-et-nad-nahn-gnod/126413/nv.semitnogiaseht.www