Theo dòng VN-Index: Chứng khoán Bản Việt đón tăng trưởng
Dũng Nguyễn
Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông năm 2021 với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng vọt đáng kể, đi theo đó là cổ tức bằng tiền mặt lên đến 30%.
Doanh thu tăng cao, chia cổ tức “khủng”
Theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2021, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự kiến tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương đương 331,2 tỉ đồng. Trước đó, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2020 với tỷ lệ 10%, tương đương 165,6 tỉ đồng.
Như vậy tổng mức cổ tức cổ đông nhận được trong năm 2020 lên đến 30% bằng tiền mặt, trong khi con số dự kiến trong kỳ đại hội cổ đông thường niên năm ngoái là 10-15%. Trước đó vào năm 2019, Chứng khoán Bản Việt đã trả tiền mặt tỷ lệ chia cổ tức với tỷ lệ 15%, tương ứng hơn 246 tỉ đồng.
Mức chia cổ tức cao hơn là do kết quả kinh doanh năm ngoái tăng trưởng vượt kỳ vọng. Theo đó, vào năm 2020, Chứng khoán Bản Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.729 tỉ đồng, tăng 12,2% so với năm 2019; còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 768 tỉ đồng, tăng 10,9%.
Kết quả trên đều vượt xa so với kế hoạch mà ban lãnh đạo đề ra vào hồi đầu năm là doanh thu dự kiến giảm 9,8% và lợi nhuận trước thuế giảm 35,7% so với mức thực hiện năm 2019.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 diễn ra đầy biến động, với khởi đầu không mấy thuận lợi khi đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ cuối tháng 1-2020. Sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, thị trường cũng đã có bước đảo chiều ngoạn mục nhờ việc kiểm soát dịch bệnh. Nhờ đó, kết thúc năm 2020, VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng gần 15% so với cuối năm 2019.
Theo lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt, công ty đã có những giải pháp phù hợp để nắm bắt đà phục hồi của thị trường, từ đó giúp công ty vượt xa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước đó.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động huy động vốn, M&A xuyên quốc gia bị ngưng trệ, dẫn tới việc quy mô cũng như giá trị của các giao dịch giảm nhiều so với năm 2019. Tuy nhiên, VCSC vẫn thành công trong việc tư vấn hàng loạt các thương vụ trong nước.
Điển hình như thương vụ Masan Group mua chi phối Bột giặt Net thông qua công ty con là Masan HPC; VinaCapital thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP); thương vụ nhà đầu tư Thái Lan SCG mua cổ phần Bao bì Biên Hòa thông qua công ty co; Công ty Tư vấn Xây lắp Điện 1 (PC1) chào bán thành công 40% cổ phần của 3 dự án điện gió cho đối tác chiến lược Renova;...
Còn trên thị trường chứng khoán, VCSC vẫn duy trì mức doanh thu bình quân thuộc nhóm hàng đầu thị trường nội địa (Top) và đứng đầu về mảng môi giới nước ngoài (thị phần 28,5%). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,9% ở mức tốt, nằm trong nhóm công ty cao nhất thị trường, dù tổng vốn chủ sở hữu bình quân tăng đáng kể trong năm ngoái (tăng 11,4% so với năm 2019).
Theo báo cáo của Fiin Group, tăng trưởng của nhóm công ty chứng khoán trong năm 2020 phần lớn được hỗ trợ bởi quy mô thanh khoản gia tăng đáng kể, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư mới tham gia (hay còn được gọi là F0), và đẩy mạnh cho vay giao dịch ký quỹ.
Năm 2021 với những tham vọng mới
Trong năm nay, Chứng khoán Bản Việt đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.729 tỉ đồng, tăng 18,5%, còn lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.250 tỉ đồng tăng 31,4%, mức chia cổ tức dự kiến là 10-15%. Kịch bản tăng trưởng này dựa trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.250 điểm vào cuối năm 2021.
Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, thì đây là năm đánh dấu Công ty vượt mức kỷ lục kết quả kinh doanh vào năm 2018 (cũng là năm mà chỉ số VN Index vượt mốc 1.200 điểm).
Cơ sở này cũng khá vững chắc khi thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn. Chỉ số VN-Index ngày 18-3 vừa qua cũng đã chính thức chạm mốc 1.200 điểm.
Thêm nữa, giá trị giao dịch bình quân trên Sàn giao dịch chứng khoán HOSE trong hai tháng đầu năm vẫn tăng 5 lần so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy tín hiệu khả quan đối với tăng trưởng lợi nhuận của các Công ty chứng khoán trong quí 1 này bởi sự gia tăng mạnh mẽ của quy mô giao dịch.
Trong năm nay, thị trường chứng khoán còn thêm nhiều yếu tố hỗ trợ khác, chẳng hạn như việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý như Luật chứng khoán mới, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Từ đầu tháng 12 năm ngoái, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên (Frontier Markets) theo hệ thống phân loại của MSCI, giúp dòng vốn nước ngoài có thể quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM.
Trong tờ trình đại hội cổ đông lần này, Chứng khoán Bản Việt tiếp tục đưa ra chương trình phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng khoảng 900.000 cổ phần và giá phát hành là 15.000 đồng/cổ phần.
Việc phát hành ESOP đã được duy trì trong nhiều năm qua và thông lệ thì lượng phát hành cũng không vượt quá 1% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Theo lãnh đạo Chứng khoán Bản việt chia sẻ trước đó, công cụ ESOP vẫn được đánh giá là công cụ hiệu quả nhất trong việc giữ chân những nhân sự tài năng và tạo động lực để nhân viên đóng góp.
Bên cạnh đó, để thực hiện tăng trưởng trong giai đoạn mới, Chứng khoán Bản Việt cũng đưa ra phương án phát hành thêm để bổ sung vốn lưu động của công ty và giảm nợ vay. Cụ thể, công ty dự kiến phát hành 166,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng tăng vốn điều lệ từ 1.665 tỉ đồng (vốn sau khi ESOP) lên mức 3.330 tỉ đồng.
Mời xem thêm:
Viet Capital Securities liên tiếp đón nhận nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế
Xem thêm: lmth.gnourt-gnat-nod-teiv-nab-naohk-gnuhc-xedni-nv-gnod-oeht/137413/nv.semitnogiaseht.www