vĐồng tin tức tài chính 365

Hành trình từ 'giải cứu' nông sản đến xúc tiến thương mại xuyên biên giới

2021-03-22 18:09

Hành trình từ 'giải cứu' nông sản đến xúc tiến thương mại xuyên biên giới

Chánh Trung

(KTSG Online) – Việc áp dụng các cách thức xúc tiến thương mại mới dựa trên nền tảng chuyển đổi số đã có những hiệu quả khá bất ngờ.

Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số để giúp "giải cứu" nông sản của nông dân Hải Dương. Ảnh: ĐVCC

Đổi mới các cách thức xúc tiến thương mại (XTTM) không chỉ giúp “giải cứu” nông sản cho nông dân, giúp doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19… mà về lâu dài còn tạo đà để đưa hàng hóa đi toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Đẩy mạnh XTTM trực tuyến, xuyên biên giới

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Hải Dương khiến nông sản ùn ứ thì các hoạt động XTTM bằng hình thức trực tuyến để “giải cứu” đã bất ngờ đạt được hiệu quả không nhỏ. Theo đó Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Sendo (Sendo.vn) đã triển khai chiến dịch đưa các nông sản của người nông dân lên sàn TMĐT để tiêu thụ. Kết quả là chỉ sau một tuần triển khai 25 tấn nông sản của Hải Dương đã được tiêu thụ hết trên sàn Sendo.

Các sàn TMĐT như Postmart.vn (Vietnam Post), Voso.vn (Viettel Post) cũng nhanh chóng tham gia các hoạt động XTTM trực tuyến để giúp người nông dân Hải Dương. Các sàn TMĐT này đã đưa hàng chục tấn rau củ quả, trứng gà… lên bán trực tuyến và đã được tiêu thụ hết nhanh chóng chỉ sau vài ngày. Tuy những kết quả này không quá lớn lao song đã tạo “hứng khởi” cho các hoạt động TMĐT, XTTM trực tuyến, xuyên biên giới của ngành công thương.

Các chuyên gia TMĐT cho biết các hoạt động XTTM trực tuyến, TMĐT xuyên biên giới giờ đây đã được chú trọng. Nhờ nó mà nông dân bán được nhiều hàng hóa, biết là có thể trực tiếp bán hàng ra nước ngoài mà không mất quá nhiều tiền đầu tư.

Ngày 16-3 vừa qua Cục Xúc tiến thương mại và nền tảng TMĐT Alibaba.com cũng đã ký biên bản ghi nhớ chính thức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới, chuyển đổi số. Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com sẽ triển khai các hoạt động giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực chuyển đổi số, năng lực TMĐT. Đặc biệt là các kỹ năng trong thương mại quốc tế nhằm hỗ trợ các tổ chức XTTM và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó Cục Xúc tiến thương mại cũng đã hợp tác với sàn TMĐT lớn nhất thế giới là Amazon.com để thúc đẩy các hoạt động TMĐT xuyên biên giới, XTTM trực tuyến…

Trong năm 2020, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương và các cơ quan XTTM nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các nền tảng số vào XTTM. Hơn 500 hội nghị XTTM quốc tế trực tuyến, trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ XTTM trực tuyến với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến (12-2020), tổ chức cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm trực tuyến quốc tế.

Bộ Công Thương cho biết năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về XTTM được phê duyệt với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỉ đồng. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương XTTM qua hình thức trực tuyến. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, ứng dụng các nền tảng số vào XTTM và quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu có hiệu quả dù vẫn ở ngay tại “nhà”.

Chuyển đổi số các hoạt động XTTM

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các sàn thương mại điện tử cho biết trước mắt, các hoạt động XTTM trực tuyến tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các sản phẩm nông sản trong và sau thời kỳ dịch bệnh. Tuy nhiên tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai để giải quyết triệt để bài toán tiêu thụ nông sản, hướng tới phát triển bền vững và xa hơn nữa là chuyển đổi số các hoạt động TMĐT, nông nghiệp cùng người nông dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó tổng giám đốc phụ trách Giao vận và Phát triển thị trường, Công ty cổ phần công nghệ Sendo cho biết: “chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng chương trình “chương trình cấp Quốc gia về XTTM - Xúc tiến sản phẩm nông sản” đến nhiều tỉnh thành khác trên cả nước để hỗ trợ các tỉnh chịu thiệt hại do dịch Covid-19 vừa qua nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Thông qua lợi thế về chuyển đổi số, công nghệ của sàn TMĐT, Sendo có thể tận dụng để cùng với Cục Xúc tiến thương mại, các đối tác kho vận và đặc biệt là người nông dân để xây dựng một nền nông nghiệp số bền vững. Đây sẽ là nơi kết nối trực tiếp các doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân với hàng chục triệu khách hàng trên khắp cả nước, giúp khai phá kênh tiêu thụ mới thông qua TMĐT cho nông sản Việt Nam”.

Bên cạnh đó, nhằm đổi mới công tác XTTM để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ cuộc cách mạng này, trong năm 2020, Bộ Công Thương cho biết đã triển khai xây dựng 5 ứng dụng, phần mềm chuyển đổi số bao gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); Hệ sinh thái XTTM (VECOBIZ, Cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com); Cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hóa (https://vietnam.tradeportal.org); Nền tảng đào tạo XTTM trực tuyến (E-learning). Các ứng dụng trên dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2021.

Bộ Công Thương cho biết cũng đã trực tiếp tổ chức, hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Cà Mau... tổ chức thành công các hội nghị XTTM trực tuyến nhằm quảng bá và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản vào vụ như vải, nhãn, xoài, rau củ quả... Đến nay, mô hình này đã trở thành hình thức XTTM - đầu tư mới hiệu quả và lan tỏa ra hầu hết các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước, qua đó góp phần tích cực vào kết quả xuất - nhập khẩu của cả nước trong năm 2020.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post, cho biết: “chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh “giải cứu” không chỉ diễn ra trong mùa dịch. Chúng tôi xác định rõ quan điểm đây không chỉ là giải pháp giúp tiêu thụ nông sản ngắn ngày của bà con nông dân Hải Dương. Mà sẽ còn tiếp tục triển khai, đồng hành, hỗ trợ người nông dân áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu sản xuất kinh doanh nông nghiệp, TMĐT bền vững”.

Đại diện một sàn TMĐT tại TPHCM cho biết XTTM trực tuyến mạng lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý bởi nó có thể triển khai, tổ chức một cách linh hoạt, không bị giới hạn về thời gian, không gian. Mọi hoạt động đều có thể diễn ra 24/24, miễn là các phương tiện, mạng internet… hoạt động tốt, đảm bảo cho việc truyền dữ liệu. Bên cạnh đó XTTM trực tuyến còn giúp bắt kịp xu hướng phát triển trên toàn thế giới, giúp mở rộng phạm vi, tìm kiếm khách hàng mới không chỉ trong khu vực mà còn cả trên toàn cầu.

 

Xem thêm: lmth.ioig-neib-neyux-iam-gnouht-neit-cux-ned-nas-gnon-uuc-iaig-ut-hnirt-hnah/957413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hành trình từ 'giải cứu' nông sản đến xúc tiến thương mại xuyên biên giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools