Hãng tin AP ngày 20-3 nhận định quan hệ giữa Mỹ với hai đối thủ địa - chính trị lớn nhất Nga, Trung Quốc đang phải đối mặt những thử thách gay gắt khi Tổng thống Joe Biden nỗ lực khẳng định vị thế của Washington trên thế giới và thể hiện sự khác biệt với người tiền nhiệm Donald Trump.
Với việc đưa ra loạt động thái phàn nàn, chính quyền ông Biden trong tuần qua đang cho thấy một đường lối cực kỳ cứng rắn với Trung Quốc và Nga. Các cuộc tranh cãi công khai giữa các nước nổ ra khi ông Biden mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là "kẻ sát nhân", cũng như các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông đã khiến Trung Quốc phẫn nộ vì nhiều vấn đề.
Moscow và Bắc Kinh đều đã có động thái đáp trả, dấu hiệu cho thấy, trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều hơn, căng thẳng leo thang khó có thể được giải quyết nếu không có các cuộc đối thoại ở cấp lãnh đạo và sự nhượng bộ từ tất cả các bên.
Ông Biden đưa ra lập trường rắn với Nga, Trung Quốc
Trong một chương trình phát trên đài ABC News ngày 17-3, ông Biden đã tìm cách cho thấy những khác biệt rõ ràng với người tiền nhiệm Trump, được cho là đã có lập trường mềm mỏng với Nga, liên quan chính sách của Mỹ đối với nước Nga.
Chỉ 24 giờ sau, nhà ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông Biden đã thể hiện quan điểm thẳng thắn với các quan chức Trung Quốc trong các cuộc hội đàm tại bang Alaska.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Nếu như những phát ngôn mạnh mẽ của ông Biden về ông Putin phản ánh sự thay đổi từ cách tiếp cận hòa giải thường thấy của ông Trump đối với Điện Kremlin, thì những lời chỉ trích gay gắt nhắm vào Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã phản ánh đường lối cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Bắc Kinh.
Sự tương phản trên cho thấy ông Biden đang có ý định đảo ngược nhiều năm lập trường mềm mỏng của Mỹ đối với Nga, cũng như bác bỏ các cáo buộc mà ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2020 đã đưa ra cho rằng ông Biden sẽ không đủ cứng rắn với Trung Quốc.
Theo AP, khi đưa ra quan điểm mạnh mẽ đối với Nga, ông Biden đã nói rằng những ngày Mỹ "thuận theo" ông Putin đã chấm dứt. Trong cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 17-3, ông Biden trả lời "Tôi đồng ý" khi được hỏi liệu ông có nghĩ ông Putin là một "kẻ sát nhân" hay không. Nga đã phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ Nga tại Washington về nước để tham vấn.
Căng thẳng Mỹ - Nga xung quanh phát ngôn của ông Biden diễn ra trong bối cảnh hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, tại cuộc gặp cấp cao với Mỹ ở bang Alaska, đã đưa ra phản ứng theo kiểu tương tự trước những lời chỉ trích từ ông Blinken và ông Sullivan về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, cũng như các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.
Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc Mỹ “đạo đức giả” khi lên án Trung Quốc trong khi vẫn đang phải “vật lộn với các vấn đề nội bộ” như tình trạng bạo lực chống lại người Mỹ gốc Á hay những bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Ông Blinken và ông Sullivan đã phản ứng dữ dội trước những cáo buộc từ phía Trung Quốc và trả lời rằng Mỹ không hoàn hảo nhưng đang tìm cách giải quyết các vấn đề trên một cách công khai và trung thực. Ông Sullivan cho biết sự sẵn sàng đối mặt những thiếu sót của người Mỹ là “chìa khóa bí mật” cho sự thành công của Washington.
Theo AP, Mỹ cũng tìm cách điều chỉnh lại quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh chính quyền ông Biden quyết tâm sửa chữa mối quan hệ song phương, củng cố nền kinh tế Mỹ và cải thiện quan hệ với các đồng minh châu Á như Úc, Nhật và Hàn Quốc.
Ông Blinken, vừa kết thúc chuyến công du tới Nhật và Hàn Quốc cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã nhấn mạnh với Trung Quốc về liên kết giữa Mỹ với các đồng minh.
“Tôi phải nói với các ông rằng những gì tôi đang nghe rất khác với những gì các ông mô tả” - ông Blinken nói với hai quan chức Trung Quốc.
“Tôi nghe thấy sự hài lòng sâu sắc rằng Mỹ đã trở lại, rằng chúng tôi đang gắn kết trở lại với các đồng minh và đối tác của mình. Tôi cũng nhận được sự quan ngại sâu sắc về một số hành động mà chính phủ Bắc Kinh đã thực hiện" - ông Blinken nói thêm.
Khôi phục quan hệ với các đồng minh châu Âu
Theo AP, chính quyền ông Biden đang đưa ra một nỗ lực tương tự đối với các đồng minh ở châu Âu trong vấn đề liên quan Nga.
Ông Blinken dự kiến ngày 22-3 sẽ đến châu Âu để đàm phán với các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) nhằm khôi phục lại quan hệ sau nhiều năm quan hệ rạn nứt dưới thời ông Trump.
Quan điểm cứng rắn của ông Trump, những lời đe dọa về chiến tranh thương mại và yêu cầu gay gắt rằng châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho sự hiện diện của quân đội Mỹ đã làm mất lòng nhiều nước EU, đặc biệt là Pháp và Đức.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến thăm của ông Blinken nhằm mục đích nhấn mạnh “quyết tâm củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương và củng cố mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh thông qua NATO” nhằm đối phó những thách thức mà Nga và Trung Quốc đang đặt ra.
Quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU đã tuột dốc kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, cũng như những cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ, tấn công mạng và gần đây nhất là vụ bắt giam lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny. Giới chức trách Nga đã bác bỏ các cáo buộc.
Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia Mỹ gần đây đã công bố báo cáo cáo buộc ông Putin đã cho phép các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm giúp ông Trump tái đắc cử.
Chính quyền ông Biden cảnh báo rằng Nga sẽ sớm phải đối mặt các lệnh trừng phạt vì nỗ lực tác động đến cuộc bầu cử Mỹ và các vụ hack SolarWinds trên diện rộng.
"(Ông Putin) sẽ phải trả giá" - ông Biden nhấn mạnh trong chương trình của ABC News khi được hỏi về các báo cáo đã được giải mật.