Nhờ xử lý trơn tru bài phát biểu kéo dài hơn 15 phút của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì khi bắt đầu cuộc hội đàm giữa các quan chức cấp cao của Washington và Bắc Kinh tại Alaska, nữ phiên dịch viên Trung Quốc Zhang Jing đã trở nên nổi tiếng trên các trang mạng xã hội nước này, tờ South China Morning Post đưa tin.
“Nữ phiên dịch viên xinh đẹp nhất Trung Quốc”
Truyền thông Trung Quốc gọi Zhang là “nữ phiên dịch viên xinh đẹp nhất Trung Quốc”. Tên của cô đã trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo. Các video có hình ảnh của cô ấy cũng thu được hàng chục triệu lượt xem trực tuyến.
Một người tham gia cuộc họp cho biết bài phát biểu dài của ông Dương "sẽ là một thách thức đối với người phiên dịch". Trong lúc họp, Ngoại trưởng Mỹ đề xuất “nên tăng thù lao cho người phiên dịch”. Đề xuất của ông đã nhận được những tiếng cười giữa bầu không khí căng thẳng.
Nữ phiên dịch viên Trung Quốc Zhang Jing - người dịch trơn tru bài phát biểu hơn 15 phút của ông Dương Khiết Trì tại cuộc họp với Mỹ ở Alaska. Ảnh: SCMP
Sau đó, nữ phiên dịch viên đã đưa ra một bản dịch tiếng Anh bài phát biểu của ông Dương Khiết Trì dài gần 2.000 từ.
Theo truyền thông Trung Quốc, vào năm 2013, Zhang đã từng làm phiên dịch trong các cuộc họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh.
Ngoài ra, Zhang còn được biết đến là người có phong thái điềm đạm và kỹ năng phiên dịch cực kỳ tốt.
Zhang là người gốc Hàng Châu - thủ phủ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cô tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Hàng Châu vào năm 2003, và sau đó là trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc - nơi cô theo học chuyên ngành tiếng Anh. Vào năm 2007, nữ phiên dịch viên chính thức được Bộ Ngoại giao nước này tuyển dụng.
Tờ China Women News đã đăng trên tài khoản mạng xã hội của mình, ca ngợi Zhang là một hình mẫu cho thấy “hình ảnh Trung Quốc” và là “đại diện cho các phiên dịch viên chuyên nghiệp và có năng lực nhất của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mang tiếng nói của Trung Quốc ra với thế giới”.
Cuộc đối thoại “ăn miếng trả miếng”
Cuộc hội đàm hai ngày tại Alaska bắt đầu với các pha “đối đáp căng thẳng” giữa Mỹ và Trung Quốc, và kết thúc bằng một thỏa thuận hợp tác chống biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân. Tuy nhiên, theo lời của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hai nước vẫn có “những mâu thuẫn cơ bản” về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hong Kong, Tây Tạng, Đài Loan và không gian mạng.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên gặp nhóm quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã nói một cách không e dè rằng: “Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Trung Quốc. Nhiều người ở Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ Mỹ, và họ có quan điểm khác nhau về chính phủ Mỹ”.
Sau các bài phát biểu của ông Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, ông Dương Khiết Trì đã ca ngợi thành công của Trung Quốc trong việc giải quyết nạn đói nghèo và nỗ lực khống chế đại dịch COVID-19.
Thông điệp của ông Dương Khiết Trì rất rõ ràng: “Trung Quốc đã thành công trong việc khống chế đại dịch COVID-19, chứng tỏ hệ thống của Trung Quốc ưu việt hơn dân chủ kiểu Mỹ”.
Đồng thời, ông Dương Khiết Trì cáo buộc Washington sử dụng sức mạnh tài chính cũng như sức mạnh quân sự để chèn ép các nước khác, và cho rằng những chính sách an ninh quốc gia Mỹ đang đe dọa tương lai thương mại toàn cầu.
Ông cũng bác bỏ những cáo buộc liên quan đến chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan và nhấn mạnh rằng đây là công việc nội bộ của Trung Quốc.
Theo tờ Nikkei Asia, sự hồi sinh của cuộc đối đầu Đông - Tây đã tồn tại lâu đời đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với thế giới. Sự cạnh tranh này có thể cản trở sự hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thể làm việc cùng nhau vì lợi ích toàn cầu, chẳng hạn như đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và chống biến đổi khí hậu.