vĐồng tin tức tài chính 365

Nông sản để thối ngoài đồng, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao

2021-03-22 15:13

“Ăn đắt bán rẻ”

Những ngày giữa tháng Hai, khi các loại rau củ của Hải Dương, Hà Nội, Đà Lạt… giá rẻ như cho không, nhưng cũng chẳng có người mua. Rất nhiều nhóm thiện nguyện đã chung tay thu mua cho nông dân, đưa về các thành phố kêu gọi mọi người “giải cứu”. 

Giá nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối khá thấp nhưng về đến chợ lẻ thường tăng gấp đôi, gấp ba
Giá nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối khá thấp nhưng về đến chợ lẻ thường tăng gấp đôi, gấp ba

Tại TPHCM, trên một số tuyến đường như Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, các loại cải thảo, cà rốt, cà chua, cà tím, su su… được đưa từ Đà Lạt về bán đồng giá 10.000 đồng/kg. Theo giải thích của người bán, thực tế giá các sản phẩm có loại cao, loại thấp… và người mua thường mua nhiều loại, do các sản phẩm này tồn đọng trên ruộng của nông dân khá nhiều nên bán đồng giá để tiêu thụ nhanh. Tính ra, có những mặt hàng như cải thảo, vượt 300km từ Đà Lạt về TP.HCM giá bán chỉ 2.000-5.000 đồng/kg, trong khi ở những chợ lẻ của TPHCM, giá vẫn bình thường 18.000-22.000 đồng/kg; tại các siêu thị, giá cao hơn chợ lẻ từ 3.000-6.000 đồng/kg. 

Nhiều ý kiến đổ lỗi cho các tầng nấc trung gian, thương lái khiến giá nông sản bị đội lên. Từ ruộng của nông dân về đến các chợ đầu mối của TP.HCM là khâu có nhiều trung gian nhất, đầu mối nhỏ thu mua của nông dân đưa về các vựa lớn, sơ chế chuyển lên xe đưa về đầu mối tại TP.HCM. Tuy nhiên ở khâu này, giá ít bị đội lên nhất, trong khi từ đầu mối về các chợ lẻ chủ yếu là tiểu thương và không qua khâu trung gian nào nhưng giá sản phẩm luôn đội lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Đây cũng là lý do khiến ngày càng có nhiều người tiêu dùng trực tiếp đến các chợ đầu mối mua lẻ nông sản, thực phẩm.

Ngày 20/3, chúng tôi lấy thử giá một số rau củ như cải thảo (6.000 đồng/kg), bí xanh (5.000 đồng/kg), khoai tây (18.000 đồng/kg)… tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, so sánh với giá bán lẻ tại chợ Bình Triệu cách đó chừng 5km thì thấy giá tăng gấp hai, ba lần. Trái cây, thực phẩm tươi sống cũng có mức chênh lệch lớn. 

Với siêu thị, cửa hàng tiện lợi… vốn không phụ thuộc vào các đầu mối thương lái, giá bán sản phẩm cũng luôn ở trạng thái giá cao hơn các chợ lẻ. Một số siêu thị cho biết, họ thu mua nông sản qua hai kênh: trực tiếp từ nông dân và qua nhà cung cấp. Thường siêu thị ký hợp đồng lâu dài với nhà cung cấp để ổn định nguồn hàng và giá cả khi thị trường biến động. Còn trong điều kiện bình thường, siêu thị có thu mua trực tiếp thêm từ nông dân nên giá cả được điều chỉnh linh hoạt. Sự hợp tác này dựa trên cam kết: siêu thị bao tiêu đầu ra ổn định thì nông dân không được phá giá. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp nông dân “bẻ” hợp đồng với các hợp tác xã (HTX), lấy hàng bán cho thương lái khi họ trả giá cao hơn, khiến HTX phải chạy tìm nguồn hàng bổ sung và cũng có trường hợp bị thương lái bẻ kèo, không thu mua thì nông dân lại kêu cứu HTX. 

Từ chính hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit, cho hay, doanh nghiệp thuê xe đưa rau từ tỉnh Bình Dương về tỉnh Đồng Nai đã phải chịu chi phí vận chuyển mỗi ký rau là 20%; còn từ Đồng Nai, Đà Lạt về TP.HCM chi phí còn cao hơn. Ngay cả thời điểm các vùng trồng không tiêu thụ được phải kêu gọi giải cứu, nếu doanh nghiệp tham gia có xe nhà, tính ra mỗi ký rau củ, trái cây, vẫn phải tốn 1.000-1.500 đồng chi phí vận chuyển. Do đó, giá mua 1.000 đồng/kg rau tại Hải Dương vào đến TP.HCM không thể bán với giá 1.000 đồng/kg. 

Phân phối có vấn đề?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính), cho rằng, những doanh nghiệp, đơn vị thu mua nông sản thực phẩm từ các nơi đưa về TP.HCM phải chịu chi phí vận chuyển cao nên giá chênh lệch hơn so với vùng sản xuất là đúng. Nhưng phải xem sự chênh lệch này là bao nhiêu, có hợp lý không. Giả sử mua vào 1.000 đồng/kg nhưng bán ra tầm 5.000-10.000 đồng/kg là doanh nghiệp đó hầu như không lời hoặc rất ít nhưng nếu bán ra từ 15.000-25.000 đồng/kg là lời quá cao. 

Theo đại diện siêu thị B., họ cơ cấu giá bán lẻ dựa trên giá thu mua và các chi phí vận chuyển, mặt bằng, nhân viên, marketing, kiểm tra chất lượng, dịch vụ bán hàng, thuế… và biên độ lợi nhuận mặt hàng nông sản rất thấp. Còn giá nông sản bán lẻ ngoài chợ thường bị chi phối qua thương lái, chứ bản thân nông dân và người bán lẻ không quyết định được. 

Còn đại diện siêu thị C. cho rằng, so sánh giá bán lẻ nông sản trong siêu thị với giá bán ngoài chợ là không phù hợp vì hai hệ thống hai quy trình, hai sản phẩm đầu cuối khác nhau. Nông sản ngoài chợ phần lớn do thương lái thu gom, khó kiểm soát chất lượng; trong khi nông sản đầu vào siêu thị kiểm soát nguồn gốc, chất lượng chặt chẽ và có hợp đồng bao tiêu để nông dân sản xuất hàng đạt tiêu chuẩn. “Việc quản lý, định hướng, quy hoạch không tốt nên cung cầu nông sản thường không cân bằng, lúc thiếu, lúc thừa. Nông dân không có thông tin, trồng tự phát vừa không thể kiểm soát số lượng, vừa khó kiểm soát chất lượng nên đầu ra luôn bấp bênh. Trong khi việc kết nối tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ quan chủ quản chính thức…”, vị này nêu. 

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu và marketing Võ Văn Quang, đa số người buôn bán không ai nói mình lời nhiều, nhưng đã làm phân phối, các đơn vị tính từng đồng và tối ưu các khâu thu mua, vận chuyển, lưu kho, lên kệ, khuyến mãi, trưng bày, hệ thống thông tin… Tuy nhiên, vấn đề là tính toán hiệu quả nhưng phần lợi nhuận đơn vị bỏ túi hay hạ giá bán để cạnh tranh hoặc người tiêu dùng thụ hưởng. Điều này thuộc vấn đề riêng của nhà phân phối, khó phán đoán được. 

Bản chất của thương mại nếu chỉ tư duy thuần kinh tế thì rất khó, mà người kinh doanh phải có tấm lòng và đạo đức kinh doanh, tuy nhiên, cũng không cảm tính mà còn tính đến bài toán kinh tế. Nhà phân phối khó giảm giá mạnh một mặt hàng nông sản (ví dụ cà rốt 20.000 đồng/kg) từ 20.000 đồng/kg còn 10.000 đồng/kg khi xét mối tương quan với các mặt hàng thay thế khác (ví dụ bắp cải, củ cải trắng, su su… có giá 25.000 đồng/kg) vì người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua cà rốt và các nhóm hàng thay thế không bán được. Vì vậy, nhà bán lẻ thường phải tính một mức giá hợp lý. Thực tế, có những loại nông sản giá thu mua chỉ 5.000 đồng nhưng chi phí vận chuyển từ Bắc vào Nam có thể đẩy giá thành sản phẩm lên gấp hai, ba lần vì hạ tầng logistic của Việt Nam còn kém; chưa kể các chi phí mặt bằng, nhân công, marketing…

“Thông thường, sản phẩm thuộc phân khúc cao thì biên độ lợi nhuận cao, sản phẩm ở phân khúc thấp, lợi nhuận thấp. Mặc dù giá nông sản từ khu sản xuất lên đến quầy kệ tăng gấp đôi, nhưng biên độ lợi nhuận thường chỉ khoảng mấy phần trăm. Tuy nhiên, thực tế có thời điểm giá thu mua thanh long tại nhà vườn 7.000-10.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại siêu thị 25.000 đồng/kg, nhưng khi giá đầu vào giảm còn 5.000 đồng/kg, giá bán lẻ vẫn không giảm, nhà bán lẻ lợi nhuận nhiều hơn. Vấn đề này thuộc về đạo đức kinh doanh”, chuyên gia Võ Văn Quang phân tích. 

Cần mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm
Chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, các đơn vị phân phối Việt Nam không nên chỉ dừng lại ở khâu phân phối mà cần mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm, có thể chế biến nông sản để tăng lợi nhuận, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh. Đây là cách làm của các tập đoàn lớn và các hệ thống phân phối trên thế giới từ rất lâu. 
Nhiều loại nông sản có thể được chế biến đông lạnh, khô, sệt, sấy… thành sản phẩm mới hoặc nguyên liệu làm bánh, mứt… Nhà phân phối biết rõ người tiêu dùng cần gì, thị trường cần sản phẩm nào. Để làm được, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, lý thuyết bình thông nhau hay gọi là một nhánh phụ giải quyết vấn đề chế biến nông sản trong những thời điểm bị ùn ứ. Doanh nghiệp, HTX, chính quyền phải cùng nhau xác định chế biến là một trong những giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt hơn là những đợt giải cứu. Các chương trình bình ổn thị trường cần được làm tốt hơn thì mới ổn định được giá nông sản…

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.1400341a-oac-aig-aum-iahp-nav-gnud-ueit-iougn-gnod-iaogn-ioht-ed-nas-gnon/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Nông sản để thối ngoài đồng, người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools