Nuôi trồng thủy sản trên biển nước ta còn manh mún, tự phát, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, cần chuyển đổi theo đề án Chính phủ vừa phê duyệt.
Gắn mục tiêu kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường
Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) cho biết: Theo Đề án nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu mét khối; sản lượng nuôi biển đạt 1.450.000 tấn. Trong đó, nuôi biển gần bờ sản lượng nuôi đạt 1.110.000 tấn. Nuôi biển xa bờ đạt sản lượng 340.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỉ USD.
Theo đề án, trong giai đoạn tới, ngành nuôi biển nói riêng cũng như ngành thủy sản phải gắn mục tiêu kinh tế với trách nhiệm bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ hiện đại để đạt hiệu quả, bền vững và "xanh" hơn.
"Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội là mục tiêu từ nay đến năm 2030" - ông Trần Đình Luân nói.
Những "cánh chim tiên phong" chuyển đổi mô hình, công nghệ
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, với cách làm cũ, phao xốp là 1 trong 5 loại rác dễ tìm thấy nhất trên các bờ biển vịnh Hạ Long, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng báo động này, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 1.1.2022, tất cả các hộ nuôi trồng thủy sản phải thay thế vật liệu nổi đang sử dụng sang vật liệu đạt các quy chuẩn thân thiện với môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đang từng bước chuyển đổi mô hình nuôi biển theo hướng hiện đại. Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh chủ trương, trong thời gian tới, sẽ không phát triển nuôi biển theo kiểu truyền thống bằng lồng bè gỗ mà phát triển theo hướng nuôi quy mô công nghiệp. Theo đó, sẽ chuyển đổi nuôi biển sang vật liệu HDPE để tăng sức chống chịu với sóng gió lớn, hướng ra xa bờ, với quy mô nuôi công nghiệp, hiện đại, bền vững.
Đặc biệt là sẽ chuyển từ cho ăn tôm, cá thả xuống biển gây ô nhiễm bằng các loại thức ăn công nghiệp. UBND tỉnh sẽ nghiên cứu trình HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ (có thể theo hướng hỗ trợ lãi suất vay) cho người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè để chuyển đổi công nghệ nuôi.
Trước đó, để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản biển của tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nuôi biển bền vững tại địa phương. Hiệp hội sẽ tổ chức các chuyên gia hỗ trợ Khánh Hòa đánh giá lại hiện trạng, tiềm năng nuôi biển để tỉnh định hướng sử dụng hợp lý không gian biển; phối hợp để triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh cải tiến và chuyển đổi phương thức nuôi biển thủ công trong vịnh và vùng biển của tỉnh; kết nối để xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn; tìm kiếm, giới thiệu các đối tác quốc tế để tỉnh thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nuôi biển tiên tiến; tổ chức các lớp đào tạo công nhân nuôi biển chuyên nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, để chuyển đổi công nghệ nuôi biển theo hướng hiện đại, tập trung, hiệu quả và “xanh” theo Chiến lược phát triển ngành thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nguồn vốn từ các doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực tiềm năng này.
“Việc kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển sẽ tạo ra những “cánh chim đầu đàn” để doanh nghiệp khác và nhiều địa phương cùng làm theo, từ đó tạo ra hình thái nuôi biển cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ đảm bảo phát triển bền vững” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, cần nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.
Xem thêm: odl.631589-gnourt-iom-uuc-ed-nas-yuht-ioun-ehgn-gnoc-iod-neyuhc-hnit-ueihn/et-hnik/nv.gnodoal