Các mạng xã hội ‘đốt’ tiền để giành giật nhân tài sáng tạo nội dung
Chánh Tài
(KTSG Online) - Các công ty mạng xã hội đang lao vào cuộc chiến giành giật nhân tài sáng tạo nội dung bằng cách trả những khoản tiền lớn để lôi kéo họ về với nền tảng của mình cũng như giữ chân họ.
Nhờ chăm chỉ đăng 20-40 video mỗi ngày trên Snapchat, ảo thuật gia người Mỹ, Evan Alberto đã được nền tảng này trả gần 1 triệu đô la. Ảnh: CNBC |
"Mạch máu" của các mạng xã hội
Khi Katerina Horwitz, 35 tuổi, người Israel, bắt đầu trở thành người có ảnh hưởng trên mạng xã hội vào năm 2016, cô không kiếm được nhiều tiền ngoài một số bài đăng được tài trợ (bài viết quảng bá sản phẩm cho các nhãn hàng).
Vài năm sau, Horwitz và chồng nghỉ hẳn công việc hàng ngày, bắt đầu tạo tài khoản chung ở mạng xã hội Instagram và sáng tạo để kiếm tiền dựa vào 400.000 người theo dõi, bao gồm việc bán bộ lọc ảnh của riêng họ và xây dựng một ứng dụng chỉnh sửa template (mẫu đồ họa thiết kế sẵn) cho mục Instagram Stories.
Nhưng gần đây, họ tìm thấy một nguồn tạo thu nhập đơn giản hơn: kiếm tiền trực tiếp từ các công ty mạng xã hội. Cặp đôi vợ chồng này vừa nhận được khoản thanh toán gần 30.000 đô la từ mạng xã hội Snapchat chỉ từ một video họ đăng lên mục video ngắn Spotlight trên Snapchat, được ra mắt tháng 11 năm ngoái.
Họ cũng kiếm được những khoản tiền nhỏ hơn từ quỹ hỗ trợ nhà sáng tạo của mạng xã hội TikTok. Quỹ này trả tiền cho những người có ảnh hưởng trên ứng dụng TikTok dựa trên số lượt xem video của họ.
Nhà sáng tạo nội dung là "mạch máu" của bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội nào. Họ thúc đẩy các xu hướng và mức độ tương tác cũng như xây dựng một cộng đồng trung thành. Ngày càng có nhiều công ty mạng xã hội dường như nhận ra một thực tế mà Horwitz đã mô tả: Các nhà sáng tạo nội dung có thể tham gia một nền tảng để xây dựng lực lượng khán giả, nhưng cuối cùng, nền tảng đó phải trả tiền để giữ chân họ. |
Trao đổi với CNN, Horwitz nói: “Chúng tôi thích sáng tạo nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ chuyển sang sử dụng nền tảng trả nhiều tiền nhất cho chúng tôi”.
Trong những tháng gần đây, các ‘ông lớn’ công nghệ lớn đã nỗ lực làm điều đó khi họ tung ra nhiều cách để nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền trên nền tảng mạng xã hội của họ, bao gồm chia sẻ doanh thu quảng cáo phát trên nội dung của họ lẫn chi trả trực tiếp.
Snapchat đang trả tổng cộng 1 triệu đô la mỗi ngày cho những người dùng tạo ra các video giải trí ăn khách nhất cho Spotlight, đối thủ của TikTok.
Năm ngoái, TikTok ra mắt quỹ hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung ở Mỹ trị giá 200 triệu đô la để trả thưởng cho những nhà sáng tạo nội dung hàng đầu và thu hút thêm hàng trăm nghìn nhà sáng tạo mới. TikTok dự định nâng quy mô của quỹ này lên 1 tỉ đô la trong 3 năm tới.
Gần đây, Twitter thông báo rằng họ đang xem xét phương án tạo thu nhập cho các nhà sáng tạo nội dung được nhiều người yêu thích bằng cách thu phí đối với người dùng đăng ký theo dõi tài khoản Twitter của họ.
Năm ngoái, TikTok thành lập quỹ trị giá 200 triệu đô la để trả thưởng cho những nhà sáng tạo nội dung xuất sắc nhất ở Mỹ. |
Điều quan trọng là "hãy tạo ra những nội dung tốt"
Những động thái trên phản ánh giá trị của của những nhà sáng tạo nội dung hàng đầu đối với các nền tảng mạng xã hội. Ben Ricciardi, người sáng lập Công ty tiếp thị người ảnh hưởng Times10, nói: “Truyền thông xã hội đang lao vào một cuộc chiến. Twitter đang tìm cách thu hút trở lại lượng người dùng lớn hơn. Snap đang thực sự khuyến khích nhà sáng tạo nội dung quay trở lại hoặc dành nhiều thời gian hơn cho nền tảng này”.
Ngay cả Facebook, nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn một tỉ người dùng thường xuyên hàng tháng, cũng phải cạnh tranh để giành người dùng và tài năng sáng tạo nội dung với đối thủ non trẻ hơn như TikTok.
Tuần trước, Facebook thông báo các ngôi sao mạng xã hội sẽ được chia sẻ doanh thu quảng cáo từ tất cả các loại video đăng trên nền tảng này, bao gồm cả những video ngắn chỉ một phút.
Theo Facebook, từ năm 2019 đến năm 2020, số lượng nhà sáng tạo nội dung trên Facebook kiếm được tương đương 10.000 đô la mỗi tháng đã tăng 88% và nhà sáng tạo kiếm được 1.000 đô la mỗi tháng đã tăng 94%. Yoav Arnstein, Giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook, cho rằng nhà sáng tạo nội dung đóng vai trò ‘cực kỳ quan trọng’ đối với các nền tảng mạng xã hội”. |
Trong những năm gần đây, Facebook đã triển khai nhiều cách kiếm tiền cho nhà sáng tạo nội dung, bao gồm kiếm doanh thu từ quảng cáo chạy trên video của họ, yêu cầu người dùng chi trả môt khoản thanh toán theo định kỳ khi họ đăng ký theo dõi một fanpage yêu thích, tăng ‘sao ảo’ (có thể qui đổi ra tiền mặt) trong phần bình luận nội dung dưới video phát trực tiếp của nhà sáng tạo nội dung.
Nhìn chung, những động thái nói trên của các nền tảng mạng xã hội lớn đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách họ tiếp cận nhà sáng tạo. Ngoại trừ YouTube, vốn từ lâu đã cho phép những người có ảnh hưởng kiếm tiền từ quảng cáo, bấy lâu nay, nhà sáng tạo nội dung phải tự mình kiếm tiền thông qua thỏa thuận quảng cáo độc lập với các nhãn hàng, bán hàng hóa trực tuyến...
Karyn Spencer, Giám đốc tiếp thị của nền tảng tiếp thị người có ảnh hưởng Whalar, cho biết: “Nhiều nền tảng không muốn mở khả năng kiếm tiền cho nhà sáng tạo vì họ không muốn thừa nhận rằng người sáng tạo là động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Giờ đây, chúng ta rốt cục đã đi đến điểm mà mọi nền tảng đều biết: để tồn tại, họ phải trả tiền cho các tài năng”.
Đối với những người có ảnh hưởng, điều này tạo ra sự thay đổi lớn. Horwitz cho biết trong những năm trước, nhiều người đã liên hệ với vợ chồng cô để hỏi cách kiếm tiền với tư cách là những người có ảnh hưởng. “Lúc đó, không có phương hướng kiếm tiền rõ ràng. Bạn giống như là chủ một doanh nghiệp và phải thiết lập một trang web hay bán một sản phẩm hay thứ gì đó và phải sáng tạo. Nhưng giờ đây, các nền tảng đã nói rõ rằng: hãy tạo ra những nội dung tốt, thu hút lượt xem, rồi bạn sẽ được trả tiền”.
Theo CNN
Xem thêm: lmth.gnud-ion-oat-gnas-iat-nahn-taig-hnaig-ed-neit-tod-ioh-ax-gnam-cac/057413/nv.semitnogiaseht.www